Những câu chuyện thú vị về mô hình trường học mới

(Dân trí) - Phụ huynh yêu cầu mở rộng mô hình để con em đi học; Học sinh ngày càng mạnh dạn hơn trong giao tiếp; Không được hỗ trợ những vẫn quyết tham gia mô hình... Đó là một số những câu chuyện khá thú vị về mô hình trường học mới (VNEN).

Trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển từng nhấn mạnh: “Dự án của mô hình VNEN đã có kết hoạch là chỉ hỗ trợ cho 1.447 trường tiểu học tham gia. Song do hiệu quả của mô hình này nên nhiều nơi muốn tự nhân rộng ra. Tuy nhiên, trường nào muốn làm thêm thì phải tự lo kinh phí, dự án chỉ hỗ trợ trong công tác tập huấn giáo viên. Có thể những trường không đủ điều kiện thực hiện ngay các nội dung của trường học VNEN thì có thể thực hiện từng phần. Ví dụ như có thể chỉ thực hiện phần tổ chức lớp học hoặc sử dụng bộ sách…”.

Chủ trương đã rất rõ ràng, nhưng với sức hút của mô hình thì tính đến năm học 2014-2015 có thêm gần 1.000 trường tiểu học của 31 tỉnh thành tình nguyện tham gia mở lớp học VNEN toàn phần mà không có sự hỗ trợ của Dự án. Địa phương nhân rộng mô hình nhiều nhất là Lạng Sơn (189 trường), Kiên Giang (130 trường)…

"Đòi" mở lớp học VNEN

Điều kiện cơ sở vật chất ở các trường tiểu học của Kiên Giang vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong khi yêu cầu bắt buộc của mô hình VNEN là phải tổ chức học hai buổi/ngày. Tuy nhiên, khi phụ huynh chứng kiến và tự so sánh được sự khác biệt giữa VNEN với lớp học truyền thống thì họ đã cương quyết đề nghị lãnh đạo ngành giáo dục mở rộng.

Ông Cao Thanh Hùng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang chia sẻ: Khi đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc với cử tri thì người dân đề nghị mở lớp học VNEN. Trên cơ sở nguyện vọng này, lãnh đạo tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục nghiên cứu và triển khai. Vào tháng 8/2013, Sở GD-ĐT đã có công văn để chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình VNEN trong toàn tỉnh với phương châm sử dụng nguồn ngân sách địa phương và vận động sự đóng góp của cộng đồng để có thể tập huấn giáo viên, nhân rộng việc giảng dạy ở một số môn, một số lớp tại những trường đang giảng dạy học tập 2 buổi/ngày. Cho phép dùng ngân sách và kinh phí dự án để tất cả các lớp tiểu học toàn tỉnh được bày trí theo hình thức lớp VNEN nhằm tạo sinh khí, giáo dục tính tự quản, tự giác và kỹ năng giao tiếp, ứng xử… cho học sinh.

Gần 70% trường tiểu học ở Kiên Giang triển khai mô hình VNEN.
Gần 70% trường tiểu học ở Kiên Giang triển khai mô hình VNEN.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, quá trình triển khai thì nhiều trường đánh giá mô hình lớp học và hình thức tổ chức dạy học đã tạo được hứng thú cho giáo viên và học sinh khi thực hiện giảng dạy và học tập. Lớp học sinh động, học sinh ham thích học; học sinh được tự quản, phát huy tính chủ động, khả năng tự học phát triển. Các em mạnh dạn hơn, tự tin hơn, linh hoạt trong học tập và giao tiếp.

Bên cạnh đó, học sinh được rèn luyện thêm kỹ năng sống, biết bày tỏ ý kiến, biết quan sát, quan tâm đến việc học của bạn, biết diễn đạt bằng luận điệu ngôn ngữ của mình. Mô hình tự quản của VNEN giúp học sinh nâng cao tính tự giác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập.

“Nhờ có mô hình này mà học sinh có ý thức học tập và tự quản cao, các em không còn ỷ lại giáo viên mà phát huy hết khả năng của mình. Điều đáng nói, không gian lớp học được mở rộng, vượt ra ngoài xã hội, đó là những tiết học mà học sinh tiếp thu kiến thức từ thực tế, ở sân trường, ngoài công viên… Nhờ có những tiết học này mà các em đã có nhiều cơ hội trải nghiệm và tự tin hơn trong giao tiếp với mọi người xung quanh” - thầy Lê Minh Nhựt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Hồ (Hà Tiên, Kiên Giang) tâm sự.

Học sinh ngày càng mạnh dạn hơn trong giao tiếp

Nếu trước đây khi gặp học sinh người dân tộc ở các vùng khó khăn thì gần như sự giao tiếp của các em là khá hạn chế. Tuy nhiên, khi triển khai mô hình VNEN thì đã có sự cải thiện đáng kể. Điều này được thể hiện qua sự giao tiếp cởi mở, tự nhiên của học sinh khi tiếp cận với khách đến thăm trường.

Ở Trường tiểu học Định Hòa 1 (huyện Gò Quao, Kiên Giang) phần lớn học sinh là người dân tộc Khmer nên học sinh tỏ ra nhút nhát, rụt rè, chưa mạnh dạn trong quá trình học tập nhất là ở khối 2. Tuy nhiên sau khi tiếp cận với mô hình VNEN thì số lượng học sinh đạt tỷ lệ khá, giỏi ở môn Tiếng Việt ngày càng tăng lên, tỷ lệ yếu kém giảm xuống.

Điểm nổi bật của mô hình đó là làm cho học sinh mạnh dạn và tự tin hơn.
Điểm nổi bật của mô hình đó là làm cho học sinh mạnh dạn và tự tin hơn. Trong ảnh: Một học sinh dân tộc Khmer ở Trường tiểu học Định Hòa 1 tự tin học bài.

Thầy Trần Thiện Ngoan - Hiệu trưởng Trường tiểu học Định Hòa 1 chia sẻ: “Học sinh đều được học 2 buổi/ngày và ngày càng quen dần với phương pháp học tập mới, được trang bị đầy đủ tài liệu hướng dẫn học tập, tài liệu học tập cá nhấn, học sinh được tương tác với các bạn trong nhóm, trong lớp, được tự mình đánh giá kết quả học tập của bản thân, của các bạn trong lớp, được khẳng định mình, từ đó học sinh cảm thấy thích thú”.

Phân tích thêm về hiệu ứng tích cực khiến cho học sinh mạnh dạn hơn, cô Nguyễn Thị Kim Chi - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà An (quận Bình Thủy, Cần Thơ) tâm sự: “Mô hình đã áp dụng phương pháp dạy học mới. Ở đây học sinh giữ vai trò trung tâm trong quá trình dạy - học. Giáo viên chỉ là người tổ chức hướng dẫn, đồng hành cùng với học sinh giúp các em tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi hoạt động. Các em biết cách tự học, tự nghiên cứu sách, tự quản tốt. Học sinh tiếp thu bài nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Các em biết chia sẻ với bạn, rèn được kĩ năng giao tiếp tốt. Các em tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập, trong sinh hoạt, không còn nhút nhát”.

Không có hỗ trợ dự án vẫn quyết tâm làm

Trao đổi với Dân trí, ông Võ Minh Lợi - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ cho biết: “Sau khi đi tham quan mô hình ở những trường được dự án của trung ương hỗ trợ thì nhiều đơn vị đã quyết định tham gia với tinh thần tự nguyện. Hiện tại Sở GD-ĐT đã cho các trường tiểu học tự nguyện đăng kí áp dụng toàn phần mô hình VNEN vào năm học 2014-2015 và đã được 31 trường đăng kí với 193 lớp (7.156 học sinh)”.

Ông Lợi cho biết thêm, trong năm học, Sở sẽ tổ chức thăm trường, tham quan tiết học, hỗ trợ thêm kĩ thuật tổ chức lớp học, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học cho các trường nhân rộng mô hình này.

Không thuộc diện dự án hỗ trợ nhưng Trường tiểu học Nhơn Nghĩa 1 
Không thuộc diện dự án hỗ trợ nhưng Trường tiểu học Nhơn Nghĩa 1 vẫn quyết tâm thực hiện mô hinh VNEN.

Là một trong những trường tự nguyện thực hiện dạy thử nghiệm mô hình VNEN, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nhơn Nghĩa 1 (huyện Phong Điền, Cần Thơ) bộc bạch: “Thời điểm bắt đầu thực hiện mô hình vào năm học 2013-2014 thì nhà trường cũng gặp rất nhiều khó khăn vì mọi khâu đều phải tự tìm hiểu, tự làm. Điều may mắn đối với nhà trường đó là mặc dù nằm ở vùng nông thôn nhưng được trang bị cơ sở vật chất tương đối đầy đủ và khuôn viên thoáng mát nên tạo được một trường thân thiện, thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nhận được sự đồng tình của phụ huynh trong việc ủng hộ, hỗ trợ kinh phí trang phí phòng lớp, mua tài liệu học tập cho học sinh”.

Sau hai năm tham gia mô hình cô Bích Ngọc đánh giá: Tài liệu hướng dẫn học VNEN được thiết kế chi tiết, điều đó rất tiện cho giáo viên và học sinh trong hoạt động dạy và học. Đa số kênh hình và kênh chữ rõ ràng, dễ hiểu giúp học sinh tiếp cận bài học một cách dễ dàng. Quan trọng hơn, học tập theo mô hình VNEN giúp học sinh phát huy tính tự học, sáng tạo, tính tự giác, tự quản, sự tự tin, hứng thú trong học tập.

Trước câu hỏi, không có sự hỗ trợ của dự án thì liệu mô hình có thể tồn tại?

“Quan trọng nhất là Ban giám hiệu nhà trường phải “máu lửa” với mô hình thì mới thành công được. Nếu chúng ta giới thiệu mô hình để cho phụ huynh cảm nhận được cái tốt, cái mới thì chắc chắn họ sẽ đồng tình cùng chia sẻ với nhà trường” - cô Bích Ngọc nói.

Nguyễn Hùng