Những “cánh hoa” dưới chân núi Ka Đay

(Dân trí) - Từng bị lo ngại sẽ tuyệt chủng trong nay mai, thế nhưng, người Mã Liềng ở bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê - Hà Tĩnh) đang hồi sinh mãnh liệt. Trong sự hồi sinh ấy, có bóng hình của những cô giáo miền xuôi nặng lòng với con chữ...

Thầm lặng gieo chữ vùng biên

Chiều chớm lạnh, bản Rào Tre vắng lặng, quạnh hiu. Vừa vượt qua thượng nguồn sông Ngàn Sâu, chúng tôi đã nghe tiếng ê a của các em học sinh mẫu giáo lớn đang đánh vần từng chữ cái. 11 đứa trẻ bản Rào Tre có nước da ngăm đen, đang khoanh tay lên bàn chăm chú học.
 
Vào bản, hỏi về cô giáo dạy của bọn trẻ, Trưởng bản Hồ Kính rít một hơi thuốc rê, rồi bắt đầu câu chuyện về những cô giáo không quản ngại mùa nước dữ của thượng nguồn sông Ngàn Sâu lên dạy chữ cho những đứa trẻ ở bản Rào Tre.

Ấy là câu chuyện cứ mỗi buổi chiều dạy về, thầy cô ở xã Hương Liên đứng bên bờ sông Ngàn Sâu nhìn sang thấy những đứa trẻ người Mã Liềng ngồi bên kia sông mà “nặng” lòng. Những đứa trẻ bên này ngày nào cũng cắp sách tới trường, sao những đứa trẻ bên kia không được như thế? Có lẽ những đứa trẻ đó “thèm” chữ lắm, ít nhất phải mở một lớp vỡ lòng dạy chữ cho chúng?

Những “cánh hoa” dưới chân núi Ka Đay - 1
Những đứa trẻ Mã Liềng lớn lên chỉ thích theo bố mẹ lên núi hái rau rừng, săn thú hơn là đi học... (Ảnh: Văn Định)

Năm 2001, người Mã Liềng được biết đến như một tộc người rừng, với hơn 100 người, cần phải có sự quan tâm của chính quyền. Những người lính quân hàm xanh được phân công vào cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người Mã Liềng.

 

 “Nhưng trước đó, các cô giáo mầm non ở xã Hương Liên đã thầm lặng tình nguyện dạy chữ cho những đứa trẻ người Mã Liễng. Và người Liềng rất tự hào khi có hai em Hồ Thị Đinh Xuân, Hồ Xuân Kham đang học ở Trường ĐH Văn hoá nghệ thuật quân đội”, ông Nguyễn Xuân, Chủ tịch xã Hương Liên nói.

Và rồi ước nguyện ấy của các cô đã thành sự thật. Lớp học dạy chữ ở bản Rào Tre được mở vào năm 1995. Ngày mở lớp, các cô giáo mầm non ở xã Hương Liên đã đi vận động từng gia đình người Mã Liềng hãy cho con đến lớp. “Nhưng người Mã Liềng vẫn không cho con đi học, vì không hiểu học chữ để làm gì. Chỉ khi các cô giải thích và hứa ai cho con đến lớp sẽ được nhận gạo, thì họ mới nhận lời”, cô Nguyễn Thi Lĩnh - Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Liên kể lại.

Năm mở lớp dạy chữ ở bản Rào Tre là năm giáo viên mầm non chưa được biên chế. Vậy mà cô Trần Thị Trúc đã tình nguyện lội sông sang bản dạy chữ cho bọn trẻ. “Gieo chữ ở bản Rào Tre chưa đầy hai năm, cô Trúc mất vì bệnh nặng”, kể đến đây nước mắt cô Lĩnh trào ra. Không để cho những đứa trẻ ở bản Rào Tre thiếu chữ, cô Hoàng Thị Hương, mới tốt nghiệp sơ cấp giáo dục được một năm đã nối tiếp giấc mơ “gieo” chữ cho người Mã Liềng của cô Trúc.
 
Những “cánh hoa” dưới chân núi Ka Đay - 2
Bởi thế, các cô giáo phải vất vả tới từng nhà gọi học sinh đến lớp. (Ảnh: Văn Định)
 
Ngồi nghe cô Hương kể lại 10 năm lội sông, vận động trẻ em ở bản Rào Tre đến lớp, thật khó có thể hình dung được một cô giáo trẻ như cô Hương dám một tay cầm quần áo, một tay bơi qua nước sông Ngàn Sâu chảy xiết.
 
“Mở lớp dạy ở bản Rào Tre, hàng tháng chúng tôi tổ chức đi dự giờ. Tháng 9/2001 là cảnh hãi hùng nhất trong đời tôi. Khi sang dự giờ thì trời mưa nhỏ, khi về mưa lớn nước thượng nguồn sông Ngàn Sâu dâng cao, chảy cuồn cuộn không thể nào lội sông về được. Và cô Hương đã bơi qua sông mượn thuyền chèo sang. Ai ngờ, nước sông chảy như lũ, làm lật thuyền. Cô Hương đã kéo được hai cô vào bờ. Còn tôi may mắn vớ được ngọn tre, nếu không thì…” - cô Nguyễn Thị Lĩnh là cảnh khó quên nhất trong đời.

Viết tiếp giấc mơ…

Nay con đường vào bản Rào Tre đã không con cách trở như năm trước nữa. Bộ đội biên phòng đã làm đường bê tông, bắc cầu qua sông Ngàn Sâu cho người Mã Liềng đi lại. Nhưng con đường “gieo” chữ cho người Mã Liềng vẫn còn bao nỗi niềm…

“Đến bây giờ người Mã Liềng biết chữ chỉ được mươi lăm người, chưa có mấy người quan tâm cho con mình đi học. Cô giáo có đi vận động từng nhà, họ mới cho con đi và cô có đi gọi, các em mới đến lớp” - vừa đi gọi học sinh, cô Xoa vừa nói.

Người Mã Liềng vẫn quây quần sống bộ tộc. Hàng năm những đứa trẻ đến tuổi học vỡ lòng chỉ đếm trên đầu ngon tay. Năm học mới của bọn trẻ bắt đầu từ tháng nào không một người Mã Liềng biết. Họ chỉ nhớ cô Xoa đến chở bọn trẻ đi học gần một mùa bắp rồi.
 
Người mà Liềng còn nói cho nhau rằng, bọn trẻ thời buổi này đi học còn được gạo, ai có con đi học thì sướng lắm. Cha mẹ bảo thế, nhưng bọn trẻ đến lớp không được cô giáo phát kẹo, nhất quyết không đi. Hàng tháng, những đồng lương ít ỏi của cô Xoa lại được trích ra mua kẹo, bánh cho học trò mình.
 
Những “cánh hoa” dưới chân núi Ka Đay - 3
Với sự chăm chút của những người như cô Hương, giấc mơ ''vượt núi'' của người Mã Liềng ở Bản Rào Tre không còn là giấc mơ (Ảnh: Văn Định)
 
Lớp học ở bản Rào Tre có một “sự ngược đời” là, học trò không bao giờ đến lớp trước cô giáo. Chúng luôn mải nô đùa chơi đất bụi trước sân nhà, không nhớ giờ nào đi học. Hồi mới đặt chân tới bản Rào Tre dạy chữ, cô Xoa rơm rớm nước mắt muốn bỏ về vì cô đến lớp học ngồi chờ học trò cả buổi mà không có được một học sinh. Cô Xoa hiểu rằng, mình phải gọi các em đi học, phải mang xà bông theo rửa chân tay cho các em trước lúc đưa vào lớp.

Tiếp xúc nhiều với người Mã Liềng, cô Xoa mới thương những đứa trẻ nơi đây. Người bản Rào Tre rất nghèo, đến miếng ăn hàng ngày phải nhờ nhà nước cấp, nói gì lo cho con cái bút, quyển vở. Bao nhiêu năm dạy học ở Rào Tre là bấy nhiêu năm các cô phải chi ra một phần tiền lương ít ỏi mua sắm đồ dùng học tập, sách vở cho học sinh. Cô Lĩnh cũng thừa nhận rằng, những đứa trẻ ở bản Rào Tre tiếp thu chậm. Chỉ có mở lớp tại bản mới giúp cho các em tiếp thu được kiến thức.

Chiều sơn cước, ánh mặt trời trên núi Ka Đay đỏ rực lên. Học sinh của cô Xoa vẫn rộn rã đánh vẫn từng chữ. Trước lúc chia tay, chúng tôi nhìn lại lớp học một lần nữa, thấy được giấc mơ “vượt núi” của người Mã Liềng sau này…

V.Dũng - V.Định - Đất Vũ