Những cách cải thiện hành vi xấu của con ở trường

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Nhận được tin nhắn hoặc cuộc điện thoại từ giáo viên về hành vi xấu của con ở trường có thể khiến các bậc cha mẹ cảm thấy tức giận, bối rối, khó chịu hoặc xấu hổ.

Nếu con bạn đánh nhau trong giờ ra chơi hoặc cư xử không hợp lý với giáo viên hoặc bạn cùng lớp, bố mẹ cũng đừng quá hoảng sợ.

Bước đầu tiên là làm việc với ban giám hiệu nhà trường và giáo viên của con để xác định nguyên nhân cơ bản dẫn đến hành vi sai trái của con bạn. Sau đó, bạn hãy cùng con thực hiện một quá trình phát triển hành vi tốt của con ở trường học.

Liên lạc thường xuyên với giáo viên

Nếu hành vi sai trái của con bạn là một sự cố cá biệt, hãy theo dõi con trong vài ngày để đảm bảo rằng mọi việc sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, nếu con bạn thường xuyên gặp rắc rối ở trường, có thể sẽ hữu ích nếu bạn thiết lập thói quen giao tiếp hàng ngày với giáo viên của con hoặc người quản lý trường học.

Liên hệ với giáo viên của con để thảo luận về cách mà phụ huynh và thầy cô có thể cùng nhau phối hợp để giải quyết hành vi của con bạn.

Điều này bao gồm thảo luận về cách bố mẹ có thể theo dõi hành vi của con mình hàng ngày để cập nhật thông tin và cho phép bố mẹ giải quyết các hành vi sai trái một cách nhanh chóng.

Những cách cải thiện hành vi xấu của con ở trường - 1

Trẻ nhỏ đôi khi rất bướng bỉnh (Ảnh minh họa: The Asian parent).

Đề nghị giáo viên của con gửi thông tin cập nhật cho bố mẹ về thái độ của con tại trường mỗi ngày, không chỉ vào những ngày con có hành vi sai trái. Trẻ con sẽ cảm thấy vui khi có thể cho bố mẹ thấy chúng đã cư xử, học tốt ở trường.

Khi con có những ngày không suôn sẻ, bố mẹ và con có thể cùng nhau tìm ra cách để giúp ngày hôm sau trở nên tốt đẹp hơn.

Hãy cho giáo viên của con bạn biết bạn luôn sẵn lòng muốn hỗ trợ giáo viên. Luôn tỏ ra là những bậc cha mẹ quan tâm tới con cái, điều đó sẽ giúp các giáo viên bớt áp lực và thấy rằng bố mẹ không đổ hết trách nhiệm lên giáo viên.

Khen thưởng khi con cư xử tốt

Khi con có tiến bộ trong ứng xử ở trường học, dù chỉ là những bước tiến nhỏ, bố mẹ cũng nên nhanh chóng cổ vũ, khen ngợi con. Ví dụ, khen và thưởng cho con phần quà nhỏ khi bạn nhận được thông báo từ giáo viên về việc con đang tiến bộ.

Kỷ niệm, đánh dấu những thành công này sẽ thúc đẩy con bạn tiếp tục thực hiện những thói quen tốt của mình.

Để tạo thêm động lực cho con, hãy đặt mục tiêu hàng ngày hoặc hàng tuần và thưởng cho con bạn khi chúng đạt được mục tiêu đó. Ví dụ, nếu con bạn có ba ngày liên tiếp đi học và không bị phạt, hãy ăn mừng bằng cách nấu cho con một bữa tối gồm toàn những món ăn yêu thích của chúng.

Hãy nhớ rằng phần thưởng không cần nhất thiết phải mất tiền. Bạn có thể liên kết hành vi tích cực của con mình với các đặc quyền, chẳng hạn như thời gian chơi trò chơi điện tử. Phần thưởng lớn hơn mỗi tuần (như một chuyến đi dã ngoại) có thể giúp con bạn luôn có động lực.

Những cách cải thiện hành vi xấu của con ở trường - 2

Dạy con là cả một hành trình dài (Ảnh minh họa: Dreamstime).

Giải quyết vấn đề cùng với con

Vào những ngày con bạn gặp khó khăn trong việc quản lý hành vi của mình, hãy cùng con giải quyết vấn đề để chúng có thể làm tốt hơn vào ngày hôm sau. Ví dụ, hỏi con bạn điều gì đã xảy ra và nói với chúng rằng bạn muốn giúp chúng làm tốt hơn vào ngày mai.

Bình tĩnh

Bình tĩnh nói chuyện với con bạn và hỏi ý kiến của chúng về những gì chúng cho là hữu ích. Hãy cho con bầu không khí thoải mái để chúng sẵn sàng chia sẻ về cảm xúc của mình.

Hỏi về những gì con làm ở trường

Đôi khi, trẻ có thể giải thích rõ ràng lý do cho hành vi của mình. Ví dụ, con bạn nói, chúng quậy phá trong lớp vì buồn chán. Giải pháp bố mẹ có thể đưa ra là đề nghị giáo viên động viên con làm thêm những bài tập phức tạp hơn trong những thời điểm tương tự.

Xem xét nếu con cần hỗ trợ thêm

Hành vi sai trái của con cũng có thể xuất phát từ việc chúng không biết phải làm như thế nào. Đôi khi trẻ em quyết định rằng chúng muốn trở thành "bé hư" hơn là "ngu ngốc". Chúng có thể nghịch ngợm, quậy phá, thay vì yêu cầu giúp đỡ để tránh bị bạn cùng lớp trêu chọc.

Hãy để con bạn thể hiện cảm xúc 

Theo Hiệp hội các nhà tâm lý học trường học quốc gia của Mỹ, trẻ em thường không nói về mối quan tâm của chúng vì chúng bối rối hoặc không muốn làm cha mẹ lo lắng. 

Hãy trấn an con bạn rằng, việc nói chuyện với gia đình luôn hữu ích, đặc biệt nếu chúng có thắc mắc hoặc lo lắng. Dưới đây là một số ý tưởng để nói chuyện với con bạn:

Khuyến khích con chia sẻ cảm xúc 

Cho con bạn không gian để chia sẻ về cảm giác của chúng một cách thoải mái ngay cả khi những gì con bạn nói không thực sự có ý nghĩa hoặc suy nghĩ của chúng lộn xộn. Điều quan trọng là con đang thể hiện suy nghĩ của mình.

Sau khi nghe con chia sẻ, hãy khẳng định với con rằng, con có thể cảm thấy tức giận, buồn bực nhưng con vẫn luôn được an toàn bên cha mẹ, thầy cô. Bạn có thể chia sẻ với con về cách bố mẹ đối phó với căng thẳng và lo lắng. Sau đó, bạn và con cùng nhau tìm ra giải pháp phù hợp với nhu cầu của con bạn.

Cho con quyền lựa chọn

Trẻ em trở nên tự chủ khi chúng cảm thấy mình có quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Tương tự như vậy, cảm giác tự chủ có thể làm giảm sự sợ hãi.

Hãy tỏ ra thông cảm với những thách thức mà con bạn đang phải đối mặt và tìm cách cho chúng quyền kiểm soát cuộc sống của chúng, chẳng hạn như để chúng tự quyết định ăn gì hoặc mặc quần áo như thế nào.

Tránh áp lực

Nếu con bạn chưa sẵn sàng nói chuyện, chia sẻ với bố mẹ, đừng gây áp lực cho con. Thay vào đó, lần tới khi con bạn có một ngày tốt lành ở trường, hãy hỏi con xem chúng đã làm gì và mọi việc diễn ra như thế nào để giúp con nhận thức rõ hơn về những gì sẽ đem lại hiệu quả tốt với cuộc sống của chúng.

Điều này có thể cung cấp cho bạn thêm những cách mà bạn có thể sử dụng để khuyến khích, động viên con trong những ngày không mấy dễ dàng khi tới lớp.

Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể có những lúc cư xử bất ổn, đặc biệt nếu chúng đang trải qua áp lực, căng thẳng hoặc thay đổi cuộc sống. Điều quan trọng là bố mẹ phải liên hệ với giáo viên để cả hai bên cùng tìm ra cách thức hiệu quả để giúp con bạn tiến bộ.

Những chuyên gia tâm lý hoặc cố vấn học đường cũng có thể đưa ra những ý tưởng và giải pháp hiệu quả.

Bố mẹ cũng có thể liên hệ với các bậc cha mẹ khác để nhận được lời khuyên hữu ích, không chỉ về mặt đưa ra giải pháp cho con bạn mà còn hỗ trợ bạn.

Nếu bạn cho rằng hành vi của con mình có thể xuất phát từ một tình trạng chưa được chẩn đoán như chứng khó học hoặc rối loạn lo âu, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa để có cách giải quyết hiệu quả hơn.