Nhìn lại giáo dục năm 2005: Ba cái được, sáu tồn tại…

Càng ngày người ta càng thấy rõ một điều, giáo dục và đào tạo không phải chuyện riêng của ngành GD-ÐT, càng không phải chuyện riêng của một trường học, mà là vấn đề của cả xã hội.

Vì thế, mọi hay dở, thành bại cần được xã hội nhìn nhận công bằng, để cùng sẻ chia, và tháo gỡ khó khăn.

 

Ba cái được...

 

Năm 2005, sẽ đi vào biên niên sử giáo dục với một dấu ấn riêng, năm Luật Giáo dục (sửa đổi) ban hành, với tên gọi chính thức Luật Giáo dục 2005. Ðó là cơ sở pháp lý cao nhất, cùng với một loạt văn bản pháp lý quan trọng: Kết luận Hội nghị T.Ư 6 về GD và ÐT, Chỉ thị 40-CT/ T.Ư của Ban Bí thư T.Ư, Quyết định 09/2005/TTg của Thủ tướng Chính phủ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ quản lý giáo dục, ngành GD và ÐT có thêm điểm tựa hành động gặt hái được "ba cái được" lớn.

 

Thứ nhất, mạng lưới và quy mô giáo dục tiếp tục phát triển. Số trường học mầm non, phổ thông đều tăng so với năm trước. Cả nước có 93 trường đại học, 137 trường cao đẳng (công lập, ngoài công lập), 37.270 trường học từ mầm non đến phổ thông, trong đó mầm non tăng 349 trường, tiểu học tăng 174 trường, THCS tăng 202 trường, THPT tăng 84 trường. Các trường phổ thông dân tộc nội trú mỗi năm một khẳng định sự vững chắc của mạng lưới giáo dục dành cho con em nhân dân các dân tộc thiểu số với 13 trường trung ương, 50 trường tỉnh, 266 trường huyện, và 519 trường bán trú xã, cụm xã.

 

Mạng lưới các trường sư phạm, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp- hướng nghiệp, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm tin học, ngoại ngữ, mở rộng khắp nước, chưa kể hơn 5.000 trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, tạo nên một không khí, một sắc thái "xã hội học tập từ cơ sở".

 

Quy mô học sinh, sinh viên đều tăng, được ngành xác định trên quan điểm - tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trừ bậc tiểu học có xu hướng ổn định và giảm, học sinh, sinh viên các bậc học mầm non, THCS, THPT, đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đều tăng. Theo đó, các điều kiện từ kinh phí, cơ sở vật chất, giáo viên, giảng viên đều tăng theo.

 

Năm 2005, ngân sách đầu tư cho GD và ÐT là 41.630 tỷ đồng (chiếm 18%) trong tổng chi ngân sách Nhà nước, trong đó chi thường xuyên là 26.575 tỷ đồng (tăng 6,8%), chi cho chương trình mục tiêu quốc gia 1.770 tỷ đồng (tăng 42%) so với năm 2004. Riêng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia tập trung cho các dự án để ngành GD và ÐT thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Ðó là Dự án đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa (SGK): 800 tỷ (tăng 54%); Dự án bồi dưỡng giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường sư phạm: 120 tỷ đồng ( tăng 20%); Dự án hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc khó khăn: 150 tỷ đồng (tăng 25%); Dự án tăng cường năng lực đào tạo nghề: 340 tỷ đồng (tăng 70%); Dự án tăng cường năng lực trung học chuyên nghiệp: 35 tỷ đồng.

 

Việc triển khai Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học góp phần quan trọng bảo đảm cơ sở vật chất trường học nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao theo hướng chuẩn hóa. Ðến nay, đã có 42.148 phòng được xây dựng, đạt tỷ lệ 70,8% so với kế hoạch, trong đó, 34.055 phòng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Với việc xây dựng đội ngũ, đưa tổng số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục lên gần một triệu người, ngành GD và ÐT quan tâm cải thiện chất lượng đội ngũ này ở cả ba phương diện: chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng trình độ, và tăng tỷ lệ giáo viên/lớp.

 

Khảo sát ở 37 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn 79,65%; ở tiểu học tỷ lệ này là 94,47; THCS 95,02; và THPT 96,98%. Tỷ lệ giáo viên/ lớp cũng tăng hơn, tiểu học: 1,25 GV/ lớp; THCS: 1,73; và THPT: 1,78 GV/ lớp ( năm học trước, tỷ lệ này là 1,21; 1,70 và 1,77 GV/ lớp).

 

Thứ hai, trên nền tảng mạng lưới, quy mô tiếp tục phát triển, các mục tiêu quốc gia về dân trí đều đang tiến dần đến độ "chín". Ðến tháng 7-2005, cả nước đã có 26/ 64 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, và cũng có 26/ 64 tỉnh, thành phố cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Ở mục tiêu tạo nguồn đào tạo nhân tài, học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực vẫn giữ được truyền thống mang về cho đất nước các huy chương vàng, bạc và đồng, góp phần khẳng định trí tuệ tuổi trẻ Việt Nam trên  trường thi quốc tế.

 

Thứ ba, chủ trương "ba chung" trong tuyển sinh đại học, cao đẳng sau những phản ứng, lo ngại, phê phán của xã hội, đã bắt đầu đi vào ổn định, khẳng định bước đầu cái "được" của một chủ trương, rõ nhất là ở nội dung chung đề, chung đợt; không chỉ làm giảm sự tốn kém, căng thẳng cả xã hội, mà còn làm cơ sở khẳng định "thương hiệu", tên tuổi các trường đại học, góp phần điều chỉnh cách dạy, cách học của các trường đại học khác, đồng thời ít nhiều hạ "nhiệt" các lò luyện thi vốn đầy sự bất ổn mà ít hiệu quả.

 

... Và sáu vấn đề đáng quan tâm

 

 Phải khẳng định một điều, năm 2005, ngành GD - ÐT thật sự có thái độ cầu thị trước những khen chê của xã hội. Mong muốn ngăn chặn, hạn chế căn bệnh thành tích lúc ẩn, lúc hiện, bảo đảm chất lượng giáo dục, ngành đã có những động thái tích cực trong quản lý và chỉ đạo, nhằm từng bước tạo sự chuyển biến về chất lượng gắn với xây dựng kỷ cương, nền nếp môi trường giáo dục lành mạnh.

 

Vươn tới mục tiêu đầy khó khăn đó, ngành tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý giáo dục các địa phương (sở GD và ÐT). Ðặc biệt, bước đầu ngành xây dựng các tiêu chí đánh giá, giúp các địa phương nhìn rõ mình hơn trong dạy và học, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp giáo dục từng trường học đến toàn ngành. Ðồng thời mở rộng xã hội hóa giáo dục, tạo sự đồng thuận của xã hội để cùng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục, hỗ trợ giáo dục trên hành trình đổi mới và phát triển.

 

Nhưng, giữa mong muốn và thực tiễn còn là khoảng cách lớn. Có những khoảng cách khách quan ngành khó vượt qua. Thí dụ như ngân sách giáo dục, mặc dù đã được đầu tư 18% tổng chi ngân sách Nhà nước, nhưng thực chất, ngành phải dùng tới 7.100 tỷ đồng (chiếm 18,5% tổng chi) để thực hiện cải cách tiền lương. Tỷ lệ chi thường xuyên được bố trí tăng 5% so với năm 2004, rốt cuộc chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đủ tạo ra những thay đổi có tính đột phá cho việc cải thiện chất lượng. Tỷ lệ và cơ cấu chi cho con người vẫn tiếp tục ở mức 85-90%, trong khi chi cho các hoạt động giảng dạy, giáo dục... vẫn  ở ngưỡng 10-15%. Quy mô phát triển quá lớn, quá nhanh, trong lúc những điều kiện bảo đảm chất lượng không đáp ứng kịp, cả trường lớp, cơ sở vật chất thiết bị, giáo viên...

 

Nhưng, cũng có những khoảng cách lớn mang tính chủ quan do yếu kém, bất cập trong quản lý, khiến tiêu cực, từ hiện tượng trở thành "vấn nạn" mà ngành không sao khắc phục được. Chính vì thế, năm 2005, dù rất nỗ lực, sự chuyển biến chất lượng giáo dục toàn ngành chưa rõ rệt. Hơn thế, trong đời sống giáo dục lại nảy sinh sáu hiện tượng, tạo nên sáu "sự kiện", sáu "cú sốc", gây phản cảm, lo lắng, bàn luận nhiều chiều trong xã hội.

 

Một là, Hiện tượng quá tải trong chương trình, SGK, đặc biệt quá tải ở tiểu học; sai sót trong SGK mới. Tuy đây là hai sự kiện, nhưng lại có một cái gốc chung của quản lý và khoa học giáo dục. Mặc dù trong chính ngành GD và ÐT có sự tranh cãi của các tác giả sách, các nhà sư phạm, nhà khoa học theo kiểu "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay", nhưng cái gốc là ở chỗ, làm ngược lại với chủ trương quy trình đổi mới. Các nhà khoa học giáo dục, ngành GD và ÐT đã không xây dựng chuẩn kiến thức để từ đó có được chương trình chuẩn, và những bộ SGK chuẩn mực, phù hợp mục tiêu cấp học, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học đường, không tạo được sự liên thông trong chương trình giữa các cấp học mang tính tổng thể; và do sự phân tâm, do cơ chế "tiền + quyền lực dự án", ngành đã không tập hợp được những tác giả SGK thật sự giỏi.

 

Hai là, Hiện tượng thiết bị giáo dục lãng phí và ít hiệu quả. Với sáu, bảy trăm tỷ đồng mỗi năm cho thiết bị giáo dục (TBGD), nguy cơ "tiền tỷ ném ra gió" trong công tác TBGD là có thật. Cơ chế quản lý TBGD hiện nay, tưởng có đầu mối mà thật ra không có, cùng với đặc thù về ngân sách mua TBGD, tất yếu tạo ra hiện tượng "đi đêm". TBGD sản xuất lại kém chất lượng, rốt cục, thiệt hại nhất vẫn là Nhà nước và các em học sinh. Mô hình và cơ chế quản lý TBGD hiện nay dứt khoát cần phải được đổi mới.

 

Ba là, Hiện tượng tỷ lệ tốt nghiệp môn ngoại ngữ cấp THCS ở Khánh Hòa quá thấp. Có thể có rất nhiều nguyên nhân: hoặc giảng dạy quá yếu, hoặc học sinh quá kém, hoặc đề thi quá khó. Nhưng, dù từ nguyên nhân nào, thì việc Khánh Hòa được phép cho số thí sinh này thi lại ở kỳ thi bổ túc văn hóa THCS sau đó, vẫn chỉ là giải pháp "yên dân", chứ không có ý nghĩa gì về chất lượng giáo dục. Hơn nữa, hiện tượng này khiến xã hội thêm một lần nữa lo ngại về chất lượng dạy và học hiện nay.

 

Bốn là, Hiện tượng "điểm thưởng": Chỉ với một lá thư nhỏ của một học sinh nữ ở Nghệ An dũng cảm gửi tới Bộ GD và ÐT, đã làm "vỡ" ra sự thật về mặt trái của một chủ trương có mục đích tốt. Cùng với kết quả mới đây của các đoàn cán bộ GD và ÐT khảo sát các trường đại học cho thấy, các sinh viên (là học sinh tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi) được cộng điểm thưởng không hơn gì các sinh viên khác. Ðáng chú ý, số học sinh được cộng điểm thưởng ba năm trở lại đây tăng nhanh vùn vụt, từ hơn 13.000 lên gần 30.000 em. Rõ ràng, một chủ trương với mục đích tốt, trong thực tế triển khai, đã bị nhiều người lợi dụng, làm nảy sinh không ít tiêu cực.

 

Năm là, Hiện tượng "mô hình và chương trình phân ban": Có thể nói, đây là một chủ trương gây bàn cãi, rắc rối, gây tốn kém không ít giấy mực, dù mới ở diện thí điểm. Mới đây, chương trình phân ban lại một lần nữa được ngành GD và ÐT điều chỉnh. Xem xét kỹ chủ trương này, người ta thấy mọi con đường phân ban chỉ để đi đến cánh cửa trường đại học, không góp phần gì cho việc đào tạo nguồn nhân lực, một nhiệm vụ lớn của ngành, phản chiếu sự bị động và lúng túng trong tư duy phát triển giáo dục của ngành.

 

Sáu là, Hiện tượng "điều chỉnh học phí cấp THPT và đại học". Ðây là một chủ trương vừa phù hợp tinh thần Luật Giáo dục 2005  mới ban hành, vừa góp phần cải thiện chất lượng GD và ÐT, hạn chế hiện tượng lạm thu của các trường. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, cần được xem xét kỹ lưỡng, có căn cứ thực tiễn và cơ chế quản lý phù hợp, tính đến yếu tố xã hội. Một chủ trương đúng, nhưng  do thông tin vội vã, rất đáng tiếc đã tạo ra những hiệu ứng bất lợi cho ngành và gây căng thẳng trong xã hội.

 

Theo Kim Dung

Nhân Dân