Nhiều thí sinh dự tính đạt 7-8 điểm bài thi Ngữ Văn

(Dân trí) - Các thí sinh cả nước vừa hoàn thành buổi thi môn Ngữ Văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia. Nhìn chung thí sinh rất hào hứng với câu nghị luận xã hội về đánh thức tiềm lực. Nhiều em dự tính đạt 7-8 điểm bài thi Ngữ Văn.

Đề thi môn Ngữ Văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia. (Ảnh: Phạm Hoàng)
Đề thi môn Ngữ Văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia. (Ảnh: Phạm Hoàng)

Ghi nhận tại Đắk Nông:

Sau khi kết thúc 2/3 thời gian làm bài thi, một số thí sinh tại TX. Gia Nghĩa đã nộp bài và ra khỏi phòng thi. Theo đánh giá của những thí sinh này, đề thi không quá bất ngờ, riêng phần nghị luận xã hội nằm trong trọng tâm ôn tập.

Thí sinh đầu tiên rời phòng thi
Thí sinh đầu tiên rời phòng thi

Em Lê Quốc Huy, thí sinh tại điểm thi Trường PTDTNT Nơ Trang Long (TX. Gia Nghĩa) cho biết: “Đề ra vừa sức, không đánh đố học sinh, phần thú vị nhất là nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh viết khoảng 200 chữ nêu ý kiến bản thân về việc phát triển tiềm lực của đất nước.

Riêng câu nghị luận văn học, do đã được thầy cô giáo ôn tập kỹ bài Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ, đặc biệt là dạng đề so sánh nên em làm tương đối tốt. Do tập trung vào các môn Khoa học tự nhiên nên em hy vọng, bài thi này em có thể đạt 6-7 điểm”.

Thí sinh phấn khỏi rời phòng thi, kết thúc môn thi thứ nhất
Thí sinh phấn khỏi rời phòng thi, kết thúc môn thi thứ nhất

Là một trong những thí sinh hoàn thành bài thi sớm, Nguyền Thị Tường Vi, thí sinh sinh tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) đánh giá, đề thi năm nay có cấu trúc đề thi thiên về xã hội, tức là phải am hiểu về thời sự. “So với đề thi năm ngoái, em thấy có tính phân loại cao hơn, độ khó cao hơn. Em ước tính, làm được khoảng 80% đề thi yêu cầu”, nữ sinh chuyên văn tỉnh Đắk Nông cho hay.

Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, trong buổi sáng ngày 25/6, tỉnh này có 6.211 thí sinh dự thi môn Ngữ văn, trong đó có 29 vắng thi.

Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT kiểm tra kỳ thi tại tỉnh Đắk Nông (ảnh: Dương Phong)
Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT kiểm tra kỳ thi tại tỉnh Đắk Nông (ảnh: Dương Phong)

Ghi nhận tại tỉnh Gia Lai:

Sau hơn 120 phút làm bài thi Văn, các thí sinh ra đều có chung khuôn mặt vui vẻ, hào hứng với môn đầu tiên.

Hầu như các thí sinh đều đánh giá đề năm nay vừa sức, có những số điểm tích lũy đầu tiên
Hầu như các thí sinh đều đánh giá đề năm nay vừa sức, có những số điểm tích lũy đầu tiên

Em Nguyễn Văn Long (Điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu, TP.Pleiku, Gia Lai) cho biết: “Môn Văn năm nay em thấy đề cũng căn bản, từ dễ đến khó nên chúng em cũng có những số điểm nhất định. Còn một số câu hỏi nâng cao, mở rộng thì chúng em dựa vào những kiến thức thực tế qua thời sự, báo chí nêu gần đều để đưa vào tăng số điểm cho bài thi. Vì em đang theo ban KHXH nên môn Văn em làm rất tốt…”.

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh có gần 13.000 thí sinh, trong đó có 7.188 thí sinh thi ban KHXH.


Các thí sinh hầu như ra sớm hơn so với thời gian dự kiến. (Ảnh: Phạm Hoàng)

Các thí sinh hầu như ra sớm hơn so với thời gian dự kiến. (Ảnh: Phạm Hoàng)

Ghi nhận tại Hà Nội:

Theo em Nguyễn Hà Linh (học sinh THPT Văn Hiến, Hà Nội): "Đề thi năm nay có câu hỏi khá khó là so sánh hình ảnh đối lập giữa Chiếc thuyền ngoài xa và chiếc tàu với cảnh 2 chị em đợi tàu của Hai đứa trẻ".


Thí sinh tại hội đồng thi THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau buổi thi Văn.

Thí sinh tại hội đồng thi THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau buổi thi Văn.

Đa phần học sinh cho rằng đề môn Văn khá thú vị nhưng đề không quá khó, dễ lấy điểm 7-8.


Phụ huynh mang hoa tặng con sau môn thi đầu tiên. (Ảnh: Hồng Minh)

Phụ huynh mang hoa tặng con sau môn thi đầu tiên. (Ảnh: Hồng Minh)

Tại điểm thi THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân), thí sinh Nguyễn Công Viên, trường Cao đẳng Nghề Công nghệ I lo lắng: “Đề năm nay em thấy khó, khó nhất là câu nghị luận văn học về 2 tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ. Do em không ôn bài này, bị “lệch tủ” nên em chỉ làm sơ sài theo những gì em nhớ khoảng 50% bài. Có lẽ câu nghị luận xã hội sẽ là câu gỡ điểm để em đủ điểm đỗ tốt nghiệp”.

Thí sinh Nguyễn Công Viên cho biết đề Văn khó. (Ảnh: Hà Cường)
Thí sinh Nguyễn Công Viên cho biết đề Văn khó. (Ảnh: Hà Cường)

Trong khi đó, thí sinh Lê Mai Anh háo hức: “Đề Văn bám sát chương trình được ôn tập, không nằm ngoài dự kiến của cá nhân em. Đối với câu nghị luận văn học, em hơi bị rối ở phần tạo mối liên kết so sánh các điểm chung giữa 2 tác phẩm. Em nghĩ là em sẽ làm tốt hơn nữa nếu có thêm thời gian làm bài”.

Thí sinh Lê Mai Anh cho biết đề Văn bám sát chương trình được ôn tập. (Ảnh: Hà Cường)
Thí sinh Lê Mai Anh cho biết đề Văn bám sát chương trình được ôn tập. (Ảnh: Hà Cường)

Ghi nhận tại Sóc Trăng:

Kết thúc buổi thi môn ngữ Văn, nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm trạng không được tự tin vì đề thi không quá khó nhưng cũng không dễ ăn điểm.

Theo thí sinh Huỳnh Thanh Hậu (điểm thi THCS Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) thì đề thi không quá khó, "khả năng em làm cũng được khoảng 7 điểm".

Tuy nhiên, cùng điểm thi với Hậu, thí sinh Thảo Loan (THPT An Ninh) ra khỏi điểm thi với đôi mắt đỏ hoe vì "Em không biết mình làm được bao nhiêu điểm nhưng đề khá khó, nhất là ở bài làm văn 5 điểm".

Thí sinh Sóc Trăng sau buổi thi Văn. (Ảnh: Xuân Lương)
Thí sinh Sóc Trăng sau buổi thi Văn. (Ảnh: Xuân Lương)

Kết thúc buổi thi, tại điểm thi trường THPT Huỳnh Hữu Nghĩa và THCS Huỳnh Hữu Nghĩa (huyện Mỹ Tú), lực lượng thanh niên tình nguyện của huyện đoàn và Đoàn công an huyện đã trực, cấp 150 phần cơm cho các thí sinh nhà xa điểm thi.

Nhiều thí sinh dự tính đạt 7-8 điểm bài thi Ngữ Văn - 12

(Ảnh: Xuân Lương)
(Ảnh: Xuân Lương)

Ghi nhận tại Nghệ An:

Kết thúc môn Ngữ Văn, tại Cụm thi số 28 Nghệ An có nhiều thí sinh làm bài được cũng có nhiều thí sinh làm bài chưa đạt.

kết thúc môn thi Văn của buổi thi đầu tiên, nhiều thí sinh tại Cụm thi số 28 cho rằng đề có nhiều câu khó, cũng có thí sinh cho rằng đề vừa sức.

"Hôm nay thời tiết khá mát mẻ, ngay từ sáng sớm vào phòng thi tại Vinh đã có mưa nên tinh thần khá thoải mái nhưng môn Ngữ Văn không phải sở trường của em. Đề thi năm nay có nhiều câu khó. Phải làm hết mới có điểm cao, em làm cũng chưa được tốt lắm", em Lê Đức Anh (học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ thi vào Học viện Bưu chính Viễn thông, thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) chia sẻ.


Em Lê Đức Anh - học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ thi vào Bưu chính Viễn Thông điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chia sẻ. (Ảnh: Nguyễn Duy)

Em Lê Đức Anh - học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ thi vào Bưu chính Viễn Thông điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chia sẻ. (Ảnh: Nguyễn Duy)

Thí sinh Nghệ An chia sẻ sau buổi thi Văn

Theo ghi nhận của PV tại Nghệ An, vào 9h đã có nhiều thí sinh hoàn thành phần thi của mình. Theo các thí sinh, đề thi môn Ngữ văn năm nay có nhiều nét mới và thực dụng nhưng khá khó.

Nhiều em học sinh đã hoàn thành phần thi của mình trước thời gian 120 phút. Đây là môn thi đầu tiên nhưng nhiều thí sinh cũng tỏ ra tự tin và thoải mái.


Nhiều thí sinh thoải mái sau buổi thi đầu tiên. (Ảnh: Nguyễn Tú)

Nhiều thí sinh thoải mái sau buổi thi đầu tiên. (Ảnh: Nguyễn Tú)

Khoảng 9h, các thí sinh đã rời phòng thi. Tại một số điểm thi như Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành), Trường THPT Bắc Yên Thành..., nhiều thí sinh tỏ ra thoái mái và tự tin sẽ đạt điểm cao với môn thi đầu tiên.

"Đề thi năm nay khá khó, "Em đã hoàn thành bài thi trước thời gian. Em hi vọng sẽ đạt điểm cao với môn Ngữ văn", em Trần Hải Yến Yến tại điểm thi Trường THPT Phan Đăng Lưu chia sẻ.

Thí sinh rời phòng thi trong tâm trạng phấn khởi, háo hức.

Tại điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh), thí sinh rời khỏi phòng thi khá sớm, khi vừa qua 2/3 làm bài. Hầu hết thí sinh rời phòng thi với tâm trạng khá thoải mái.

Thí sinh Lê Võ Vân Anh chia sẻ: “Em thi khối B, nên chỉ cần đủ điểm để xét tốt nghiệp. Em thấy đề không khó, nằm trong chương trình học, để lấy được 5-6 điểm thì không quá khó. Riêng phần nghị luận xã hội nói về trách nhiệm cá nhân trong việc đánh thức tiềm lực đất nước thì em không hiểu lắm nên không làm được”.

Thí sinh Lê Xuân Quỳnh Anh đánh giá đề sát chương trình học và sát với thực tế, đặc biệt là phần nghị luận xã hội. “Với dạng đề này yêu cầu thí sinh ngoài kiến thức trong sách giáo khoa phải có cả kiến thức xã hội, áp dụng hiểu biết của bản thân trong cuộc sống. Do vậy, học kiểu mọt sách khó đạt được điểm cao”, Quỳnh Anh nhận xét.

Thí sinh này cho biết, câu 5 điểm liên hệ sự đối lập giữa hình ảnh phố huyện đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu trong tác phẩm Hai đứa trẻ thuộc chương trình lớp 11 do ôn chưa kỹ nên em làm không tốt như kì vọng.


Thí sinh Nguyễn Lê Khánh Linh cho rằng đề thi năm nay hay, đặc biệt phần nghị luận xã hội sát với thực tiễn nhưng thời gian làm bài hơi ít so với những gì em muốn viết. (Ảnh: Hoàng Lam)

Thí sinh Nguyễn Lê Khánh Linh cho rằng đề thi năm nay hay, đặc biệt phần nghị luận xã hội sát với thực tiễn nhưng thời gian làm bài hơi ít so với những gì em muốn viết. (Ảnh: Hoàng Lam)

Thí sinh Nguyễn Lê Khánh Linh đánh giá cao phần nghị luận xã hội trong đề thi môn Ngữ văn nay nay. “Đề nói về đánh thức tiềm lực của đất nước trong thời buổi hiện nay thì em thấy rất hay, sát thực tiễn. Bài nghị luận xã hội yêu cầu viết 200 từ trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân nhưng em hơi “tham”, trình bày hơi dài. Hi vọng là không bị trừ điểm vì viết dài. Em khá yên tâm với bài làm của mình nhưng chưa thực sự hài lòng lắm vì thời gian hơi ít so với những gì em muốn viết”, Khánh Linh cho hay.

Ghi nhận tại Đắk Lắk:

Tại điểm thi Trung tâm GDTX tỉnh Đắk Lắk, thí sinh rời phòng thi môn Ngữ văn khá sớm và khá hào hứng với đề thi năm nay.

Em Trần Xuân Định (trường THCS & THPT Đông Du), cho biết: “Khi đọc đề thi em khá vui vì dạng đề này chúng em đã được ôn tập nhiều ở trường. Em dự đoán mình được khoảng 8 điểm của môn Ngữ văn và sẽ tiếp tục cố gắng ở môn thi tiếp theo”.

Còn em Phan Trần Như Diễm (trường THPT Buôn Ma Thuột), cho rằng, câu hỏi nghị luận xã hội về đánh thức tiềm năng tuổi trẻ là câu hỏi khơi gợi rất nhiều cảm hứng cho thí sinh và nêu lên được trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước nên em rất hào hứng với đề thi này.

Kỳ thi THPT tại Đắk Lắk có 22.188 thí sinh trong đó, thí sinh học THPT: 20.506; thí sinh học GDTX: 1.682; thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp: 5.315 (chiếm 23,1%)

Tỉnh có 1 Hội đồng thi, 36 điểm thi, 934 phòng thi đặt tại 15 huyện, thị xã và thành phố. Huy động 2.810 cán bộ chấm thi, phục vụ và thanh tra thi.


Thí sinh rời phòng thi sớm khi chưa kết thúc giờ thi môn Ngữ văn (ảnh:Thúy Diễm)

Thí sinh rời phòng thi sớm khi chưa kết thúc giờ thi môn Ngữ văn (ảnh:Thúy Diễm)

Ghi nhận tại Quảng Bình:

Tại Quảng Bình năm nay có tất cả 29 điểm thi với 421 phòng thi được đặt tại 29 trường THPT trên toàn tỉnh. Theo ghi nhận của PV Dân trí, kết thúc 120 phút của môn thi Ngữ văn, nhiều sĩ tử đã bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng vui mừng, phấn khởi.

Tại một số điểm thi, nhiều thí sinh còn làm xong bài và rời phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian. Theo đánh giá của nhiều sĩ tử, đề thi năm nay không khó và bám sát chương trình học.

“Em thấy đề Văn năm nay không khó và vừa với năng lực của thí sinh, em làm bài tương đối tốt và nghĩ mình được khoảng 7 đến 8 điểm. Nguyện vọng của em là thi tuyển vào trường Quân đội nên sẽ cố gắng chuẩn bị thật tốt cho bài thi Toán vào chiều nay”, em Nguyễn Khánh Thành chia sẻ.


Tâm trạng phấn khởi của nhiều sĩ tử tại Quảng Bình sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên. (Ảnh Tiến Thành)

Tâm trạng phấn khởi của nhiều sĩ tử tại Quảng Bình sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên. (Ảnh Tiến Thành)

Cũng như em Thành, thí sinh Nguyễn Thị Hiền tại điểm thi THPT Đào Duy Từ (TP Đồng Hới) cho biết: Đề thi năm nay đối với em là vừa sức, em ôn rất kỹ những dạng đề như thế này nên làm bài khá tốt. Phòng thi của em cũng khá nhiều bạn làm bài xong rất sớm. Đây cũng động lực để em tự tin với các môn thi tiếp theo”.

Ở môn thi Ngữ văn, Quảng Bình có tất cả 9.461 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, số thí sinh tham dự thi là 9.425, vắng 36 em.


Tâm trạng phấn khởi của nhiều sĩ tử tại Quảng Bình sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên. (Ảnh Tiến Thành)

Tâm trạng phấn khởi của nhiều sĩ tử tại Quảng Bình sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên. (Ảnh Tiến Thành)

Ghi nhận tại Quảng Trị:

Dù chưa hết thời gian làm bài, nhưng nhiều thí sinh tại Cụm thi 31- tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành môn thi Ngữ văn và phấn khởi rời phòng thi rất sớm.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, dù còn hơn 20 phút nữa mới hết thời gian làm bài, nhưng nhiều thí sinh đã rời phòng thi. Mang tâm trạng phấn khởi, thí sinh Trương Khắc Bình Minh (điểm thi trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn) cho biết, đề thi môn Văn không khó. Những thí sinh lực học trung bình cũng làm được 40% bài thi. Trong đề thi có 2 câu cuối mang tính phân hóa đối với thí sinh chuyên.

Nhiều thí sinh rời phòng thi sớm
Nhiều thí sinh rời phòng thi sớm

Thí sinh Nguyễn Thị Hoàng Mỹ (học sinh trường THPT Lê Lợi) cho biết, đề thi môn Văn tương đối dễ nên em làm được hết bài thi. Trong đề có phần viết yêu cầu thí sinh phân tích, liên hệ và trình bày cảm nhận về 2 tác phẩm “Hai đứa trẻ” và “Chiếc thuyền ngoài xa”. Đây cũng là 2 câu khó, còn phần đọc hiểu chắc chắn nhiều thí sinh đều làm được.

Đặc biệt, phần đáng chú ý nhất của đề thi yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về sứ mệnh “đánh thức tiềm lực đất nước” của mỗi cá nhân trong cuộc sống. Câu này yêu cầu thí sinh phải có kiến thức xã hội mới làm được.

Riêng thí sinh Hoàng Long cũng cho rằng, trong đề thi Ngữ văn, khó nhất phần nghị luận xã hội và viết văn. Em Long nói rằng, thí sinh học bình thường cũng làm được 50% bài thi.

Tại Quảng Trị, thời tiết trong ngày thi đầu tiên khá thuận lợi, tạo điều kiện cho các thí sinh hoàn thành tốt bài thi.


Các thí sinh đều mang tâm trạng phấn khởi khi hoàn thành bài thi môn Văn. (Ảnh: Đ. Đức)

Các thí sinh đều mang tâm trạng phấn khởi khi hoàn thành bài thi môn Văn. (Ảnh: Đ. Đức)

Ghi nhận tại cụm thi tỉnh Bình Định:

Kết thúc 120 phút làm bài thi môn Ngữ văn, hầu hết các thí sinh đều rất phấn khởi. Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Quốc học Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), dù chưa hết thời gian làm bài chính thức nhưng một số thí sinh đã hoàn thành xong bài thi và nộp bài.

Thí sinh Nguyễn Trần Thảo Vy (lớp 12A6, Trường THPT Quốc học Quy Nhơn) chia sẻ: “Đề Văn vừa tầm, không vượt ngoài tầm kiểm soát của em. Cách ra đề thi hợp lý, kiến thức đều trong kiến thức sách giáo khoa, nếu bạn nào chịu khó ôn luyện sẽ làm tốt. Với đề thi này chắc cũng đạt 7 điểm".

Còn em Nguyễn Lê Hiếu, lớp 12 A7, Trường THPT Quốc học Quy Nhơn tự tin khẳng định với đề thi này Hiếu cũng làm được 70%. “Theo cá nhân em đề thi văn năm nay không quá khó, kiến thức vừa đủ để các bạn thí sinh đủ điểm xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, với các bạn khối không chuyên thì 120 phút là không đủ để làm bài thi tốt”.

Các bạn thí sinh Trường THPT Quốc học Quy Nhơn tự tin chụp hình kỷ niệm sau môn thi đầu tiên Ngữ văn (ảnh Doãn Công).
Các bạn thí sinh Trường THPT Quốc học Quy Nhơn tự tin chụp hình kỷ niệm sau môn thi đầu tiên Ngữ văn (ảnh Doãn Công).

Ghi nhận tại cụm thi Hà Tĩnh:

Sáng nay, gần 16 nghìn thí sinh ở cụm thi Hà Tĩnh đã hoàn thành xong môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia. Theo đánh giá của các thí sinh thì đề thi môn Ngữ Văn có tính phân loại cao.

Thí sinh Hà Tĩnh đánh giá đề Văn có tính phân loại cao

Em Dương Kim Đức ở điểm thi Trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Đề thi có 2 phần, phân loại rất rõ ràng. Phần đầu có 4 câu hỏi dành để xét điểm tốt nghiệp, còn phần hai có 2 câu dành cho các bạn thi đại học”.

Còn em Biện Thị Linh, ở điểm thi Trường THPT Cẩm Bình thì chia sẻ, chỉ thi để xét tốt nghiệp nên đề thi khá khó.

“Đề thi thì sát với chương trình sách giáo khoa nhưng vì em chỉ thi để xét tốt nghiệp nên đối với em khá khó. Trong đó ở phần thứ 2 có 2 câu ở dạng nâng cao”, em Linh chia sẻ.

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, tại cụm thi Hà Tĩnh có 16 thí sinh vắng mặt tại môn thi đầu tiên.

“Cụm thi Hà Tĩnh có 20 em miễn thi được vì là học sinh giỏi quốc gia, còn 16 em đăng ký thi để xét điểm đại học nhưng sáng nay lại vắng thi”, ông Dũng cho biết.


Theo các thí sinh tại cụm thi Hà Tĩnh thì đề thi môn Ngữ Văn có tính phân loại cao. (Ảnh: Xuân Sinh)

Theo các thí sinh tại cụm thi Hà Tĩnh thì đề thi môn Ngữ Văn có tính phân loại cao. (Ảnh: Xuân Sinh)

Ghi nhận tại Phú Yên:

Sáng nay, tại tỉnh Phú Yên 10.624 thí sinh bước vào thi môn Ngữ Văn. Kết thúc buổi thi, nhiều thí sinh đánh giá đề thi môn Văn năm nay có nhiều câu hỏi hay, nếu ôn tập kỹ thì có thể làm bài được 60%.

Nhiều thí sinh dự tính đạt 7-8 điểm bài thi Ngữ Văn - 24

Em Nguyễn Hải Yến, điểm thi trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Tuy Hòa) chia sẻ: Riêng em thì em thấy đề thi môn Văn năm nay là vừa tầm, em dự kiến bài làm của mình ở mức 7 điểm. Câu hỏi em thấy thú vị nhất đó là câu hỏi trong phần đọc hiểu, trình bày suy nghĩ về sứ mệnh tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay.

Cùng chung quan điểm, em Hà Thị Huỳnh Chi cũng cho rằng đề thi năm nay là vừa sức với các bạn thí sinh.

Thí sinh xem lại các câu hỏi trong đề thi. (Ảnh: Trung Thi)
Thí sinh xem lại các câu hỏi trong đề thi. (Ảnh: Trung Thi)

Thí sinh Phú Yên nhận định về đề Văn

Ghi nhận tại TPHCM:

Sau buổi thi Văn sáng nay, nhiều thí sinh tại TPHCM cho rằng đề Văn khá mơ hồ, đặt biệt là câu nghị luận Văn học chiếm 5 điểm đưa ra quá nhiều yêu cầu, hình ảnh trong một câu.

Là một học sinh học khá môn Văn, em Trần Phương Nam, học sinh Trung tâm GDTX Q.3 cho biết, ngay khi nhận đề thi em đã khá hoang và nhìn quanh thì các thí sinh trong phòng đều có chung cảm giác như vậy. Nếu nói đề khó thì không phải quá khó nhưng để xác định được yêu cầu, mục tiêu của đề là không hề đơn giản. Các vấn đề đưa ra trong đề khá mơ hồ, không gần gũi với học sinh.

Nam cho rằng nhìn chung đề thi không hấp dẫn. Đặc biêt ở câu nghị luận Văn học chiếm đến 5 điểm, đề đưa hai tác phẩm vào là Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ nhưng đưa ra khá nhiều yêu cầu liên hệ và phân tích trong câu hỏi. Đó là phân tích sự đối lập vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa rồi lại còn phân tích cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài.

Từ đó, đề lại tiếp tục yêu cầu liên hệ sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

"Đề này xác định yêu cầu đề thi đã không hề dễ, thật sự em bị rối khi liên kết, kết nối giữa các chủ đề và giữa hai tác phẩm", Nam nói.

Thi sinh tại TPHCM sau giờ thi môn Văn
Thi sinh tại TPHCM sau giờ thi môn Văn

Một thí sinh khác tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng, nếu chỉ đánh giá về đề thi thì đây là đề thi hay. Tuy nhiên em cho rằng, đề phù hợp với kỳ thi thi học sinh giỏi, thi vào trường chuyên hơn là một kỳ thi THPT quốc gia.

"Cùng với các câu hỏi khác và câu nghị luận Văn học như vậy chỉ với 120 phút là quá khó cho thí sinh có thể trình bày hết được hết yêu cầu của đề", em nói.

Trong đó, Nguyễn Khánh Lâm, thí sinh tại điểm thi Trường College, Q.3 nhận xét đề thi đặt ra vấn đề đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân là vấn đề không gần gũi với học sinh. Chưa kể, ở phần nghị luận xã hội đề lại yêu cầu thí sinh viết lên suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân nhưng với chỉ với 200 chữ là quá ngắn, học sinh rất khó để xác định, thể hiện được rõ suy nghĩ của mình.

Ghi nhận tại Cần Thơ:

Gần 13.000 thí sinh ở Cần Thơ vừa hoàn thành môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Các thí sinh ở Cần Thơ đều đánh giá, đề văn hay, vừa sức và có thể lấy điểm 6-7 một cách dễ dàng.

Rời Hội đồng thi trường THCS Lương Thế Vinh sớm nhất (lúc 9h20’), em Nguyễn Nhật Thanh cho biết, đề dễ, em có thể đạt điểm 6 hoặc điểm 7.


Thí sinh Cần Thơ cười tươi rời Hội đồng thi. (Ảnh: Phạm Tâm)

Thí sinh Cần Thơ cười tươi rời Hội đồng thi. (Ảnh: Phạm Tâm)

Ghi nhận tại Thanh Hóa:

Kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nhiều thí sinh đã rời điểm thi khi vừa hết 2/3 thời gian làm bài môn thi đầu tiên. Thời tiết trong buổi thi đầu tiên tại Thanh Hóa mát mẻ. Hầu hết các thí sinh ra sớm khi đã hoàn thành bài thi của mình.

Thí sinh Thanh Hóa nhận định đề Văn

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, kết thúc 2/3 thời gian buổi thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đào Duy Từ, thành phố Thanh Hóa, đã rời điểm thi. Nhận định chung của các thí sinh đề thi môn Văn không khó, trong đó có nhiều ý ra về các vấn đề của đất nước.

Các thí sinh rời điểm thi trong tâm trạng thoải mái (Ảnh: Duy Tuyên)
Các thí sinh rời điểm thi trong tâm trạng thoải mái (Ảnh: Duy Tuyên)

Thí sinh Lê Anh Đức, học sinh Trường THPT Đào Duy Từ nhận xét: Cảm nhận của cá nhân em, đề Văn năm nay dài, nhất là câu cuối. Tuy nhiên, do trước đây em từng theo học khối D nên em cũng làm được hết đề thi.

Cũng theo nhận định của thí sinh, đề thi năm nay bám sát với các vấn đề của đất nước, cụ thể như khai thác các tài nguyên sao cho phù hợp. Qua đó, phát triển khả năng của bạn thân mỗi người dân để đánh thức và tận dụng được các tiềm lực của đất nước.

Theo nhận định của nhiều thí sinh, đề Văn bám sát các vấn đề của đất nước
Theo nhận định của nhiều thí sinh, đề Văn bám sát các vấn đề của đất nước

Ghi nhận tại cụm thi Bạc Liêu:

Tại cụm thi Bạc Liêu, sáng nay 25/6, hơn 5.000 thí sinh đã dự thi xong môn đầu tiên Ngữ Văn. Nhiều thí sinh cho biết, đề không quá khó.

Hầu hết các thí sinh đều đánh giá câu hỏi mở với nội dung về “đánh thức tiềm lực” là hay nhất. Đây cũng là một trong những vấn đề “nóng” của xã hội hiện nay khi đất nước đang ngày càng phát triển đi lên.

Thí sinh Bạc Liêu tỏ ra khá vui khi được bảo vệ điểm thi chia vui vì làm bài khá tốt. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Thí sinh Bạc Liêu tỏ ra khá vui khi được bảo vệ điểm thi chia vui vì làm bài khá tốt. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Thí sinh Khang (thi tại THPT Chuyên Bạc Liêu) cho biết, đề không quá dài, trong thời gian 120 phút có thể làm hết. Theo em, phổ điểm có thể đạt trên 5 là khá nhiều. Tuy nhiên, điểm 9, 10 thì có thể hiếm.

Ngoài ra, đề phân tích câu 2 ở phần làm văn cũng khá hay, khi có nội dung về bạo lực gia đình, đây cũng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Do đó, qua đề thi, các thí sinh cũng có thể có những bài học kinh nghiệm để ứng xử trong cuộc sống.

Theo thống kê môn thi Ngữ Văn sáng nay, cụm thi Bạc Liêu có 5.285/5.298 thí sinh dự thi, vắng 13 thí sinh. Chiều nay thi môn Toán có 5.335 thí sinh đăng ký dự thi.

Thí sinh Bạc Liêu nhận định đề thi Ngữ Văn.

Ghi nhận tại Đồng Tháp:

Tại điểm thi trường THPT Cao Lãnh (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), nhiều thí sinh cho biết đề thi năm nay khó lấy điểm cao, tuy nhiên để kiếm điểm 5-6 thì tương đối vừa sức.

Em Trương An Khương - học sinh trường THPT Thống Linh (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: Đề thi năm nay em thấy khó hơn mọi năm. Nhất là phần câu hỏi số 2 trong II, câu hỏi này đòi hỏi tụi em phải nhớ kiến thức lớp 11 (bài Hai đứa trẻ của Thạch Lam) mới giải quyết tốt câu hỏi này. Theo em, bài thi của mình chỉ đạt điểm 5-6".

Em Thái Kim Liễu cho biết bài thi của mình có thể đạt 7 điểm
Em Thái Kim Liễu cho biết bài thi của mình có thể đạt 7 điểm

Em Thái Thị Kim Liễu - trường THPT Thống Linh, cho biết: Bài thi của em chắc được 7 điểm. Theo em đề thi năm nay vừa sức, tuy nhiên muốn đạt điểm cao thì hơi khó, vì có nhiều câu hỏi cần có kiến thức lớp 11.

Nhiều thí sinh khác ngoài việc than khó ở câu hỏi số 2 (trong phần II) về việc phải nhớ kiến thức lớp 11 thì các thí sinh còn cho rằng: Vì đây là 02 tác phẩm văn xuôi, nhất là tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam (lớp 11) nhưng đề thi không có đoạn văn nên các thí sinh gặp khó khi giải quyết câu hỏi này.


Trong khi nhiều thí sinh khác than đề thi Văn năm nay khó, vì có những câu hỏi cần nhớ kiến thức lớp 11. (Ảnh: Nguyễn Hành)

Trong khi nhiều thí sinh khác than đề thi Văn năm nay khó, vì có những câu hỏi cần nhớ kiến thức lớp 11. (Ảnh: Nguyễn Hành)

Ghi nhận tại Huế:

Kết thúc bài thi môn ngữ văn 120 phút sáng 24/6, các thi sinh tại TP Huế ra phòng thi mang cảm giác nhẹ nhõm thoải mái. Một số thí sinh nhận định đề thi năm nay so với năm ngoái có phần khó hơn nhưng cũng nằm trong khuôn khổ bài học ở lớp nên cũng dễ dàng hơn trong việc làm bài.

Thí sinh Acơ Như Quỳnh (dân tộc Pa cô, học trường Dân tộc nội trú tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: “Em cảm thấy nhẹ nhõm hẳn khi đã thi xong môn văn, em làm được khoảng 70% đề ra. Nhưng vì theo khối C nên cũng có phần hơi lo lắng một chút, thấy khó nhất là ở câu phân tích sự đối lập”.

Khi được hỏi đề có giống như em hình dung trước đó thì Quỳnh cho biết em có đoán thử đề nhưng hôm nay đề hoàn toàn khác so với suy nghĩ của em. Vượt qua tâm lý môn đầu tiên của kỳ thi nên Quỳnh đã tạo cho mình tinh thần thoải mái nhất cho mấy môn sau.

Riêng em Nguyễn Thị Thu Trang cho biết vì theo khối A cho nên em cũng không lo lắng lắm cho môn Ngữ văn, em làm được khoảng 50% và cũng cảm thấy khá tự tin khi môn này. Và chuẩn bị tâm lý cho mấy môn sau.

Các thí sinh thi môn Văn tại Huế ra về với tâm trạng nhẹ nhõm
Các thí sinh thi môn Văn tại Huế ra về với tâm trạng nhẹ nhõm

Ghi nhận tại Quảng Nam:

Sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn, nhiều thí sinh ở các Hội đồng thi trên địa bàn Quảng Nam rời phòng thi với tâm trạng thoải mái. Theo các thí sinh, đề thi Ngữ văn năm nay khá vừa tầm, không quá bất ngờ vì nằm trong nội dung ôn tập.

Thí sinh Nguyễn Trung Hiếu (địa điểm thi số 51, trường Kim Đồng, Hội An) là công dân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự cho biết: “Em thực hiện nghĩa vụ quân sự được 1 năm rồi, trong quân ngũ em cũng cố gắng ôn luyện để năm nay thi thật tốt. Em thấy phần thi Ngữ văn có phần nghị luận bám sát trong sách ôn tập, câu hỏi suy luận về phát triển tiềm lực đất nước khá hay và thú vị”.

Thí sinh Nguyễn Thị Sang (Hội đồng thi trường THPT Trần Quý Cáp, Hội An) chia sẻ: “Em thấy đề thi vừa sức, không quá đánh đố học sinh, có nhiều câu thiên về suy nghĩ đánh giá của học sinh nên khá thú vị. Còn bài nghị luận thì cũng nằm trong phần ôn tập của thầy cô nên em cũng không có quá nhiều bất ngờ, em đã ôn khá kỹ phần này. Em hy vọng bài thi này có thể đạt từ 6-7 điểm”.

Trao đổi với nhau về đề văn. (Ảnh: N.L)
Trao đổi với nhau về đề văn. (Ảnh: N.L)

Ghi nhận tại Đà Nẵng:

Nhiều thí sinh tại Đà Nẵng được hỏi nhận định đề thi môn Ngữ Văn năm nay khá khó, đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng phân tích tổng hợp, có kiến thức xã hội tốt mới làm bài thi tốt.

Ghi nhận của PV Dân trí tại điểm trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, Đà Nẵng), hơn 10h20 sáng 25/6, sau khi giám thị nộp bài làm thí sinh và kiểm đếm đầy đủ bài thi, thí sinh dự thi tại điểm trường này mới ra khỏi cổng trường thi. Nhiều thí sinh nhận định đề thi môn Ngữ Văn năm nay khá khó.

Hơn 10h20 sáng 25/6, các thí sinh dự thi tại điểm trường THPT Trần Phú - Đà Nẵng mới ra khỏi cổng trường thi
Hơn 10h20 sáng 25/6, các thí sinh dự thi tại điểm trường THPT Trần Phú - Đà Nẵng mới ra khỏi cổng trường thi

Thí sinh Thế Bảo chia sẻ: “Theo em, đề thi môn Văn năm nay khá khó. Các bạn cùng phòng thi với em đều tận dụng hết thời gian làm bài thi để làm bài. Trong đó, câu đề yêu cầu thí sinh chia sẻ cảm nhận về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân khá hay. Câu đề 5 điểm về hai tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” và “Hai đứa trẻ” không bất ngờ, do tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” đã có trong đề thi thử của Đà Nẵng trước đó. Tuy nhiên đề thi đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng phân tích tổng hợp, có kiến thức xã hội tốt mới làm bài thi tốt”.


Thí sinh trao đổi về bài làm sau buổi thi môn Văn. (Ảnh: Khánh Hiền)

Thí sinh trao đổi về bài làm sau buổi thi môn Văn. (Ảnh: Khánh Hiền)

Ghi nhận tại Khánh Hòa:

Các thí sinh dự thi THPT quốc gia tại Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết đa phần học sinh hào hứng với câu nghị luận xã hội hỏi về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân.


Thí sinh dự thi tại điểm thi trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang, Khánh Hòa) ra về sau môn Ngữ Văn, trưa 25/6 (Ảnh: Viết Hảo)

Thí sinh dự thi tại điểm thi trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang, Khánh Hòa) ra về sau môn Ngữ Văn, trưa 25/6 (Ảnh: Viết Hảo)

Thí sinh Nam Phương dự thi tại điểm thi trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho hay đề Ngữ Văn năm nay tương đối vừa sức với học sinh. Theo đó, học sinh trung bình có thể đạt trên 5 điểm, học sinh khá giỏi có thể đạt từ 7 đến 8 điểm.

“Đề Văn năm nay có 3-4 câu là tương đối dễ ăn điểm nên các bạn trong phòng em nhìn chung ai cũng cười tươi. Đề này em làm được 60-70% số điểm, đặc biệt là câu nghị luận xã hội em cũng làm được”, Phương nói.

Trong khi đó, thí sinh Huyền Trang cũng dự thi tại trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang) cho biết, đa phần học sinh hào hứng với câu nghị luận xã hội hỏi về sứ mệnh đánh thức tiềm lực của đất nước của mỗi cá nhân. “Em đã nêu tầm quan trọng về việc đánh thức tiềm lực đất nước và ý thức, sự cố gắng của bản thân”, Huyền Trang không giấu vẻ hào hứng tâm sự.


Thí sinh ở Nha Trang hào hứng sau môn thi đầu tiên (Ảnh: Viết Hảo)

Thí sinh ở Nha Trang hào hứng sau môn thi đầu tiên (Ảnh: Viết Hảo)

Nha Trang: Thí sinh hào hứng đánh giá đề Văn

Ghi nhận tại Quảng Ngãi:

Tại điểm thi trường THPT chuyên Lê Khiết (TP. Quảng Ngãi), hầu hết thí sinh có tâm trạng khá thoải mái khi kết thúc buổi thi đầu tiên với môn Văn. Thí sinh đánh giá đề thi không khó nhưng tương đối dài.

Thí sinh Quảng Ngãi đánh giá đề Văn không khó nhưng khá dài

Thí sinh Trần Nguyễn Quỳnh Anh, cho rằng: câu nghị luận về đánh thức tiềm lực là câu hay nhất. Với câu hỏi này thí sinh được bày tỏ quan điểm cá nhân của mình trước những vấn đề lớn.

"Để làm hết được các câu hỏi em phải tập trung cao độ vì đề tương đối dài với thời gian làm bài là 120 phút. Riêng bản thân em thích nhất câu hỏi yêu cầu trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước", thí sinh Trần Nguyễn Quỳnh Anh cho biết.

Còn thí sinh Nguyễn Tú Anh cho rằng đề không khó nhưng để đạt điểm cao hoàn toàn không đơn giản.

"Với đề thi này em làm vừa đủ thời gian. Đề thi không khó nhưng để đạt điểm khá trở lên thì phải nhạy và có kiến thức vững vàng để tiếp cận nhanh nội dung câu hỏi", thí sinh Nguyễn Tú Anh nêu quan điểm.


Thí sinh Trần Nguyễn Quỳnh Anh đánh giá đề Văn không khó nhưng khá dài. (Ảnh: Quốc Triều)

Thí sinh Trần Nguyễn Quỳnh Anh đánh giá đề Văn không khó nhưng khá dài. (Ảnh: Quốc Triều)

Ghi nhận tại cụm thi Hà Nam:

Thời tiết sáng nay tại Hà Nam khá mát mẻ, thuận lợi cho các thí sinh. Kết thúc 120 phút làm bài thi môn Ngữ Văn, nhiều thí sinh bước ra khỏi hội đồng thi với tâm trạng phấn khởi. Theo đánh giá chung của các thí sinh Hà Nam, đề môn Ngữ Văn năm nay phân loại học sinh khá cao, đề có nhiều câu hỏi hóc búa, đòi hỏi tư duy.

Nhiều học sinh khá tự tin trước bài thi của mình, tuy nhiên một số em khác cũng cho rằng mình chưa làm được như kỳ vọng đã đặt ra.

Một thí sinh dự thi tại Hội đồng thi THPT Phủ Lý A cho biết: “Dạng đề này chúng em đã được ôn tập khá nhiều, nhưng vẫn có nhiều câu hỏi khó để phân loại học sinh, mặc dù môn Ngữ Văn không phải là sở trường của em, nhưng em cũng tự tin là em sẽ đạt được điểm 6”.

Tại Hà Nam số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học tự nhiên là 2.752 em, chiếm 33%; 5.438 thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội, chiếm 66%; Chỉ 73 thí sinh (chiếm xấp xỉ 1%) đăng ký dự thi cả 2 bài Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trung bình mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ 4,6 nguyện vọng.

Sở GD-ĐT Hà Nam được Bộ GD-ĐT giao chủ trì cụm thi tỉnh Hà Nam, phối hợp với 3 trường Đại học, Học viện, gồm: Đại học Mỏ - Địa chất, Học viện Quản lý Giáo dục, Phân hiệu Đại học Sư phạm Hà Nội tại Hà Nam chọn lựa 486 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, thực hiện các khâu từ tổ chức in sao đề thi, coi thi đến chấm thi, thông báo kết quả thi, phúc khảo, xét công nhận tốt nghiệp và báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GD-ĐT.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nam, cụm thi tỉnh Hà Nam có trên 8.700 thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia năm 2018, trong đó có hơn 2.200 thí sinh (chiếm 25%) đăng ký thi để xét tốt nghiệp; 6.025 thí sinh (chiếm 70%) đăng ký thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng; 478 thí sinh (chiếm 5%) đăng ký thi để xét ĐH, CĐ.


Những thí sinh tại Hội đồng thi trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam). (Ảnh: Đức Văn)

Những thí sinh tại Hội đồng thi trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam). (Ảnh: Đức Văn)

Ghi nhận tại Lâm Đồng:

Tại điểm thi trường THCS & THPT Chi Lăng (TP Đà Lạt), nhiều thí sinh rời phòng thi với khuôn mặt hào hứng. Đa số các em cho rằng đề thi năm nay không làm khó thí sinh vì bám sát chương trình học ở trường.

Em Hoàng Thị Kim Quý (lớp 12A3, trường Chi Lăng) cho biết, đề thì cũng không quá khó vì đều nằm trong phần ôn tập của các em.

“Đa số đề thi đều nằm trong phần ôn tập nên cũng không quá khó. Trong đề có phần phân tích sự đối lập giữa bài “Chiếc thuyền ngoài xa” và “Hai đứa trẻ”, câu này em làm khá tốt vì chúng em được ôn tập rất kỹ ở trường. Em làm được hết nhưng áng chừng được khoảng 7 điểm thôi...”, Kim Quý chia sẻ thêm.


Thí sinh trường Chi Lăng, TP Đà Lạt kết thúc môn thi Ngữ văn sáng nay. (Ảnh: Ngọc Hà)

Thí sinh trường Chi Lăng, TP Đà Lạt kết thúc môn thi Ngữ văn sáng nay. (Ảnh: Ngọc Hà)

Em Đặng Thị Cẩm Tiên (trường Chi Lăng, TP Đà Lạt) cho biết: “Lúc đầu đọc đề thi thấy hơi hoang mang và thấy khó nhưng sau đó đọc kỹ thì em cũng thấy đề thi có rất nhiều câu thú vị và đa số bám sát vào chương trình học ở trường ”.

Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có 14.682 thí sinh đăng ký dự thi với 644 phòng thi. Trong sáng nay ngày 25/6, có 14.628 thí sinh tham gia dự thi, tỉ lệ 99,63%; vắng 54 thí sinh, tỉ lệ 0,37%.


Nhiều thí sinh phấn khởi vì cho rằng đề thi Ngữ văn năm nay không quá khó. (Ảnh: Ngọc Hà)

Nhiều thí sinh phấn khởi vì cho rằng đề thi Ngữ văn năm nay không quá khó. (Ảnh: Ngọc Hà)

Thầy Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (TPHCM) nhận định: "Nhìn chung đề khá chuẩn, đúng trọng tâm, cơ bản vừa sức thí sinh. Nếu chuẩn bị kĩ, học sinh trung bình sẽ làm được bài. Đề này cũng sẽ phân loại được thí sinh, nhất là câu 2 phần làm văn. Phần đọc hiểu hỏi từ dễ đến khó, rải đều nội dung kiến thức. Câu 4 phần đọc hiểu khá mở nên cần có đáp án thật mở để bao quát hết các dạng ý kiến thí sinh. Câu 1 phần làm văn khá thú vị khi gắn với nội dung đọc hiểu ở trên.

Nội dung kiến thức câu 2 làm văn không mới nhưng cách đặt vấn đề và học sinh giải quyết vấn đề đó là mới; cộng vào đó là kết hợp cả kiến thức lớp 11 và 12 như Bộ GD-ĐT đã định hướng trước. Điều này bắt buộc thí sinh không phải chỉ thuộc bài, nắm nội dung mà phải biết cách làm bài, khái quát và chọn lọc nội dung đưa vào bài làm sao cho hợp lí. Đây sẽ là câu phân loại thí sinh...". (Hoài Nam)

Nhận xét về đề thi, cô Tuyết Mai - giáo viên dạy Ngữ văn tại Phú Thọ cho rằng: “Tính phân loại đối tượng học sinh trong đề năm nay rõ rệt hơn các năm trước. Tùy vào kiến thức của thí sinh mà có những bài viết với độ nông - sâu khác nhau, độ khó dễ đan xem nhau trong chính bản thân từng câu hỏi.”

Cô Mai cũng băn khoăn một chút, với đề như vậy mà chỉ có 120 phút để hoàn thành là hơi quá sức. Những thí sinh học lực khá, giỏi mới có thể phân tích sâu sắc và đủ thời gian làm cả 2 phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Còn không, các thí sinh rát dễ sa đà vào việc phân bổ thời gian không đều, bài viết qua loa sơ sài kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.

Đặc biệt, đối với câu nghị luận văn học rất hấp dẫn, các thí sinh “học tủ” sẽ khó lòng làm được đề thi này. Vì việc phân tích, so sánh, vận dụng các chi tiết dẫn chứng ở 2 bài đòi hỏi thí sinh phải thực sự nhớ kiến thức cơ bản, lối diễn đạt tốt, biết “liệu cơm gắp mắm” mới có thể được điểm trên trung bình trở lên. (Hà Cường)

Chiều nay, các thí sinh tiếp tục dự thi môn Toán với thời gian 90 phút, từ 14h30 đến 16h.

Nhóm PV