Sơn La:

Nhiều sinh viên cử tuyển thất nghiệp sau khi tốt nghiệp

(Dân trí) - Được UBND tỉnh ký Quyết định cử đi học chế độ cử tuyển nhưng sau khi tốt nghiệp nhiều năm lại chưa được bố trí việc làm. Điều “oái ăm” này không chỉ làm lãng phí và thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn khiến cho người được cử đi học rơi vào trạng thái hụt hẫng, chán chường.

Chia sẻ với Dân trí, G.A.M bộc bạch: Ngày tôi nhận được quyết định của UBND tỉnh Sơn La cử đi học theo chế độ cử tuyển, khỏi phải nói ba mẹ và anh em đã vui đến nhường nào, mẹ lăng thăng khắp làng, trên bản xuống dưới kể về tôi, ánh mắt đầy vẻ tự hào. Nhà tôi ở quê nghèo, dù sớm hôm thức khuya dậy sớm cấy cày những mảnh nương trơ sỏi cát đá, ấy thế nhưng ba mẹ vẫn luôn động viên tôi học thành tài. Dẫu cực khổ, họ vẫn nguyện hi sinh mong tương lai tôi sẽ sáng ngời.

Thấu hiểu bao nhọc nhằn gian khó của ba mẹ và nhận thức được hoàn cảnh nhà nghèo, lại không thể cậy nhờ được ai, nên bản thân tôi luôn tự nhủ phải cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ mong gặt hái kết quả tốt đẹp. Nguyện ước suốt bao năm tháng sinh viên của tôi chỉ là ra trường có công ăn việc làm, đỡ đần cho ba mẹ lúc về già, không phụ lòng công ơn Đảng, Nhà nước. Ngày tốt nghiệp, cầm trên tay tấm bằng cử nhân kinh tế, sự mạnh mẽ của một đứa con trai cũng không thể ngăn nổi giọt nước mắt lăn dài vì hạnh phúc.

Nhiều sinh viên học cử tuyển ở Sơn La sau khi tốt nghiệp nhiều năm vẫn chưa có việc làm (ảnh minh họa)
Nhiều sinh viên học cử tuyển ở Sơn La sau khi tốt nghiệp nhiều năm vẫn chưa có việc làm (ảnh minh họa)

 

Mấy tháng đầu tiên, tôi vẫn còn bao nhiêu hứng khởi khi cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp. Mấy tháng tiếp, tôi tự an ủi chắc do mình nộp hồ sơ trễ nên bị loại, hay vì một lí do khách quan nào đó, chưa có chỉ tiêu. Rồi 1 năm sau đó, tôi tiếp tục đợi chờ trong những hi vọng mong manh. Ba mẹ và anh em vẫn luôn vỗ vai động viên tôi rồi cơ hội cũng sẽ đến, nhưng đến bây giờ đã là 3 năm 3 tháng kể từ ngày tốt nghiệp, tôi vẫn thất nghiệp.

“Trong những tháng ngày chờ đợi, tôi đành xếp lại tấm bằng nơi góc tủ, để xin vào làm cho một công ty ở một thành phố nghèo (Sơn La). Sức nặng của công việc, tôi làm nổi, nhưng nghĩ về 4,5 năm nơi giảng đường, tôi lại trào nước mắt, trách mình chẳng may mắn, trách bản thân bất tài, vô dụng, chẳng thể làm vui lòng ba mẹ dù họ đã sang thế giới bên kia của cuộc đời” – G.A.M cay đắng chia sẻ.

Những người rơi vào tình cảnh “trớ trêu” như G.A.M không phải là cá biệt ở Sơn La. Theo phản ánh thì ở Sơn La có đến gần 90% người được cử đi học cử tuyển sau khi tốt nghiệp chưa được bố trí việc làm.

Tại điều 11, Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định về tiếp nhận, phân công công tác cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp có nêu rõ: Hàng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận và phân công công tác cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ phân công công tác tối đa là 6 tháng, kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp. Quá thời hạn 6 tháng không nhận được sự phân công theo quy định của Nghị định này thì người học theo chế độ cử tuyển có quyền tự đi tìm việc làm và không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo (năm 2015 được sửa đổi, bổ sung từ 6 tháng lên thành 12 tháng - PV). Vậy lý do nào Sơn La lại chậm trễ trong việc bố trí việc làm cho những người được cử đi học cử tuyển sau khi tốt nghiệp?

Trao đổi với Dân trí, bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Sơn La cho biết: Việc nhiều ứng viên thắc mắc là đúng bởi hiện nay địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí việc làm cho các em. Trước đây việc cử đi học cử tuyển thì mất khoảng thời gian 4-5 năm. Trong khi đó, hiện nay theo Nghị định của Chính phủ yêu cầu xác định vị trí việc làm nên dù có học cử tuyển thì phải có vị trí việc làm mới tiếp nhận được.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lại vừa phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016. Theo đó thì năm 2016 cắt giảm hơn 4.000 chỉ tiêu nên Sơn La cũng sẽ chịu ảnh hưởng về việc này. Bên cạnh đó còn phải thực hiện tinh giản biên chế. Chính vì vậy việc bố trí việc làm sẽ càng khó khăn hơn. Hiện nay chỉ tiêu cử tuyển của Sơn La ngày càng giảm dần nên chủ yếu tập trung giải quyết cho những đối tượng trước đây. Song chắc chắn để giải quyết những vấn đề đó thì phải mất một thời khá dài, nhất là lại có nhiều em thì theo học chuyên ngành rất khó bố trí việc làm.

Câu hỏi đặt ra: Việc cử người đi học ngành nào là do nhu cầu của địa phương và tỉnh phê duyệt. Lý do tại sao lại có chuyện chuyên ngành không phù hợp, khó bố trí việc làm?

“Vấn đề cử người đi học là do tỉnh thành lập Hội đồng, Sở GD-ĐT là cơ quan thường trực còn Sở Nội vụ chỉ là thành viên” – bà Thủy nói.

Ông Phạm Đăng Quang – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La cho biết thêm: Nguyên tắc cử tuyển là theo địa chỉ của các huyện đăng ký lên. Như vậy các huyện phải bố trí công việc cho sinh viên sau khi ra trường. Hiện nay Sơn La vẫn đang cố gắng thực hiện việc những sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp được ưu tiên bố trí việc làm.

Mặc dù cơ quan chức năng của Sơn La đã đưa ra những lời giải thích ban đầu về việc nhiều sinh viên cử tuyển chưa có việc làm. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế hay cắt giảm biên chế mới được Chính phủ ra quyết định trong những năm gần đây trong khi đó nhiều sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp nhiều năm trước cũng chưa được bố trí việc làm. Dân trí sẽ tiếp tục tìm hiểu để thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn )