Nhiều học sinh đến trường không còn là niềm vui mà là nỗi lo sợ

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề nóng, nhức nhối hiện nay, có nguy cơ làm biến dạng môi trường sư phạm, khiến cho việc đến trường với nhiều học sinh không còn là một niềm vui mà là nỗi lo sợ.

Bạo lực học đường không mới nhưng cũng không bao giờ cũ

Nhằm nhìn nhận toàn diện vấn đề, đồng thời tìm giải pháp hạn chế tình trạng bạo lực học đường, giúp phụ huynh, thầy cô giáo, đặc biệt học sinh vượt qua được những khó khăn, phát huy tốt việc dạy và học trong bối cảnh có nhiều áp lực như hiện nay, diễn đàn "Điều em muốn nói" lần thứ II với chủ đề: Phòng chống bạo lực học đường được tổ chức tại Nghệ An.

Diễn đàn với sự đồng hành của Hội đồng đội Trung ương, Báo Tiền Phong, Sở GD&ĐT Nghệ An, Tỉnh đoàn Nghệ An. Đồng thời, có sự tham gia của hơn 2.000 học sinh đến từ các Trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Vinh, các nhà quản lý, bác sĩ...

Nhiều học sinh đến trường không còn là niềm vui mà là nỗi lo sợ - 1

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu tại diễn đàn.

Nhiều học sinh đến trường không còn là niềm vui mà là nỗi lo sợ - 2

Diễn đàn có sự tham dự của các hoa hậu, á hậu Việt Nam.

Mục đích của Diễn đàn là tạo cơ hội cho các em được đối thoại, trình bày các vấn đề gặp phải và quan điểm của mình với các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, những người nổi tiếng có ảnh hưởng trong xã hội, với các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và được nghe từ họ những kiến giải, lời khuyên bổ ích, giúp các em vượt qua khó khăn.

"Một diễn đàn không thể giải quyết được vấn đề, nhưng chúng tôi và các đơn vị phối hợp tổ chức mong muốn sẽ tạo ra được một mô hình để từ đó sẽ có thêm nhiều diễn đàn tương tự nữa trên khắp đất nước. Có như vậy diễn đàn Điều em muốn nói mới có thể đóng góp đáng kể vào việc hỗ trợ học sinh giải quyết các vấn đề, vượt qua các khó khăn của lứa tuổi", Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong chia sẻ.

Nhiều học sinh đến trường không còn là niềm vui mà là nỗi lo sợ - 3

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 2.000 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Vinh.

Cũng theo nhà báo Lê Xuân Sơn, phòng, chống bạo lực học đường là một vấn đề nóng, thậm chí nhức nhối hiện nay. Nó không chỉ ảnh hưởng mà còn có nguy cơ làm biến dạng môi trường sư phạm, khiến cho việc đến trường với nhiều học sinh không còn là một niềm vui mà là nỗi lo sợ.

Trong một số trường hợp, các em bị đẩy vào tình trạng cực đoan, có những hành động thiếu suy nghĩ rất đáng tiếc, mang lại nỗi buồn lo, thậm chí là nỗi đau cho bố mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè và toàn xã hội.

Tại diễn đàn, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận bạo lực học đường không mới nhưng không bao giờ cũ. Nó ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, đạo đức của học sinh, giáo viên cũng như đạo đức xã hội. Trách nhiệm phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực học đường không chỉ của riêng ngành giáo dục.

Theo ông Nam, cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Trong đó có kỹ năng giải quyết xung đột trong trường học; cấp bách tăng cường công tác tham vấn học đường; giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội.

Nhiều học sinh đến trường không còn là niềm vui mà là nỗi lo sợ - 4

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ tại diễn đàn và cho rằng bạo lực học đường không mới nhưng không bao giờ cũ.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết thêm, sau thời gian tạm lắng do dịch Covid-19, thời gian qua, bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng trở lại. Thông qua những tin nhắn, cuộc gọi của các học sinh đến tổng đài quốc gia, năm 2023, bạo lực liên quan đến học đường chiếm 17%, tăng 11% so với cùng kỳ 2022.

Còn theo ông Lê Công Thiện, Phó trưởng bộ môn Tâm thần - Trường đại học Y Hà Nội, Trưởng phòng Trẻ em và Vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, nạn nhân chỉ đến viện khi cần giải quyết hậu quả của bạo hành. Thời gian gần đây, tỷ lệ người bệnh đến tư vấn tăng lên. Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị bạo hành là trẻ tự nhiên mất tập trung học tập, ngại đến lớp.

Bác sĩ Thiện nhấn mạnh, nếu cha mẹ quan tâm đến con cái, thầy cô quan tâm đến học sinh thì sẽ phát hiện ra những thay đổi của mỗi đứa trẻ. Nhưng quan tâm phải đúng cách, tạo ra môi trường an toàn để con cái, học sinh có thể chia sẻ thông tin.

Bạo lực học đường là hậu quả của những cá nhân chưa đạt về văn hóa, đạo đức

Theo ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó vụ trưởng Vụ Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên, Bộ GD&ĐT, "Điều em muốn nói" là diễn đàn rất hay và ý nghĩa.

Với những nỗ lực của ngành Giáo dục và đơn vị liên quan, tình trạng bạo lực học đường đã và đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi. Tình trạng bạo lực học đường nói riêng, tình hình vi phạm pháp luật nói chung là hậu quả của những cá nhân chưa đạt về văn hóa, đạo đức, lối sống, kỹ năng,… trong cuộc sống. Ảnh hưởng của thế giới số đang ngày càng lấn át thế giới thực.

Qua số liệu thống kê tại Hội nghị đánh giá về công tác phòng, chống bạo lực học đường tổ chức năm 2022 cho thấy, vụ việc xảy ra trong năm học 2017-2018 và 2018-2019 cao nhất và giảm dần vào các năm gần đây. Số đối tượng tham gia cũng có chiều hướng giảm trong những năm trở lại đây.

Năm 2021-2022 có tổng số 386 vụ/1.161 đối tượng liên quan. Số học sinh có nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường là 935 em do nhiều nguyên nhân.

GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, qua diễn đàn "Điều em muốn nói" lần này, đã giúp ngành Giáo dục Nghệ An có thêm giải pháp tích cực, đồng bộ để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường.

Nhiều học sinh đến trường không còn là niềm vui mà là nỗi lo sợ - 5

Các em học sinh tham gia diễn đàn đều hào hứng.

"Qua đây chúng ta cảm nhận được sự quan tâm của xã hội, của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể chung tay cùng ngành giáo dục trong hành trình trang bị tri thức và nuôi dưỡng tâm hồn tươi đẹp, giàu tính nhân văn đối với các thế hệ học sinh thân yêu của mình.

Thầy cô đều rất hiểu tâm lý lứa tuổi của các em ở giai đoạn này. Giai đoạn luôn muốn khẳng định bản thân, cái tôi đối với bạn bè, bố mẹ và thậm chí cả với thầy cô. Nhưng các em cũng biết rằng, giá trị khẳng định vị trí của con người không chỉ nằm ở sức mạnh thể chất mà vượt lên tất cả chính là vẻ đẹp tâm hồn, lòng vị tha, sự bao dung của mỗi chúng ta", ông Thành chia sẻ.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng chia sẻ thêm, cuộc sống xã hội thực chất là những mối quan hệ giữa con người với con người. Trong xã hội ấy để phát triển con người không chỉ cần nỗ lực phát huy những năng lực của bản thân mà còn cần đoàn kết, tương trợ đối với những người xung quanh.

Nhiều học sinh đến trường không còn là niềm vui mà là nỗi lo sợ - 6

Em Nguyễn Phạm Gia Nhi, Học sinh lớp 11A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ tại diễn đàn.

Qua diễn đàn này, ông Thành mong rằng, với mỗi học sinh đó chính là ý thức giúp đỡ, tương trợ để cùng chung sống với những người xung quanh, hành động ấy được xuất phát từ tình thương, lòng vị tha của mỗi con người. 

Trả lời câu hỏi của học sinh về tình huống bị các bạn trong lớp cô lập vì một lý do nào đó, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ với nỗi niềm và câu chuyện của học sinh. Theo ông Nam, đây là câu chuyện thường thấy, hình thức phổ biến của bạo lực học đường là cô lập, tạo áp lực để xa lánh những người không thích. Chúng ta đang sống trong thời đại mạng xã hội, công nghệ thông tin, internet thì việc bắt nạt trên môi trường mạng rất phổ biến.