Bình Định:

Nhen "ngọn lửa" tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh Bana

Doãn Công

(Dân trí) - Gần 10 năm qua, Ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) đã mời nghệ nhân về truyền dạy cồng chiêng, múa xoang… cho học sinh.

Đến nay, trường đã có Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng, múa xoang với 30 thành viên và trở thành "hạt nhân" nòng cốt của tham gia các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ ở trường, cũng như các ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc do huyện, tỉnh tổ chức.

Mời nghệ nhân về "truyền lửa" đam mê

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Vĩnh Thạnh có khoảng 450 em học sinh, trong đó các em là đồng bào dân tộc thiểu số Bana chiếm hơn 90%. Đó là lý do Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhen ngọn lửa tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh Bana - 1
CLB cồng chiêng, múa xoang của học Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định)

Theo thầy Đặng Thanh May, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Vĩnh Thạnh, từ năm 2013, nhà trường đã tổ chức tuyển chọn học sinh tham gia vào CLB cồng chiêng, múa xoang. Các em học sinh có sở thích đều có thể tham gia. Đặc biệt, trong CLB sẽ có đội chủ lực làm nòng cốt, đội này hoạt động thường xuyên, ít nhất 1 tháng 1 lần.

"Có những em học sinh rất thích, có em ban đầu cũng không hào hứng lắm nhưng khi tham gia CLB thì bắt đầu đam mê. Giới trẻ bây giờ khác xưa, thị hiếu âm nhạc cũng khác nên duy trì và giữ "ngọn lửa" đam mê cho các em học sinh, nhà trường phải tạo nhiều giải pháp", thầy May chia sẻ.

Nhen ngọn lửa tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh Bana - 2
Nhà trường mời nghệ nhân nổi tiếng của huyện Vĩnh Thạnh về để truyền dạy chơi cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm… cho học sinh người đồng bào Bana (ảnh: Nhà trường cung cấp)

Đặc biệt, để tạo hứng thú cho học sinh tham gia CLB cồng chiêng, múa xoang, nhà trường mời các nghệ nhân nổi tiếng như Đinh Chương, Yang Danh, Đinh Kim… tận tâm truyền dạy nhiều bài chiêng từ cổ đến mới; vai trò của cồng chiêng đối với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Bana. Về múa xoang thì học sinh được nghệ nhân Đinh Thị Hơ Gớt chỉ dẫn. Còn dệt thổ cẩm có nghệ nhân Đinh Thị Đêm…

Tham gia CLB cồng chiêng của trường, em Đinh Minh Lùn, lớp 11A1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh, chia sẻ: "Em tham gia CLB cồng chiêng năm 2020, lúc đầu việc tập rất khó vì em không hiểu biết gì về cồng chiêng.

Sau khi được các nghệ nhân truyền dạy, thầy cô chỉ dẫn, giờ em đã đánh cồng chiêng cơ bản. Quan trọng là em hiểu được cồng chiêng giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc".

Mỗi khối một CLB cồng chiêng, múa xoang

Cũng theo thầy Đặng Thanh May, năm 2017, nhà trường đã tổ chức thành công lễ hội cồng chiêng lần thứ nhất. Qua lễ hội cồng chiêng này, các nghệ nhân, lãnh đạo huyện đều đánh giá cao tinh thần thực hiện công tác bảo tồn của trường.

Nhen ngọn lửa tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh Bana - 3
Các em học sinh trổ tài dệt thổ cẩm tại Lễ hội cồng chiêng lần thứ nhất do trường tổ chức (ảnh: Nhà trường cung cấp).

"CLB cồng chiêng, múa xoang mang tính chất kế thừa, bởi khi các em khóa 12 ra trường thì có các em khóa sau làm nòng cốt của CLB. Vì vậy, để duy trì và phát huy, nhà trường yêu cầu mỗi khối lớp phải có một đội tham gia.

Bên cạnh đó, các lễ hội trong nhà trường đều duy trì hoạt động cồng chiêng, múa xoang như: lễ khai giảng, tổng kết, các lễ hội khác trong nhà trường phải có tiết mục đó", thầy May nói.

Ngoài CLB cồng chiêng, múa xoang, nhà trường cũng tổ chức một phòng truyền thống trưng bày những sản phẩm văn hóa dân tộc của người đồng bào Bana, để giúp các em tiếp cận và hiểu thêm những nét văn hóa của dân tộc mình.

Nhen ngọn lửa tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh Bana - 4
Nghệ nhận truyền dạy cách làm các loại nhạc cụ dân tộc thiểu số của đồng bào Bana ở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Nhà trường vận động các thầy cô giáo là người Bana trong trường tặng hay mỗi khi đi giao lưu với các làng đồng bào trên địa bàn huyện, những vật dụng được tặng đều trưng bày tại phòng trưng bày của trường. Đặc biệt, có nhiều phụ huynh học sinh người đồng bào Bana đã tặng sản hiện vật cho trường.

Hiện, phòng trưng bày của nhà trường đã có nhiều hiện vật, từ trang phục, trang sức, nhạc cụ như: đàn T'rưng, đàn P'ró, đàn P'reng, sáo P'la… các sản phẩm dệt thổ cẩm do các em học sinh tự dệt.

Nhen ngọn lửa tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh Bana - 5
Các nghệ nhân chỉ dạy học sinh học đan lát những vật dụng người đồng bào Bana sử dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày

Thầy Đặng Thanh May cho hay, Ban giám hiệu nhà trường, Chủ nhiệm CLB cồng chiêng, múa xoang sẽ liên tục tuyển chọn, sàng lọc để duy trì được số lượng thành viên nòng cốt cho CLB hoạt động.

Đây là tiền đề rất quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt học sinh là con em người đồng bào dân tộc Bana hiểu sâu hơn tầm quan trọng của việc giữ gìn nét văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của dân tộc mình.