Nhà trường dạy học sinh... ăn chay

(Dân trí) - “Đồ chay có nhiều món ngon lại tốt cho môi trường”, “Con tưởng ăn chay không ngon và không đủ dinh dưỡng nên không thích”, đó là những chia sẻ chân thật và hồn nhiên của HS Trường Nguyễn Tất Thành sau buổi dã ngoại do phòng Tâm lý học đường của trường tiến hành.

Ý tưởng hướng cho học sinh ăn đồ chay là sáng kiến của cô Mạnh Linh, giáo viên tâm lý Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội. Một lần dẫn học sinh băng qua đường Hoàng Quốc Việt, theo thói quen, cô Mạnh Linh định băng qua dải phân cách trồng đầy cỏ giữa đường. Ngay lập tức, một học sinh kéo tay cô lại và nói: “Cô không được đi lên cỏ” rồi chỉ tay lên tấm biển gần đó: “Không dẫm lên cỏ”.

 
“Mọi người đã không nhìn tấm biển còn bản thân tôi thì cũng lờ đi như không biết có sự hiện diện của nó. Tôi thầm cảm ơn sự chân thành ngây thơ đó và điều đó đã thôi thúc tôi tổ chức chuyến dã ngoại tham dự lễ hội ẩm thực chay tại hội chợ ẩm thực chay 3 miền Bắc - Trung - Nam với chủ đề: “Ăn chay để bảo vệ môi trường - Ăn chay, sống xanh để cứu địa cầu” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đầu năm nay”, cô Mạnh Linh nhớ lại.
 

 

Nhà trường dạy học sinh... ăn chay - 1

Cô Mạnh Linh đang chia sẻ thông điệp về giá trị nhân văn qua hoạt động ăn chay cho học sinh của Trường Nguyễn Tất Thành.

 
Tại lễ hội, 15 học sinh lớp 7A2 không chỉ được giao lưu, tham gia các hoạt động để thêm hiểu, thêm yêu các loài động vật, các em còn được đi tham quan các gian hàng chay với các thực phẩm quen mà lạ, nào giò chay, cà phê chay, súp chay, cháo chay, bún miến chay, bánh gato chay… Lần lượt, các em được đi thăm các gian hàng của ba miền Bắc - Trung - Nam. Qua lời giải thích tận tình của các đầu bếp nấu đồ ăn chay, các em hiểu thêm về xuất xứ, cách làm và dinh dưỡng trong đồ chay. Ví như: cà phê chay là cà phê không sao với mỡ gà hay bất kỳ loại mỡ động vật nào do vậy không đậm bằng cà phê thường. Tuy nhiên, dùng cà phê chay là bảo vệ môi trường (một lượng gà lớn không bị giết thịt để lấy mỡ, khi uống xong cà phê thì chỉ cần tráng cốc bằng nước thường mà không phải dùng nước rửa bát…). Hay rượu chay, bia chay là những đồ uống lên men bằng hoa quả, hoàn toàn không có cồn, chất kích thích khiến con người không tỉnh táo và bị nghiện. Đặc biệt, các em được thưởng thức những món ăn bắt mắt về hình thức, hấp dẫn vị giác và thực sự ngon miệng. Nhiều em đã không thể quên ấn tượng khi nếm thử những món ăn vô cùng ngon miệng, hấp dẫn như món cá chiên dai mềm ngon ngọt, món tôm chiên ròn rụm, món thịt xiên nướng thơm lừng… mà nguồn gốc đều từ các loại bột và rau củ.

 

Trên tất cả, các em được bồi đắp tình yêu thương, không chỉ với đồng loại mà với cả con vật, với cả cây cối - những thành tố quan trọng làm nên môi trường. Những điều đó đã gieo vào tâm hồn các em những hạt giống yêu thương. Từ sâu thẳm, các em hiểu rằng loài vật cũng như con người, cũng khát khao lẽ sống và bình yên.

 

Thành quả tưởng chừng rất nhỏ và chẳng liên quan gì nhiều với hoạt động tâm lý nhà trường trên lại gắn chặt với 1 trong 3 công việc chính của tâm lý học học đường tại Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (phòng ngừa, phát hiện và can thiệp cho học sinh), cụ thể là hoạt động phòng ngừa. Đây cũng là hoạt động chính và mang tính chất phổ biến cho học sinh trong toàn trường.

 

Trong năm qua, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng sống cho học sinh và giáo viên; các khóa tập huấn về giá trị sống cho giáo viên và tiến tới tập huấn cho học sinh, tổ chức các cuộc thi về môi trường, làm tham vấn nhóm cho học sinh với các chủ đề: trung thực, tôn trọng, yêu thương, hợp tác.

 

Và việc tổ chức cho học sinh tham quan hội chợ ẩm thực chay 3 miền Bắc - Trung - Nam đầu năm nay chính là một trong những hoạt động mang tính chất “phòng ngừa” mà phòng tâm lý học đường của trường đã tiến hành. Qua các thông điệp mà chương trình mang lại, các em hiểu rõ môi trường mà chúng ta sống đang bị hủy hoại nghiêm trọng và việc bảo vệ môi trường đang là vấn đề cấp bách của chính mỗi cá nhân. Chung tay trong hoạt động bảo vệ môi trường, các em sẽ có một hoạt động tập thể, gắn kết, tương trợ lẫn nhau, từ đó giúp các em hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn. Môi trường đó cũng sẽ giúp các em học tập, rèn luyện để phát triển một nhân cách hoàn thiện hơn.

 

“Đứng trên cương vị là một giáo viên, tôi không biết học sinh của mình có ai chọn cách ăn chay hay cách nào khác để bảo vệ môi trường nhưng tôi tin các em đều hướng thiện, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn”, cô Mạnh Linh chia sẻ.

 

Thu Phương