TS. Nguyễn Thị Lan Anh:

Người thầy "2 trong 1", miệt mài từ giảng đường đến bệnh viện

Nguyễn Phương Thảo

(Dân trí) - Nghề điều dưỡng được ví là "nghề làm dâu trăm họ", bởi tính chất công việc là phải chăm sóc, phục vụ người bệnh một cách tận tình nhất. Nhọc nhằn là vậy nhưng với tình yêu nghề, họ đã vượt lên tất cả.

Nói đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh, người ta thường nghĩ ngay đến đội ngũ y, bác sĩ - những người trên tuyến đầu phòng, chống và điều trị dịch bệnh. Thế nhưng ít ai biết rằng, phía sau thành công của y, bác sĩ là những hy sinh, đóng góp thầm lặng của những người điều dưỡng.

Nhân ngày "Thầy thuốc Việt Nam" chúng tôi có dịp trò chuyện với một điều dưỡng viên "đặc biệt", nghe cô tâm sự về nghề thầy giáo và cả sứ mệnh làm người thầy thuốc của mình.

Người thầy 2 trong 1, miệt mài từ giảng đường đến bệnh viện - 1
Dù còn khá trẻ, sinh năm 1976, song hiện nay TS Nguyễn Thị Lan Anh đã nắm giữ khá nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống y khoa, đặc biệt là trong lĩnh vực điều dưỡng. (Ảnh: NVCC)

Trân trọng công việc từ sự tin tưởng của người bệnh

Nhắc đến Phòng điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai ở thời điểm hiện tại, chắc hẳn bệnh nhân, sinh viên Y, Điều dưỡng đều sẽ biết đến TS Nguyễn Thị Lan Anh.

Ban đầu, khi ngỏ ý muốn xin được phỏng vấn, TS Lan Anh đã nói với chúng tôi rằng: "Mình thì có gì đâu mà để tôn vinh còn nhiều cán bộ đóng góp nhiều hơn mình mà". Chính câu nói ấy lại càng khiến chúng tôi thêm kính trọng hơn người thầy thuốc này.

Dù hiện tại thành công là thế, song ít người biết rằng đã từng có một Trưởng phòng Điều dưỡng vốn không hề thích nghề này đến vậy.

Người thầy 2 trong 1, miệt mài từ giảng đường đến bệnh viện - 2
Chia sẻ về cơ duyên đến với ngành Y và đặc biệt là ngành Điều dưỡng, đồng chí Lan Anh kể rằng bố mẹ cô đều là bác sĩ tốt nghiệp đại học Y Hà Nội, vậy nên nghề y là do bố mẹ định hướng. Nhưng tuy nhiên con đường đến với nghề Điều dưỡng lại khá gian nan. (Ảnh: NVCC)

TS Lan Anh cho biết, trong công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh, người điều dưỡng đóng vai trò rất quan trọng, ngoài việc thực hiện các y lệnh của bác sĩ, còn trực tiếp tiếp xúc, thăm hỏi động viên, chăm sóc người bệnh, lo lắng từ bữa ăn, giấc ngủ, thậm chí cả vệ sinh cá nhân hàng ngày của người bệnh.

"Phải làm việc ở đây, tôi mới thấy rằng ngành nghề này vất vả vô cùng. Chưa kể mặc cảm tự ti vì nghề là Điều dưỡng thay vì bác sĩ, lại càng khó để nói là dễ chấp nhận.

Khi ấy nếu có ai đó hỏi tôi có yêu nghề Điều dưỡng không thì câu trả lời của tôi hoàn toàn là "không". Nhưng rồi mọi thứ đã thay đổi 360 độ khi tôi ra trường và đi làm với vai trò giảng viên kiêm nhiệm tại bệnh viện với vai trò như Điều dưỡng viên thực thụ", cô chia sẻ.

Người thầy 2 trong 1, miệt mài từ giảng đường đến bệnh viện - 3
Đợt dịch covid bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh, TS Lan Anh (ngoài cùng bên phải) đã vào dã chiến 16 cùng với Lãnh đạo bệnh viện, phòng ban chức năng và gần 200 điều dưỡng cả ở Bạch Mai và các bệnh viện tăng cường cho Bạch Mai thiết lập trước khi đón người bệnh covid-19 vào điều trị. (Ảnh: NVCC)

Sự tin tưởng của người bệnh ngay từ những lần "chạm ven" đầu tiên đã khiến nữ điều dưỡng trẻ năm ấy trân trọng công việc này hơn bao giờ hết.

Đồng chí Lan Anh bồi hồi nhớ lại: "Tôi vẫn nhớ lần truyền dịch cho một em nhỏ khoảng 14 -15 tuổi. Hôm đó, vì 13 giờ 15 phút phải có mặt tại giảng đường nên tôi không kịp truyền cho em ấy. Khi tôi sắp rời đi, người mẹ của bệnh nhân đó đã níu tôi lại và nói: "Cô truyền giúp cho cháu nhé".

Lời đề nghị của người mẹ ấy khiến tôi có chút ngỡ ngàng. Bất giác tôi hỏi theo phản xạ "Sao vậy bác? Cháu đã xin phép và giải thích với bác và em vì lý do có giờ dạy, cần quay về trường ngay và sẽ có 1 điều dưỡng khác thực hiện thay việc này". Nhưng đôi bàn tay người phụ nữ ấy như muốn kéo tôi trở lại phòng bệnh "Cô giúp tôi với, cháu nhà tôi chỉ cảm thấy an tâm khi cô truyền thuốc cho cháu thôi".

Nghe đến đây, chắc mọi người sẽ nghĩ tôi là một người có bàn tay "vàng", "trăm lần chọc ven trăm lần trúng" nhưng thú thực đó chỉ mới là buổi thứ 2 tôi thực hiện thuốc trên bệnh nhân này. Tôi vẫn nhớ buổi hôm trước, khi truyền tôi cũng phải đưa kim đến lần 2 mới vào được lòng tĩnh mạch, vậy mà bác ấy vẫn tin tưởng tôi tuyệt đối. Tôi tự hỏi liệu phải chăng kỹ năng của mình giúp cho người bệnh yên tâm hay còn yếu tố nào khác", đồng chí Lan Anh tâm sự.

Từ khoảnh khắc đó cô nhận ra mình có ý nghĩa với người khác như thế nào và cảm giác họ cần mình ra sao, những suy nghĩ về công việc tưởng chừng như thấp kém này bỗng biến tan.

"Tôi nhận ra rằng nghề nào cũng vậy cho dù là bác sĩ hay điều dưỡng thì việc đó không quan trọng bằng sự nhìn nhận ý nghĩa công việc mà mình đang làm đem lại gì cho người bệnh. Đây là lần đầu tiên tôi thấy nghề mình cao quý đến vậy, bản thân nhẹ nhõm thoải mái hơn khi chấp nhận nghề Điều dưỡng mà trước đây tôi chưa bao giờ muốn theo đuổi", cô chia sẻ.

Dù đã hơn 20 năm công tác trong ngành, nhưng trong ký ức của người "thầy" ấy vẫn bồi hồi như ngày nào. Nhớ lại những ngày đầu đến với công việc điều dưỡng, đồng chí Lan Anh không giấu nổi cảm xúc nghẹn ngào: "Mọi thứ khi ấy thật "bỡ ngỡ", dù đã được trang bị kiến thức khi ở trường nhưng vẫn choáng ngợp bởi có quá nhiều thứ mới mẻ, có nhiều điều không giống như mình đã học".

Với tinh thần học hỏi và quan sát không ngừng, ban ngày tham gia phụ các anh chị em điều dưỡng tại khoa, đến tối về lại giở sách ra đọc và học thêm. Dần dần "cô nữ sinh điều dưỡng" ngày nào đã trưởng thành và trở thành một biểu tượng của ngành nghề thầm lặng này.

Người thầy "2 trong 1", miệt mài từ giảng đường đến bệnh viện

Nếu như những thầy thuốc thông thường lo cứu người thì những thầy thuốc kiêm thầy giáo, họ vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn vừa phải truyền đạt kiến thức, kỹ năng để đào tạo ra những học viên "vừa sáng về y đức, vừa giỏi về y thuật".

Người thầy 2 trong 1, miệt mài từ giảng đường đến bệnh viện - 4
Điều khiến nữ điều dưỡng này càng thêm yêu và tự hào về nghề hơn bao giờ hết khi cô được làm một người thầy gieo "con chữ". (Ảnh: NVCC)

"Nhiều em sinh viên sau khi ra trường đã tâm sự với tôi. Tôi nhớ có 1 bức thư em ấy hỏi sao tôi có thể yêu nghề đến vậy? Em ấy cảm thấy nản cho nghề nghiệp của mình và không nghĩ sẽ sống tiếp với nghề này được nữa và xin tôi lời khuyên.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi nhận được thư của sinh viên ra trường cần sự tư vấn. Tôi cảm động vì các em ấy vẫn tin tưởng mình, vẫn nghĩ đến mình như nơi muốn nương tựa, nhận thư tôi mừng lắm. Đây cũng là lúc tôi thấy ý nghĩa của vai trò giáo viên.

Để so sánh với nghề bác sĩ thì khó có thể nói đã được xã hội nhìn nhận và coi trọng một cách xứng đáng. Song tôi biết ơn vì đã có cơ hội được đảm nhiệm cả 2 vai trò này. Cả 2 vị trí đều cho tôi những bài học, kinh nghiệm và những cảm xúc riêng.

Chính sự tin tưởng, yêu thương của các em sinh viên là động lực giúp tôi đến giảng đường. Tôi muốn truyền dạy lại tất cả những kiến thức cũng như kinh nghiệm tôi có đến các em", TS Lan Anh tâm sự.

Có dịp hỏi thăm về TS Lan Anh với mấy bạn sinh viên đã từng được cô giảng dạy, ai nấy đều rất tự hào vì được là học trò của cô. Theo như các bạn nhận xét cô Lan Anh rất hiền, vui tính và nhiệt tình với sinh viên. Cô là một tấm gương sáng, giúp những sinh viên Điều dưỡng thêm tin yêu vào công việc thầm lặng này.

Những người thầy thuốc kiêm thầy giáo là một người thầy thật đặc biệt. Khi được hỏi có bao giờ hối hận khi chọn nghề "2 trong 1" đầy thách thức này không thì câu trả lời của họ là "không". Họ luôn cố gắng hết mình làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc - thầy giáo với nhiều niềm hy vọng và tự hào.

Người thầy 2 trong 1, miệt mài từ giảng đường đến bệnh viện - 5
TS Lan Anh (thứ 3 từ trái sang) đã có 3 lần được sinh viên bình chọn giảng viên được sinh viên yêu thích . (Ảnh: NVCC)

Áp lực tạo nên kim cương

Mỗi công việc có những khó khăn riêng. Với nghề điều dưỡng có những khó khăn chung như nhận thức về nghề, vai trò điều dưỡng, kỹ năng chăm sóc người bệnh nhưng về nguyên tắc cơ bản dù ở 2 vai khác nhau là thầy giáo - thầy thuốc thì vẫn đòi hỏi tính chuyên nghiệp khi làm việc.

TS Lan Anh cho biết, Bạch Mai là một bệnh viện lớn hạng đặc biệt và cũng là 1 trong các cơ sở lâm sàng của trường ĐH Y nên cũng khá thuận lợi khi cô có thể đóng 2 vai vừa là giảng viên vừa làm công tác quản lý Điều dưỡng tại bệnh viện.

"Tất nhiên không thể nói công việc thực sự dễ dàng bởi nhiều lần lịch trường và lịch công tác của bệnh viện chồng chéo. Đặc biệt trong thời kỳ covid thì lịch họp đột xuất cho công tác tiêm chủng, xét nghiệm sàng lọc hay tham mưu điều động nhân lực cho đơn vị điều trị F0 là không tránh khỏi.

Tuy vậy được sự ủng hộ nhiệt tình của hầu hết anh chị em là điều dưỡng trưởng khoa, viện, trung tâm cũng như sự hỗ trợ của phòng Điều dưỡng và các cán bộ đang công tác tại khoa Điều dưỡng - Hộ sinh nên tôi luôn đáp ứng tối đa đòi hỏi của công việc ở cả hai nơi" - TS Lan Anh nói.

Bận rộn công việc, cùng lúc làm nhiều chức vụ vậy nên không tránh khỏi những lúc quá tải. Người "thầy" ấy tâm sự rằng đã hơn 5 nay chưa bao giờ có thời gian nghỉ hè như các giáo viên khác hay nghỉ phép ở bệnh viện.

Nghề điều dưỡng được ví là "nghề làm dâu trăm họ", bởi tính chất công việc của họ là phải chăm sóc, phục vụ người bệnh một cách tận tình nhất. Nhọc nhằn, áp lực là vậy nhưng với tình yêu nghề, họ đã vượt lên trên tất cả, chấp nhận hy sinh những khoảng thời gian của riêng mình, họ làm với cái tâm của một người yêu nghề, tự hào về công việc ý nghĩa mình đang làm. Họ như những bông hoa thầm lặng trong vườn hoa y tế.

"Công việc này là vậy, áp lực rất lớn, phải đối mặt với những rủi ro nhưng những điều dưỡng chúng tôi vẫn gắn bó với nghề vì công việc của mình sẽ giúp nhiều người bệnh nặng hồi phục. Nhìn nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc của thân nhân khi đón nhận lại người thân vừa bước qua cửa tử, chúng tôi rất hạnh phúc", chị Lan Anh nói.

Có thể nói nghề y là một nghề cao quý nhất trong tất cả những nghề cao quý. Không chỉ vì nó đòi hỏi phải vững về kiến thức chuyên môn và còn phải có cả cái tâm y đức trong đó.

Người thầy 2 trong 1, miệt mài từ giảng đường đến bệnh viện - 6
Mới đây, TS Lan Anh tiếp tục vinh dự được nhận bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021.(Ảnh: NVCC)

Với TS Lan Anh, y đức của người thầy thuốc thể hiện qua tác phong, thái độ làm việc và cả chuyên môn của người thầy thuốc đó. "Chân -Thiện - Mỹ" là 3 giá trị cốt lõi về y đức mà mình nghĩ ở bất kỳ một người thầy thuốc dù đang ở cương vị gì cũng đang muốn hướng tới. Và khi làm việc thì hãy làm bằng cái tâm, lấy kết quả công việc làm thước đo năng lực bản thân.

"Tôi mong rằng tất cả các em sinh viên Điều dưỡng, các Điều dưỡng viên dù đang ở bất cứ vị trí nào cũng sẽ luôn vững tin và hãy tâm niệm "học tập là suốt đời" để cùng nhau phấn đấu đưa nghề Điều dưỡng Việt nam ngày càng chuyên nghiệp và nhân văn", TS Lan Anh nhắn gửi.

Cũng nhân ngày "Thầy thuốc Việt Nam" thay mặt tập thể Báo Dân Trí nói riêng và độc giả nói chung; chúng tôi xin dành sự tri ân, kính trọng sâu sắc nhất đến toàn bộ các y bác sĩ, điều dưỡng viên, lực lượng đội ngũ y tế sẽ có thật nhiều sức khỏe, công tác tốt và luôn là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân.