Ngủ gục trong giờ thi và cái lay vai "dậy đi" của giám thị

Hoài Nam

(Dân trí) - Sự việc nam sinh ở Cà Mau bị điểm 0 vì ngủ quên trong phòng thi, khiến nhiều người nhớ về ký ức ngủ gục và cách ứng xử của nhiều giám thị.

"Em cần giúp đỡ gì không?"

Chị Phan Thanh Nhàn, ngụ ở quận 3, TPHCM bày tỏ không đồng tình với ý kiến phê phán thí sinh ở Cà Mau là "thiếu trách nhiệm với chính bản thân". 

Việc ngủ gục trong một khoảnh khắc nhất định có thể đến từ nhiều lý do, xuất phát từ yếu tố sức khỏe hoặc từ những điều không ai lường được. Bản thân chị Nhàn mắc huyết áp thấp, nhiều lúc cũng ngủ gục mà không kiểm soát được. 

Ngủ gục trong giờ thi và cái lay vai dậy đi của giám thị - 1

Thí sinh ở Cà Mau bị điểm 0 tiếng Anh vì ngủ gục trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh chụp lại màn hình).

Chị nhớ lại, bản thân cũng từng ngủ gục trong khi làm bài môn Hóa ở kỳ thi đại học năm 2003, dù trước đó chị không thức khuya, rất chú ý giữ sức khỏe. Đọc đề xong, cô học trò năm đó gục đầu xuống bàn để suy ngẫm rồi ngủ lúc nào không hay. Khoảng 10 phút sau, giám thị đặt tay lên vai thí sinh, nói: "Dậy đi!".

Lúc đó, chị Nhàn mới choàng tỉnh, vội vàng làm bài. Cái lay vai của cô giám thị năm đó đã phần nào giúp chị bước chân vào giảng đường đại học, thực hiện ước mơ của mình. Nếu năm đó rớt, chưa chắc Nhàn có điều kiện thi lại vào năm sau. 

"Năm sau thi lại" với nhiều người, nhiều gia đình có thể nhẹ nhàng với nhiều học sinh, nhiều gia đình chưa chắc có cơ hội. 

Anh Nguyễn Quang Phong, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, bản thân cũng từng "gục" trong phòng thi không còn biết trời đất gì. Sau đó, chính giám thị đã đánh thức anh dậy, gợi ý ra nhà vệ sinh để rửa mặt lại cho tỉnh táo...

Theo anh Phong, khi đó giám thị thấy thí sinh nào gục xuống bàn một lúc đều sẽ lại kiểm tra. Không chỉ tình huống thí sinh ngủ quên mà còn có thể có vấn đề sức khỏe hoặc biết đâu đang quay cóp tài liệu.

Hay trường hợp nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, khi thi THPT quốc gia nhiều năm trước cũng gục xuống bàn ngủ 15 phút cho đến khi giám thị đến hỏi: "Em có cần chăm sóc y tế không?".

Ước gì giám thị... gọi một câu 

Ngọc Trâm, cựu sinh viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội kể, hồi đó thi khối C nên đến sát ngày vẫn cố "nhồi" thêm kiến thức. Trước hôm thi môn sử, chị thức ôn bài đến quá nửa đêm, đọc đến phần chiến tranh Ấn Độ thì ngủ mất. 

Ngủ gục trong giờ thi và cái lay vai dậy đi của giám thị - 2

Nhiều học sinh mệt mỏi, thiếu ngủ vì áp lực thi cử (Ảnh minh họa: Hải Long).

"Ngày hôm sau thi, phần thế giới vào luôn câu chiến tranh Ấn Độ. Nhưng vì quá mệt, mình chỉ viết được vài câu thì ngủ mất. Lúc giật mình tỉnh dậy đã gần hết giờ", chị Trâm nhớ lại.

Năm ấy, chị được 4 điểm môn sử. Chị nhớ mãi mình đã ước giám thị có thể gọi một tiếng, hoặc gõ nhẹ lên bàn để mình có thể tỉnh dậy 

Thí sinh ngủ gục trong phòng thi không phải là trường hợp hiếm. Trên thực tế, rất nhiều người đã trải nghiệm những khoảnh khắc đi vào giấc ngủ ngay trong giờ thi. 

Điều này có thể xuất phát từ vấn đề sức khỏe, thiếu ngủ vì học tập cùng tâm lý căng thẳng. Trước các kỳ thi, việc ôn thi áp lực với nhiều tác động về tâm lý là điều nhiều học sinh phải đối mặt, các em cũng cần được hỗ trợ, chia sẻ. Các em có thể có sai sót nhưng giám thị hoàn toàn có thể hỗ trợ trong khả năng, trách nhiệm và cả lương tâm của mình.

Từng coi thi, cô giáo Lê Thị Hữu Tâm ở Kiên Giang, cho biết mình từng gặp nhiều trường hợp học sinh "gục" trong giờ làm bài và cô luôn nhắc nhở chứ không để mặc thí sinh muốn làm gì thì làm.

Nhiều người viện do quy chế, giám thị không được đến gần hay nhắc nhở thí sinh trong phòng thi, cô Tấm nhấn mạnh "không nhắc nhở" ở đây là ý không được chỉ cho thí sinh làm bài, chứ không phải để thí sinh thích làm gì thì làm, không thích thì ngủ trong phòng thi. 

Quy chế không cho giám thị đi tới đi lui trong khi thí sinh làm bài, là để không "gà bài" cho thí sinh và làm các em mất tập trung chứ không có quy chế nào không cho giám thị nhắc nhở khi thấy biểu hiện bất thường.

Ngủ gục trong giờ thi và cái lay vai dậy đi của giám thị - 3

Giám thị cần bao quát những bất thường của thí sinh (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo cô Tâm, việc dẫn quy chế là ngụy biện cho hành động thiếu trách nhiệm của giám thị.

Chị Ngọc Trâm cho rằng, về lý giám thị không sai nhưng bên cạnh cái lý còn là cái tình. Việt Nam là dân tộc trọng tình.

Như Dân trí đã đưa tin, vào buổi thi môn tiếng Anh (ngày 8/7), thí sinh H.N.T. (học sinh trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, TP Cà Mau) nhận đề thi rồi làm bài ở giấy nháp trong khoảng 15 phút, sau đó gục xuống bàn ngủ quên.

Đến khi hết giờ, giám thị thu bài, thí sinh T. chưa viết vào đáp án. Do nộp giấy trắng nên thí sinh này bị điểm 0.

Tổng điểm các môn thi tốt nghiệp của em T. là 50,22 điểm. Được biết, em T. là học sinh giỏi và nằm trong đội tuyển môn Vật lý của trường.