Ngôn ngữ chat vào đề thi Văn ở Kon Tum

(Dân trí) -Trước thực trạng nhiều học sinh đang lạm dụng sự “sáng tạo” nửa tây nửa ta vào trong giao tiếp hàng ngày, để nhắc nhở nhẹ các em, cô giáo Phạm Thị Hồng Loan đã đưa hiện tượng này vào đề thi cho Văn dành cho học sinh trên địa bàn huyện Sa Thầy, Kon Tum.

Trong đề thi học kì I diễn ra ngày 19/12/2013 của môn Ngữ Văn dành cho toàn bộ học sinh lớp 9 trên địa bàn huyện Sa Thầy, Kon Tum, ở câu 2 của đề thi (1 điểm) có ra câu hỏi với nội dung sau: “M0ther ui, hum n4i kon hk zia, k0n f4i h0k th3m”.

(Mẹ ơi, hôm nay con không về, con phải ở lại học thêm)

Mẹ bạn ấy than vãn: “Đọc tin của con như đọc… mật thư, không hiểu tin nhắn của con”.

Bạn trẻ trong tình huống trên đã dùng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ teen với mẹ. Nhận xét về từ ngữ xưng hô và cách sử dụng từ Tiếng Việt, em rút ra bài học gì trong giao tiếp?”.

“Chủ nhân” của đề thi này là cô Phạm Thị Hồng Loan (27 tuổi), giáo viên Trường THCS Chu Văn An (xã Ia Xiêr, huyện Sa Thầy, Kon Tum). Cô Loan chia sẻ, bản thân cô làm công tác chủ nhiệm lớp, thỉnh thoảng trong tiết dạy của mình, cô bắt gặp học sinh truyền cho nhau những mẩu giấy với các “ký tự” tương tự trên, nhưng cô không thể dịch ra những bức “mật thư” trên viết gì. Rồi trong giao tiếp hàng ngày, các em học sinh vẫn sử dụng những “ký tự” này để nhắn tin cho người khác. Và đặc biệt là trên các trang mạng xã hội thì các “ký tự” trên được sử dụng tràn lan…

Không chỉ dùng các “ký tự” trên trao đổi với nhau, mà các bạn trẻ còn vận dụng nó vào trong sự giao tiếp với người lớn tuổi và cha mẹ mình, khiến các bậc phụ huynh “hoa mắt” đọc mãi mà vẫn không hiểu được gì. Và điều bất ngờ nhất mà cô Loan chia sẻ trong đề thi trên khi đoạn “mật thư” chính là nội dung mà em trai cô nhắn tin qua điện thoại cho mẹ cô. Nhận được tin nhắn của con trai, mẹ cô đọc hoa cả mắt mà vẫn không biết nội dung viết gì nên đã nhờ cô Loan dịch. Đọc đi đọc lại nhưng cô Loan cũng đành bó tay trước dòng tin “nửa tây, nửa ta” của em mình.

“Việc tạo từ ngữ mới này nếu sử dụng lâu thì sẽ trở thành thói quen, mà khi trở thành thói quen rồi thì rất khó bỏ. Và vô tình nó dễ làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt”, cô Loan tâm sự. Chính vì vậy, cô đã đưa vấn đề này vào đề thi không phải để phê phán các em mà nó như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với các em trong việc “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”, và khi nói hoặc viết phải rõ ràng, rành mạch để người nghe, người đọc có thể hiểu vấn đề.

Và mục đích chính của đề thì chính là giúp các em vận dụng những kiến thức đã học về tổng kết từ vựng, tạo từ ngữ mới… để nói lên vấn đề; qua đó học sinh sẽ ý thức được một điều rằng không phải ai cũng biết những “ký tự” trên, không nên sử dụng nó với người lớn… và cuối cùng là nhắc nhở các em nên giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Không nên làm méo mó Tiếng Việt, mượn tiếng nước ngoài một cách tùy tiện…

Và câu hỏi trên trong đề thi vừa bám sát kiến thức trong sách giáo khoa về vấn đề sử dụng Tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt và vừa là thực trạng diễn ra trong đời sống của các em học sinh. Vậy nên, sau khi được ra đề thi trên, các em học sinh tỏ ra rất thích thú, các em làm bài khá tốt, bản thân các em cũng đã nhận xét được vấn đề trong bài làm của mình.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Trần Đình Huân - Trưởng phòng Giáo dục huyện Sa Thầy cho biết, cô Loan là giáo viên dạy giỏi, chuyên môn tốt, ngay cả trong giao tiếp cô cũng rất giỏi. Bản thân thầy Huân cũng thấy đề thi trên hay và đề phù hợp với chương trình chuẩn.

Thiên Thư