Hậu Giang:

Ngời sáng những tấm gương khuyến học, hiếu học

(Dân trí) - Sở GD-ĐT Hậu Giang vừa tổ chức vinh danh những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Trong số này có lãnh đạo các đơn vị giáo dục, các nhà giáo hết lòng vì học sinh nghèo cùng những học sinh vượt qua khó khăn, vươn lên học tốt.

Là một lãnh đạo Phòng GD-ĐT, bản thân ông Nguyễn Văn Hiền (Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành) trong 5 năm qua đã phối hợp với Hội Khuyến học địa phương vận động được hơn 4 tỷ đồng, hỗ trợ trên 10.000 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

Như ông Phạm Văn Phân (Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quí Đôn) đã có giải pháp hiệu quả trong việc vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho học sinh khó khăn, học giỏi. Trong trong 5 năm, ông Phạm Văn Phân đã vận động hàng chục ngàn quyển tập, học bổng, bộ quần áo; 12 tấn gạo, 45 chiếc xe đạp, 130 thùng mì gói, 20 cặp học sinh, 200 cây viết và  370 triệu đồng tiền mặt, với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng. 

Hay ông Trần Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Khuyến, thị xã Ngã Bảy) thời gian qua đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các cơ quan, doanh nghiệp… hỗ trợ cho học sinh nghèo, có nguy cơ bỏ học, có hoàn cảnh khó khăn và tặng học bổng cho học sinh học giỏi. Trong năm qua, ông Dũng đã vận động xã hội hóa để tặng quà và học bổng cho học sinh trị giá trên 444 triệu đồng.

Cũng là một Hiệu trưởng, ông Trần Văn Mới (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Thị xã Ngã Bảy) thực hiện nhiều mô hình trong quản lí giáo dục được đánh giá đạt hiệu quả cao. Trong đó có mô hình vận động tổ chức, cá nhân nuôi những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang học phổ thông, ĐH, CĐ. Đến nay đã có 13 học ssinh được nuôi học ở các trường ĐH, CĐ. Bản thân ông Mới nuôi một học sinh trong 3 năm học ở phổ thông và vận động cho em này trên 50 triệu đồng để tiếp tục học ĐH. Ngoài ra còn giới thiệu nhiều học sinh ra trường có việc làm. Trong năm 2014, ông Mới cũng vận động mỗi Đảng viên giáo viên của chi bộ đỡ đầu ít nhất một học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Là một giáo viên, dù gia đình khó khăn nhưng cô Nguyễn Thị Hồng Phượng (Trường THPT Tân Phú, huyện Long Mỹ) đã đỡ đầu 10 lượt học sinh nghèo vượt khó, học tốt; trong đó có 1 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có cha mẹ, bị người thân hất hủi. Em học sinh này đã thi đậu vào ĐH Cần Thơ.

Cùng là giáo viên được tuyên dương, thầy Nguyễn Hải Sơn (Trường THCS Phú Hữu, huyện Châu Thành) thời gian qua đã vận động nhà hảo tâm sửa chữa, xây dựng nhà cho học sinh nghèo trị giá trên 40 triệu đồng. Hàng năm, thầy vận động giáo viên trích lương hàng tháng trợ cấp cho 4 học sinh nghèo (mỗi em 500.000 đồng/năm) bằng cách trợ cấp hàng tháng. Vận động các mạnh thường quân, giáo viên và học sinh của trường tặng 18 áo trắng cho học sinh nhân dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, thầy Sơn còn tham gia viết bài trình bày hoàn cảnh học sinh nghèo lên chương trình “Khát vọng sống” và được tài trợ hơn 100 triệu đồng giúp đỡ gia đình học sinh vượt qua khó khăn, tiếp tục cắp sách đến trường.

Ngời sáng những tấm gương khuyến học, hiếu học
Em Võ Văn Kiệt là một gương sáng điển hình cho nghị lực học sinh vượt khó học tốt của tỉnh Hậu Giang.

Một trong những gương điển hình trong học sinh ở Hậu Giang đặc biệt có em Võ Văn Kiệt (HS lớp 11C- Trường THPT Lê Quý Đôn, TX Ngã Bảy) là một học sinh khuyết tật. Năm 2009, khi đang là học sinh lớp 7, em Kiệt chẳng may bị một tai nạn điện khiến em mất đi đôi tay. Nhưng bằng chính nghị lực của mình, sau khi điều trị thương tật, không còn tay, em Kiệt đã kiên trì luyện viết bằng đôi chân. Với cố gắng của bản thân, Kiệt luôn đạt học lực giỏi. 

Năm 2012, em Võ Văn Kiệt được mời ra Hà Nội dự hội nghị “Những trẻ em khuyết tật đã vượt khó học tốt”. Tại đây, em đã dùng đôi chân của mình vẽ bức tranh phong cảnh quê hương để tặng Chủ tịch nước và đã được Chủ tịch nước khen ngợi. Trong năm học 2014 - 2015 này, Kiệt không chỉ học giỏi mà còn tham gia cuộc thi thiết kế đồ dùng dạy học, thiết kế phần mềm cấp trường. Và hiện nay, điều mà Kiệt làm cho mọi người bất ngờ nhất chính là em viết được chữ bằng chính 2 khuỷu tay tật nguyền của em.

Trong khi đó, em Phạm Quốc Trị (HS lớp 12, Trường THPT Long Mỹ, huyện Long Mỹ) được tuyên dương bằng chính hành động dũng cảm quên mình của em. Vào tháng 10/2012, khi trên đường đi học về, Trị thấy một em học sinh lớp 6 bị đuối nước do cầu gãy, không ngần ngại em đã nhảy xuống cứu sống em này trước sự cảm động của nhân dân địa phương và gia đình.

Đây chỉ là một số cá nhân điển hình của ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang, vẫn còn rất nhiều những cá nhân là những giáo viên, lãnh đạo các đơn vị giáo dục hay ngoài ngành có tinh thần trách nhiệm vì sự phát triển giáo dục địa phương. 

Huỳnh Hải
 

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!