Nghịch lý của học sinh nghèo khi xã cán đích nông thôn mới

Hoàng Lam

(Dân trí) - Học trò mang theo cơm trưa, nhà trường phải tổ chức lớp ghép tại bản xa để học sinh có thể tiếp tục đi học. Tình cảnh đang xảy ra tại Trường Tiểu học Hữu Kiệm khi xã này về đích nông thôn mới.

Trò nghèo nhớ bữa cơm có thịt

Hơn 11h, trong khi các học sinh thuộc bản Huồi Thợ và Đỉnh Sơn 1 (xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An) xếp hàng vào ăn cơm tại khu vực bếp ăn bán trú của trường thì cậu bé Xeo Văn Kiều (lớp 4) và bạn cũng mang bữa trưa ra ăn. Suất cơm trưa của Kiều là một nắm xôi nguội ngắt và miếng trứng rán, cũng chẳng cần thìa đũa gì, Kiều và bạn bốc ăn ngon lành.

Nghịch lý của học sinh nghèo khi xã cán đích nông thôn mới - 1

Xeo Văn Kiều (áo xanh) đang ăn bữa cơm trưa mang theo. Từ khi xã Hữu Kiệm đạt chuẩn nông thôn mới, chế độ bán trú dành cho những học sinh như Kiều bị cắt.

Nhà Kiều ở bản Khe Tì, cách trường hơn 6 cây số. Từ trước tới nay, em ăn bán trú tại trường theo chương trình hỗ trợ học sinh xã miền núi nghèo. Từ tháng 7/2021, xã Hữu Kiệm về đích nông thôn mới, chỉ còn học sinh 2 bản nghèo là Huồi Thợ và Đỉnh Sơn 1 là đối tượng được hưởng chế độ bán trú, học sinh các bản còn lại bị cắt chế độ này.

Cô Hoàng Thị Tường, phụ trách lớp ghép 4-5 tại bản Đỉnh Sơn 2 buồn rười rượi: "Lớp 5 có 10 học sinh thì một em qua đời, một em ở với bà, hiện đang nghỉ học vì không được hưởng chế độ bán trú. Chúng tôi vận động nhiều lần nhưng chưa ra lớp". Nỗi lo mất học trò hiện hữu trong tâm trí cô giáo.

Nghịch lý của học sinh nghèo khi xã cán đích nông thôn mới - 2

Bữa cơm trưa của Kiều thường chỉ có xôi và trứng, họa hoằn lắm mới có bữa được ăn thịt.

Nếu như các 4 năm trước, cứ sáng thứ 2 cô bé Lương Thị Cảnh (bản Đỉnh Sơn 2) được bố hoặc mẹ chở lên trường, đến cuối tuần đón về thì từ đầu năm học, Cảnh phải học tại lớp ghép trong bản. "Con thích đi học bán trú hơn. Đi học được ăn cơm thịt, cơm cá", cô bé hồn nhiên trả lời.

Đề nghị bảo lưu chế độ bán trú cho học sinh

Tháng 7/2021, xã Hữu Kiệm trở thành xã đầu tiên của một trong những huyện nghèo nhất nước cán đích nông thôn mới. Tuy nhiên, ngay sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới thì một số chính sách hỗ trợ người dân và học sinh bị cắt, trong đó có chế độ bán trú dành cho học sinh nghèo dân tộc thiểu số.

Nghịch lý của học sinh nghèo khi xã cán đích nông thôn mới - 3

Năm học 2021-2022, nhà trường tổ chức ăn bán trú cho 98 học sinh. Đây là các học sinh thuộc 2 bản Đỉnh Sơn 1 và Huồi Thợ - 2 bản còn lại được hưởng chế độ bán trú.

Theo thầy Nguyễn Nhật Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Kiệm, năm học này nhà trường có tất cả 418 học sinh thì chỉ có 98 học sinh ở hai bản Huồi Thợ và Đỉnh Sơn 1 vẫn được duy trì chế độ bán trú như các năm trước.

Việc bị cắt chế độ bán trú đối với học sinh đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động trẻ đến trường. Với các bản nằm dọc tuyến Quốc lộ 7, mặc dù quãng đường xa nhưng giao thông thuận tiện hơn, nhà trường vận động phụ huynh đưa đón hay vận động các tổ chức thiện nguyện tặng xe đạp để các em có thể tự đi về. Tuy nhiên, bản xa nhất là Đỉnh Sơn 2, việc huy động học sinh đến trường không thể thực hiện được.

Nghịch lý của học sinh nghèo khi xã cán đích nông thôn mới - 4

Thầy Nguyễn Nhật Nga - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hữu Kiệm: Liệu có cơ chế riêng hay bảo lưu chế độ bán trú cho học sinh ở các bản xa không?

Trong khi đó, 100% học sinh của bản Đỉnh Sơn 2 là người dân tộc Khơ Mú, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa. Việc vận động phụ làm lán tạm để học sinh mang gạo, thức ăn ra ở gần trường không thể thực hiện được, trong khi đó khả năng của nhà trường khó có thể lo cho tất cả các em nơi ăn, chốn ở. Cùng 2 lớp 1-2 được tổ chức tại bản Đỉnh Sơn 2, nhà trường phải bố trí 3 lớp ghép cho 19 học sinh khối 3-4-5, mặc dù theo kế hoạch từ trước năm học, toàn bộ học sinh này phải đến điểm trường chính để học.

"Đến thời điểm này, với sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền địa phương, nhà trường, giáo viên cắm bản, việc duy trì đến lớp cho các em ở bản Đỉnh Sơn 2 vẫn đang được đảm bảo. Tuy nhiên, năm học tiếp theo, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh từ lớp 3 phải được học tiếng Anh và tin học, nếu để các em học trong bản thì không thể đảm bảo chương trình, mà đưa các em ra dựng lều lán để các em tự túc thì rất khó.

Nghịch lý của học sinh nghèo khi xã cán đích nông thôn mới - 5

Nếu không có chế độ bán trú thì khó duy trì các lớp học tại bản Đỉnh Sơn 2, nơi có 100% học sinh là người dân tộc Khơ Mú.

Tháo gỡ vấn đề này ngoài khả năng của trường, chúng tôi cũng đã có nhiều văn bản đề xuất nhưng chưa được giải quyết. Liệu có thể có ngoại lệ hay bảo lưu chế độ cho các cháu không?. Nếu tình trạng này kéo dài nguy cơ các cháu bỏ học rất cao", thầy Nguyễn Nhật Nga trăn trở.