TPHCM:

Nghị trường “nóng” vì lệnh cấm dạy thêm trong nhà trường

(Dân trí) - Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra vào chiều ngày 4/8, đại biểu HĐND dành câu hỏi chất vấn ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM về chủ trương cấm dạy thêm, học thêm trong trường học.

Hầu hết các câu hỏi của các đại biểu dành cho ông Lê Hồng Sơn tại kỳ họp đều đề cập đến vấn đề cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà ngành giáo dục TPHCM đang thực hiện.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung bày tỏ, hiện Sở GD-ĐT TPHCM đã có chỉ đạo không dạy thêm học thêm trong nhà trường, các trường đang từng bước triển khai. Điều này làm các đại biểu, phụ huynh và học sinh rất băn khoăn.

Nhất là khi chương trình chưa giảm tải, 45 phút các em chỉ có thể tiếp thu được kiến thức cơ bản, không chuyển tải được các bài chuyên sâu, nhất là ở bậc học THPT. Như kỳ thi năm nay có sự phân hóa rất cao, để làm được bài rất khó khăn. Cấm trong trường, thì tới đây trung tâm bên ngoài sẽ nở rộ vì thực tế học sinh có nhu cầu ôn luyện để thi cử.


Hầu hết các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn đều có câu hỏi liên quan đến việc cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Hầu hết các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn đều có câu hỏi liên quan đến việc cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Xét về tâm tư tình cảm của giáo viên, chúng ta cấm dạy thêm liệu có đảm bảo cho đời sống của giáo viên hay không? Rồi việc quản lý các trung tâm bên ngoài như thế nào? Sở có giải pháp và đề xuất gì với UBND cho những vấn đề này?

Nhiều đại biểu cũng thắc mắc về việc cấm dạy thêm trong nhà trường khi mà chương trình học, thi cử đăng nặng, chương trình học ở giờ chính khóa chưa đáp ứng được thực tế. Chưa kể đến việc Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT cho phép dạy thêm trong trường học thì TPHCM lại cấm. Rồi việc cấm dạy thêm trong nhà trường có thể ảnh hưởng đến đời sống của giáo viên khi đồng lương còn thấp, liệu họ có đảm bảo được cuộc sống không?

Ông Lê Hồng Sơn cho hay, chỉ đạo của Thành ủy và Công văn ngưng dạy thêm, học thêm trong nhà trường của UBND có một số nội dung chưa phù hợp với Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT. UBND thành phố đã có công văn gửi Bộ đề nghị cho phép điều chỉnh một số nội dung trong Thông tư 17. Bộ GD-ĐT đã trả lời không có điều chỉnh chung cho cả nước mà do đặc thù của TPHCM sẽ có những quyết định riêng.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Hà cho rằng học thêm trở thành nhu cầu đại trà của học sinh là vấn đề cần xem lại và khắc phục để trả lại môi trường bình thường cho giáo dục
Đại biểu Phạm Thị Hồng Hà cho rằng học thêm trở thành nhu cầu đại trà của học sinh là vấn đề cần xem lại và khắc phục để trả lại môi trường bình thường cho giáo dục

Sau đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã có công văn sẽ chấm dứt việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ năm học này.

Lý giải việc học thêm, dạy thêm trong nhà trường, ông Lê Hồng Sơn nói rằng xuất phát từ mâu thuẫn là học sinh phổ thông phải trải qua một kỳ thi chung vẫn do Bộ GD-ĐT ra đề, mỗi năm đề thi có mức độ phân hóa càng cao. Chính điều đó dẫn đến sự lo lắng của nhà trường, của phụ huynh, của học sinh.

Trong khi tiết dạy trên lớp không đủ, tiết dạy chỉ chuyển tải được lý thuyết cho học sinh, thiếu các tiết học nâng cao, thực hành đưa ứng dụng vào để học sinh có thể phân tích, nhớ sâu bài. Còn phía nhà trường có thể phân loại học sinh để tổ chức các em học thêm.


Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn trả lời chất vấn.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn trả lời chất vấn.

Xét về nhu cầu, em học yếu môn này thì học thêm để tiến bộ hơn, em học giỏi môn đó thì học để phát triển năng khiếu môn học đó, lĩnh vực đó là điều hoàn toàn bình thường.

“Tiêu cực của một số cá nhân trong dạy học thêm là có chứ không phải không, như việc lôi kéo học sinh học, phân biệt đối xử trong đánh giá trong cho điểm bài kiểm tra… nhưng đó không phải là phổ biến. Ngành giáo dục, hiệu trưởng có nhiều biện pháp để xử lý tình trạng này”, ông Sơn nói.

Sau khi nghe lãnh đạo ngành giáo dục trả lời, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy đặt câu hỏi: "Xin đồng chí hãy cho biết xuất phát từ lý do chính nào lại cấm dạy thêm trong nhà trường? Và tại sao vẫn cho học ở các trung tâm? Như vậy đây chỉ thay đổi về hình thức chứ không thay đổi về bản chất. Vậy khi đưa ra giải pháp này đã tham khảo ý kiến phụ huynh, dư luận hay chưa?".

Ông Lê Hồng Sơn đáp, trách nhiệm của Sở là phải thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố là ngưng tổ chức dạy thêm học thêm trong trường học. Học sinh, giáo viên có nhu cầu dạy học thêm có chuyển ra ngoài trung tâm bên ngoài nhà trường. Các công việc phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi ở nhà trường thì không thu học phí.

Người đứng đầu ngành giáo dục TPHCM cũng bày tỏ tâm tư, đội ngũ giáo viên ở TPHCM có thể nói chuyên môn, kiến thức rất tốt để tổ chức tiết dạy. Nhưng việc tổ chức thi cử theo kỳ thi chung còn tạo áp lực rất lớn cho học sinh. Trong lớp học có 40 - 45 em, có thể có đến 35 - 40 học sinh có nhu cầu học tăng tiết môn học để đáp ứng chương trình và đảm bảo mục đích đạt điểm cao trong kỳ thi.

Lớp học thêm dịp hè tại một trường THPT ở TPHCM
Lớp học thêm dịp hè tại một trường THPT ở TPHCM

Còn các trung tâm bên ngoài, thì cũng sẽ do Sở, Phòng giáo dục các quận huyện quản lý, cấp phép phải đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nhiều yêu cầu khác. Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận các trung tâm sẽ không dễ để đáp ứng được các điều kiện và việc quản lý sẽ không dễ dàng như quản lý trong nhà trường.

Về vấn đề một số đại biểu quan tâm liên quan đến việc cấm dạy thêm, học thêm trong trường học là đời sống giáo viên sẽ bị ảnh hưởng, ngành giáo dục có giải pháp như thế nào, ông Lê Hồng Sơn không đề cập trong câu trả lời của mình.

Nhu cầu học thêm đại trà là điều không bình thường

Dạy thêm học thêm nếu xuất phát từ nhu cầu thực tế theo quy mô nhỏ của một bộ phận học sinh như các em yếu cần bồi dưỡng hay để luyện cho học sinh giỏi trước các kỳ thi đặc biệt là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm trở thành một nhu cầu bất thành văn, trở thành áp lực nặng nề đối với đại trà học sinh ở các cấp học, ở các trình độ thì tạo thành một gánh nặng, tiêu hao nguồn lực xã hội như đang diễn ra lâu nay là một thực tế cần đặt vấn đề. Chúng ta cần tuyên chiến với hiện tượng.

Nếu có sự đồng thuận, quyết tâm từ trên xuống dưới, tôi tin sẽ giải quyết được. Và chúng ta cần giải quyết tận gốc đó là thay đổi phương pháp đánh giá, cho điểm, xếp loại học sinh. Thay đổi phương pháp kiểm tra, ra đề thi… để không còn nhu cầu học thêm đại trà để trả lại môi trường bình thường cho giáo dục.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Hà

Quản lý phải dựa trên khoa học và thực tiễn

Các đại biểu rất quan tâm đến tính khoa học, tính thực tiễn trong ban hành về việc quản lý vấn đề dạy thêm, học thêm. Không ai ủng hộ dạy học thêm tiêu cực nhưng khi đặt ra vấn đề để quản lý thì đòi hỏi phải có cái nhìn thực tiễn và khoa học, phải ứng xử với nó thật khoa học chứ không phải quản không được thì cấm hay buông lỏng quản lý để nó thế nào cũng được. Không khéo cấm trong trường, “nở” ra bên ngoài chúng ta không quản lý được. HĐND không đặt ra dạy ở đâu, học như thế nào mà HĐND đặt ra cho UBND và Sở GD-ĐT là điều chỉnh vấn đề về dạy thêm, học thêm trên cơ sở tạo được sự đồng thuận của xã hội và quản lý chặt chẽ, đảm bảo mục đích của dạy thêm, học thêm.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)