Nghị lực vượt khó của nữ sinh dân tộc Cor mồ côi cha mẹ

(Dân trí) - 3 tuổi đã mất mẹ, 8 tuổi không còn cha, gắng gượng đứng lên sau hai cú sốc tâm lý đó, cô bé dân tộc Cor Hồ Thị Liễu (sinh năm 1995) ở huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã nỗ lực học tập trở thành niềm tự hào của làng trẻ em SOS TP Đà Nẵng.

Giờ đây cô bé Liễu nhỏ bé, đen đúa ngày nào đã trở thành học sinh giỏi của lớp 11 chuyên Địa Trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn (TP Đà Nẵng). 

Nghị lực vượt khó của nữ sinh dân tộc Cor mồ côi cha mẹ
Mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại là người dân tộc nhưng nghị lực vượt khó của em Hồ Thị Liễu khiến nhiều người khâm phục.

Sinh ra trong một gia đình khó khăn của huyện miền núi nghèo tỉnh Quảng Ngãi, từ nhỏ Liễu đã phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ba chị em Liễu lâm vào cảnh côi cút, không nơi nương tựa. Hai em nhỏ của Liễu về ở với ông bà nội, còn em phải về ở với chú ruột từ khi học lớp 3. Ở một vùng núi xa xôi hẻo lánh, dân còn nghèo, việc kiếm sống cũng khó khăn chứ nói gì đến việc học. Một buổi Liễu đến trường, buổi còn lại phải về nhà phụ giúp chú làm những việc vặt trong nhà. Mùa hè em ra đồng bắt tôm tép về đem ra chợ bán, còn mùa đông em lại cặm cụi vào những cánh rừng đại ngàn xa xôi để lấy củi đem về đốt. Tối đến, Liễu mới có thời gian học bài.

“Dù phải làm nhiều việc nhà nhưng cứ đến giờ đến lớp, em cố sắp xếp công việc để không phải nghỉ buổi nào. Người dân ở đây còn khó khăn về kinh tế nên việc học cũng không được chú trọng, nhiều người không cho con đi học. Còn với em, em luôn tự hứa với mình là phải học hành đến nơi đến chốn. Có kiến thức thì mình mới có thể thoát nghèo được” - Liễu chia sẻ.

Những năm sống ở quê, Liễu học rất yếu vì không có nhiều thời gian học. Những tưởng việc học tập của em bị đứt gánh và ước mơ theo đuổi con chữ của em bị bỏ dở. Thế rồi một ngày, làng trẻ em SOS Đà Nẵng biết được hoàn cảnh của 3 chị em Liễu và bắt đầu nhận các em về nuôi dạy. Cuộc đời của 3 chị em dân tộc Cor bước sang một trang mới, nhất là với Liễu.

Ngày đầu ra Đà Nẵng, các mẹ, các dì ở làng SOS đều cảm động đến rớt nước mắt khi 3 chị em Liễu ai nấy cũng gầy gò, yếu ớt. “Mới vào làng, các cô, các dì rất quan tâm và động viên 3 chị em học tập tốt và đừng mặc cảm với hoàn cảnh vì ở đây ai cũng chung hoàn cảnh như mình. Suốt 10 năm ở làng, em coi nơi đây như gia đình thứ 2 của mình vậy. Các cô các dì như những người mẹ của em, các chị, các em như những người anh chị ruột thịt.” - Liễu tâm sự.

Vào cuộc sống mới, Liễu bắt đầu học tiếng Kinh và tiếp tục học văn hóa tại trường phổ thông Hermann Gmeiner. Những ngày đầu học tập, Liễu gặp vô vàn khó khăn khi vừa phải học văn hóa vừa phải học tiếng Kinh để theo kịp bạn bè. Nhiều khi em bị quá tải vì không theo kịp kiến thức cùng chúng bạn. Nhưng nhờ sự quan tâm tận tình của các cô, các gì trong ngôi nhà Hoa Quỳnh, em vẫn tiếp tục chinh phục kiến thức. Cũng nhờ sự giúp đỡ của mẹ Hoàng Thị Cẩm Vân ở nhà Hoa Quỳnh tìm tòi mua sách vở và tìm người kèm cặp Liễu mà từ đó em học tốt lên và có được thành tích học tập loại Khá.

Góc học tập nhỏ của em Hồ Thị Liễu trong ngôi nhà Hoa Quỳnh.
Góc học tập nhỏ của em Hồ Thị Liễu trong ngôi nhà Hoa Quỳnh.

Đến cuối năm lớp 9, Liễu quyết định thi vào Trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn để có thể dễ dàng chuyên tâm vào môn học yêu thích của mình và định hướng nghề nghiệp cho tương lai sau này. Đêm đêm khi tất cả các nhà đều tắt đèn đi ngủ thì ở ngôi nhà Hoa Quỳnh vẫn có một ô cửa sổ sáng đèn. Đó chính là thời gian Liễu chuyên tâm ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến. Với những cố gắng không biết mệt mỏi, Liễu đã xuất sắc thi đậu vào lớp chuyên Địa của trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn.

“Ngày biết tin em đậu vào trường chuyên Lê Qúy Đôn, mẹ Vân và em đã ôm nhau khóc vì hạnh phúc” - Liễu kể lại. Năm học lớp 10, em đã xuất sắc đoạt danh hiệu học sinh Giỏi và giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố.

Góc học tập nhỏ của em Hồ Thị Liễu trong ngôi nhà Hoa Quỳnh.
Em Hồ Thị Liễu được chọn đại diện cho hơn 200 em nhỏ tại làng SOS Đà Nẵng lên phát biểu báo cáo thành tích của mình đạt được nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập làng.

Nói về những dự định trong tương lai, Liễu cho biết: “Sau này em sẽ thi vào ngành Báo chí Trường ĐH KHXH-NV TPHCM vì từ nhỏ em đã thích đi đây đi đó, thích viết những bài báo về những mảnh đời bất hạnh như mình ngày xưa để có thể giúp họ được một phần nào đó để họ có cuộc sống tốt hơn”.

Hà Thế An