Nghị lực phi thường của “cô giáo” bị câm điếc

Là một cô gái câm điếc bẩm sinh nhưng An My luôn để lại ấn tượng mạnh với mọi người bởi sự thông minh, hoạt bát và vui tính của mình. Mới chớm 20 tuổi nhưng An My đã làm được nhiều việc có ích với trẻ em câm điếc bẩm sinh...

Giờ học ngôn ngữ ký tự của trẻ câm điếc
Giờ học ngôn ngữ ký tự của trẻ câm điếc

Số phận nghiệt ngã

Sinh ra tại Yên Bái, Nguyễn An My là con út trong gia đình 4 người. Lúc sinh ra, An My khỏe mạnh bình thường. Nhưng rồi cả nhà thấy lạ khi My không thể khóc to được, chỉ “ẹ, ẹ” trong cổ họng và không giật mình  khi có tiếng động mạnh. “Đưa con đi khám mới biết nó bị câm, điếc bẩm sinh, chạy chữa khắp các bệnh viện lớn nhỏ đều không có hiệu quả, cả nhà đành chấp nhận việc con bé suốt đời không thể nghe, nói”, cô Nguyễn Thị Hòa -  mẹ An My cho biết. 

An My lớn lên trong sự câm lặng, không thể nói chuyện cũng như không nghe thấy bất cứ âm thanh nào. Nhìn các bạn tung tăng cắp sách đi học, My chỉ nhìn mẹ rồi chỉ trỏ, ra hiệu muốn được như vậy. Để rồi khi  lên 8 tuổi, cha mẹ My quyết định cho con gái đi học tại trường tiểu học dành cho trẻ em khuyết tật (thuộc xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội). Ở đây, em bắt đầu được học ngôn ngữ ký hiệu và chữ viết. 

An My kể, việc học chữ với những đứa trẻ câm, điếc như em rất khó khăn. Việc nhận diện mặt chữ đã cái là một hành trình vất vả nhưng việc ghép chữ thành từ còn phức tạp hơn. Phải mất rất nhiều thời gian, các em mới ghi nhớ hết và sử dụng thành thạo bảng chữ cái. Vừa học chữ viết, ký hiệu, các em vừa học  viết sao cho đúng ngữ pháp. 

“Chính bởi học bằng ngôn ngữ ký hiệu nên việc xác định danh từ, động từ, tính từ với chúng em rất khó khăn. Để viết cho đúng ngữ pháp, chúng em cần cả quá trình”, An My chia sẻ. 

An My
An My.

Nhờ sự  thông minh, chăm chỉ sau 7 năm theo học, My đã hoàn thành chương trình tiểu học (trong khi có những bạn phải mất 9 đến 10 năm). Sau đó, cô bé xin mẹ tìm trường cho mình học tiếp. Cô Hòa nhớ lại: “Lúc đến trường xin cấp giấy chứng chỉ học hết lớp 5 để làm thủ tục dự thi, các thầy cô đều cho rằng tôi đang làm một việc không tưởng bởi chưa kể việc thi cử khó mà việc tìm trường để thi đã là không thể rồi. Quả thực, tôi cũng chỉ cố “tát” khi “ao còn nước” chứ cũng không dám hi vọng My thi đỗ”. 

Chính người mẹ cũng không ngờ rằng đứa con gái câm, điếc của mình lại quyết tâm và nghị lực đến thế. Suốt 3 tháng hè, My lao vào học. Cả gia đình vội vã mua sách, tìm hiểu cách học ngôn ngữ ký hiệu để dạy con. Và My đã chứng minh cho mọi người thấy được cố gắng của mình khi xuất sắc thi đỗ vào cấp hai, tiếp đó được nhận vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội). Cả gia đình cô bé vui mừng khôn xiết khi sự học của An My không bị “đứt gánh giữa đường”. 

Đam mê tình nguyện  mãnh liệt

Đã trải qua những tháng ngày khó khăn, xa gia đình từ nhỏ, vất vả để học con chữ nên An My hiểu rất rõ, những đứa trẻ tật nguyền khó khăn thế nào để hòa nhập cộng đồng. Khi đã đứng vững, có thể nghe, nói bằng ngôn ngữ riêng, My cũng muốn được dạy ngôn ngữ kí hiệu cho trẻ em câm, điếc. Chính vì thế, cô đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để dạy ngôn ngữ ký hiệu và chữ viết cho trẻ em câm, điếc. 

An My (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn và cô giáo trong trường Cao đẳng sư phạm Trung ương
An My (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn và cô giáo trong trường Cao đẳng sư phạm Trung ương.

Năm 2012, khi đang học lớp 8, My được biết về Dự án IDEO (Dự án giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trườn), An My liền đăng ký  tham gia giảng dạy miễn phí ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ em điếc dưới 6 tuổi. 

Cô chia sẻ: “Em từng trải qua nên biết việc học song song cùng lúc cả ngôn ngữ ký hiệu lẫn chữ viết rất khó khăn. Nếu bây giờ, trẻ câm, điếc được học ngôn ngữ ký hiệu trước khi đến trường thì sau này việc học chữ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Vì vậy, em tham gia dự án từ thiện với mong muốn giúp các em nhỏ tật nguyền dễ hòa nhập hơn với cộng đồng cũng như công việc học tập”.

Hàng tuần, ngoài giờ học, An My và các bạn tham gia giảng dạy 1 đến 2 buổi ở trung tâm hoặc tại nhà riêng của học sinh. My không chỉ dạy cho các em nhỏ mà còn dạy cho cả các phụ huynh để họ có thể giao tiếp với con dễ dàng hơn. “Em cảm nhận rõ sự bất lực của mẹ khi nói mà em không thể hiểu nên thật sự các cô chú cũng cần học để giao tiếp với các em, vì trẻ tật nguyền như chúng em dễ mặc cảm, tự ti lắm”, My tâm sự.

Năng động, hoạt bát, My được Dự án chọn đi tập huấn quay phim tại TP.HCM trong tháng 8 vừa qua. Từ đó, My trở thành thành viên chuyên ghi lại những thước phim tư liệu về quá trình học và phát triển của trẻ em câm, điếc để. Cô Lê Thị Kim Cúc (quản lý Dự án IDEO) cho biết: “An My rất thông minh và nhanh nhẹn. Dù bận học nhưng cô bé luôn hết mình và nỗ lực trong các hoạt động tình nguyện”. 

Từng gặp vô vàn những khó khăn trong việc diễn đạt điều muốn nói, từng phải lủi thủi một mình bởi các bạn không đủ kiên nhẫn chơi cùng người câm, điếc nên My càng hiểu giá trị công việc mình đang làm. Tình nguyện đối với My là niềm đam mê mãnh liệt. 

“Trước đây, em chưa bao giờ dám mơ có thể nói ra điều mình nghĩ. Bây giờ không chỉ giao tiếp được với mọi người mà còn có thể giúp đỡ người khác, điều này làm em thực sự cảm thấy rất hạnh phúc”, My chia sẻ.

Theo Huy Ba - Tường Vi
Pháp luật Việt Nam