Nghị lực của nữ sinh bị bệnh khuyết mống mắt vượt khó học tập

(Dân trí) - Nhà nghèo, mắc bệnh khuyết mống mắt bẩm sinh, bị gia đình ngăn cản thi đại học, nhưng cô học trò Mai Thị Thúy (20 tuổi, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã vượt qua tất cả để theo đuổi ước mơ từ chính nghị lực của mình.

Tuổi thơ nhọc nhằn

Em Mai Thị Thúy trải qua một thời tuổi thơ không được vui vẻ như bao đứa trẻ khác. Hai mươi năm trước, cô bé Thúy chào đời trong tình trạng thiếu cân và phải mất gần một tuần mới có thể mở mắt. Thúy lớn lên trong tiếng thở dài nhọc nhằn của ba mẹ, trong cơn đau của người cha bị u não. Cả gia đình 5 người sống dựa vào hai sào ruộng và số tiền làm thuê làm mướn mà ba mẹ Thúy kiếm được qua ngày.

Mặc dù phải chịu nhiều tác động của bệnh tật nhưng Thúy rất ham học
Mặc dù phải chịu nhiều tác động của bệnh tật nhưng Thúy rất ham học.

Càng lớn, khả năng nhìn của Thúy lại càng hạn chế dần.Thúy không thể đọc được chữ ghi trên bảng, mặc dù lúc nào em cũng ngồi bàn đầu. Khi phát hiện thị lực của Thúy có vấn đề, cả gia đình và bản thân em ở thời điểm đó không hề biết em bị bệnh gì. Ba mẹ đưa Thúy đi khám với ý nghĩ em bị tật khúc xạ, nhưng với điều kiện y tế khi ấy, bác sĩ cũng không xác định được em bị bệnh gì. Đeo kính cũng không cải thiện được thị lực. Mắt của em cứ thế ngày càng mờ dần… Việc học hành của Thúy suốt mười mấy năm qua theo đó cũng gặp không ít trắc trở.

Do thị lực hạn chế, mỗi khi đến lớp học, Thúy chỉ có thể tiếp thu bài giảng bằng cách lắng nghe từng lời của thầy cô rồi sau đó mượn vở bạn về nhà chép bài. Dường như khó khăn nuôi dưỡng thêm nghị lực và lòng ham học của cô học trò khuyết tật. Thế rồi chặng đường 12 năm đèn sách của em cũng qua với học lực tiên tiến.

Hành trình giấu ba mẹ đến giảng đường đại học

Học xong phổ thông, Thúy nung nấu ước mơ bước vào giảng đường đại học. Nhưng rồi dự định của em bỗng dưng bị ngắt quãng. Nhà nghèo với 5 miệng ăn không đủ tiền lo học phí, lại sợ đứa con gái khuyết tật gặp khổ khi học xa nhà, ba mẹ em đành ngậm ngùi cản con nộp hồ sơ thi đại học.
 
“Em nghĩ nếu ở nhà sẽ thành gánh nặng cho gia đình, không đi học thì không có tương lai. Em năn nỉ ba má cho đi thi một lần để thỏa ước mơ nhưng vẫn không được” - Thúy nhớ lại thời gian đó.
Thúy trong một chuyến hoạt động xã hội ở Thăng Bình, Quảng Nam
Thúy trong một chuyến hoạt động xã hội ở Thăng Bình, Quảng Nam.

Không dám cãi lời ba mẹ, Thúy cất hồ sơ vào một góc, thế nhưng sự cấm cản của gia đình không ngăn được hoài bão của cô học trò nhỏ. Thúy vẫn chăm chỉ ôn bài, tiết kiệm tiền chờ ngày đón xe ra Đà Nẵng ứng thí. Thương đứa cháu ham học, bà ngoại em bí mật cho cháu ít tiền dằn túi. Bạn bè cũng quyên góp mỗi người một chút để Thúy có tiền nộp lệ phí thi.

Ra Đà Nẵng, Thúy may mắn được Đức cha ở nhà thờ Thiên chúa Hòa Khánh và bạn bè hỗ trợ nơi ở trong thời gian ôn thi. Trời không phụ lòng người, bằng quyết tâm và nghị lực, Thúy đã trúng tuyển vào ngành Công tác xã hội, khoa Tâm lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Ngày Thúy trúng tuyển Đại học, bà Đào Thị Thanh (mẹ Thúy) vừa bất ngờ, vừa mừng vui, vừa xúc động: “Biết cháu nó đậu mà cả nhà khóc vì vừa mừng vừa lo. Mừng vì cháu ham học thành tài, lo là bởi không có tiền cho nó ăn học. Ba của cháu thì bị u não lâu nay còn chưa có tiền chữa trị. Tích cóp vay mượn được 3 triệu cho nó ra nhập học mà lo lắng quá chừng.”.

Bây giờ Thúy đã là sinh viên năm thứ hai, là một trong những sinh viên năng nổ của khoa Tâm lý giáo dục, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Cô giáo Lê Thị Lâm, cố vấn chủ nhiệm của Thúy chia sẻ: “Thị lực của Thúy bị hạn chế, điều kiện học hành của em khó khăn nhưng chưa bao giờ  thấy Thúy vắng mặt trong bất cứ buổi học hay hoạt động xã hội nào.”

“Tháng nào em cũng lấy tiền ba mẹ gửi ra để mua thuốc”

Nhập học xong, Thúy xin ở trọ trong nhà thờ Thiên chúa Hòa Khánh với giá 250 nghìn đồng/tháng. Số tiền ba mẹ gửi tròm trèm 1 triệu/tháng, em chia gần phân nửa để lo tiền trọ và thuốc men, còn lại em để dành cho ăn ở và các khoản phát sinh.

Tiết kiệm là thế nhưng Thúy cũng không kham nổi mức chi tiêu ở thành phố. Đã nhiều lần bạn bè trong lớp bắt gặp em đi học trong tình trạng da dẻ xanh xao, tay chân gầy gò và đôi mắt đờ đẫn do ăn uống không đủ chất. Biết được hoàn cảnh của Thúy, nhà trường đã quyết định miễn toàn bộ học phí, các giảng viên trong khoa và bạn bè cũng tạo điều kiện giúp đỡ cho em học hành thuận lợi hơn.

Ở trường, Thúy (bìa trái) là một sinh viên năng nổ trong học tập và hoạt động xã hội.
Ở trường, Thúy (bên trái) là một sinh viên năng nổ trong học tập và hoạt động xã hội.

Thế nhưng sức khỏe đi xuống, lại thêm căn bệnh khuyết mống mắt bẩm sinh khiến việc sinh hoạt của Thúy ngày một khó khăn. Căn bệnh cũng khiến thính lực của em bị ảnh hưởng. Không chỉ đôi mắt bị tổn thương mà ngay cả đôi tai của em cũng không còn khả năng nghe trọn vẹn. Việc đi lại của em bây giờ phải nhờ vào bạn bè giúp đỡ bởi Thúy chỉ có thể nhìn rõ ở khoảng cách dưới 2 mét, mỗi lần di chuyển rất dễ té ngã. Những ngày tháng trên giảng đường từ đó cũng nhọc nhằn hơn.

“Em đi khám mới biết bệnh tình ngày một nặng. Tháng nào em cũng lấy tiền ba mẹ gửi ra để mua thuốc nhưng không dám nói với gia đình. Em không biết tới ngày ra trường thì đôi mắt sẽ ra sao, việc học hành còn ở phía trước. Bác sĩ bảo nếu nặng thì em sẽ bị mù vĩnh viễn trong vòng 2 năm tới...” - Thúy nghẹn ngào tâm sự với chúng tôi.

Biết được những ngày tháng sống trong bóng tối sắp đến, Thúy đã có dự định học chữ nổi để không bỏ dở con đường học hành cũng như theo đuổi ước mơ của mình. Ngoài thời gian học, Thúy còn là một thành viên năng nổ trong các hoạt động xã hội ở trường. Thúy luôn khích lệ bản thân phải vượt qua hoàn cảnh: “Em chọn học ngành Công tác xã hội, ước mơ của em khi ra trường là có điều kiện giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt. Em thấy cuộc sống xung quanh còn nhiều người khó khăn hơn mình. Nên em luôn tự động viên mình không được nản, phải luôn nỗ lực vì bản thân, vì gia đình và cũng vì ước mơ sau này nữa”.

Đoàn Sơn

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!