Nghị lực của cô học trò đến trường trên tay mẹ

Phượng Vũ

(Dân trí) - Con đường đến trường của cô học trò Võ Thị Miền (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chưa đến 5km. Thế  nhưng với Miền chặng đường ấy thật quá xa bởi em không may bị liệt chân tay từ lúc 4 tuổi.

"Đôi tay của mẹ chính là đôi chân của con"

12 năm qua, dù trời mưa hay nắng, đôi tay của mẹ chính là đôi chân của cô bé Võ Thị Miền (SN 2002, trường THPT Nguyễn Công Trứ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Số phận không may mắn khiến Miền bị liệt chân tay từ lúc 4 tuổi. Vượt lên số phận, cô bé Miền luôn giành kết quả tốt trong học tập.

Nghị lực của cô học trò đến trường trên tay mẹ - 1

12 năm học, em Võ Thị Miền đến lớp trên đôi tay của mẹ.

Cứ mỗi buổi sáng, sau khi chuẩn bị cơm nước cho cả nhà, bà Cao Thị Vân lại sửa soạn đồ đạc để đưa cô con gái thứ hai đến trường. “Vì nhà cách trường 5km nên tôi thường phải dậy thật sớm để đưa Miền đến lớp không bị muộn giờ”, bà Vân chia sẻ.

Sau khi kiểm tra xe đã dựng chắc chắn, người mẹ bồng Miền lên xe, cặp sách được bỏ phía trước. Từ khi Miền đi học, dù mưa nắng, bà đều bế con lên xe đạp đến trường.

Từ cổng trường, bàn tay bà khẽ luồn vào chân, một tay đặt vào lưng con, chậm rãi từng bước lên cầu thang đến lớp. Đó cũng là cách Miền đi học suốt 12 năm qua.

Nhiều khi tay mỏi nhừ nhưng bà vẫn ráng bế chặt, cố tỏ ra bình thản để con yên tâm.

Bóp đôi tay gân guốc của mình, bà Vân cho biết: “Miền chỉ nặng khoảng 27kg, nhưng tôi giờ có tuổi rồi, nhiều khi để đưa cháu vào lớp học cũng không nổi. Từ khi lên cấp 3, mỗi lần cháu đến trường, bạn bè và giáo viên trong trường lại phụ giúp”.

Nghị lực của cô học trò đến trường trên tay mẹ - 2

Mọi sinh hoạt của Miền đều phụ thuộc vào đôi tay của mẹ.

Không chỉ đến trường mà mọi sinh hoạt hằng ngày Miền đều phải phụ thuộc vào đôi tay của mẹ. “Lúc em còn học tiểu học, trường ở gần nhà, mẹ thường cõng em đi học.

Mỗi lần đưa em đến trường xong, mẹ lại chạy về làm việc nhà. Lâu lâu mẹ lại chạy sang trường để đưa em đi vệ sinh vì em rất ngại để người khác làm việc này. Nhiều lúc trời mưa đường trơn, ngồi trên lưng mẹ mà em thương mẹ vô cùng”, đôi mắt Miền ngân ngấn nước.

Thương mẹ, không muốn mình thành gánh nặng của mẹ, Miền suy nghĩ bản thân em cần phải cố gắng nỗ lực gấp đôi trong học tập và cuộc sống.

Mong ước trở thành cô giáo dạy tiếng Anh

Căn nhà nhỏ của Miền nằm trên con đường nhỏ của thôn Cát Thủy, xã Xuân Viên. Căn nhà ấy là nơi trú ngủ của 5 người trong gia đình Miền. Trong gia đình ấy chỉ có 2 người lành lặn. Không chỉ Miền bị liệt chân tay, bố và chị gái em cũng bị tật nguyền, chân tay đều bị teo nhỏ không thể đi lại được.

Nghị lực của cô học trò đến trường trên tay mẹ - 3

Vượt qua số phận, Miền luôn giành được kết quả cao trong học tập.

Ông Võ Duy Tùng (SN 1972, bố Miền) từ một người đàn ông trụ cột của gia đình bỗng nhiên ngã bệnh, chân tay cứ teo rồi liệt dần không thể lao động. Chị gái Miền lên 4 tuổi cũng bị chứng bệnh tương tự không thể đi lại được.

Để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, bà Cao Thị Vân (SN 1965, mẹ Miền) phải đi làm thuê tất tả tiết kiệm từng đồng tiền lẻ. Khó khăn thêm chồng chất khi căn bệnh quái ác cứ đổ xuống mỗi thành viên trong gia đình.

Trước đây, gia đình Miền có 2 sào ruộng nhưng chồng con ngày càng bệnh tật, bà Vân phải nghỉ việc đồng áng, làm thêm các công việc phụ để trang trải hàng ngày.

Hàng tháng, bà Vân nhận thêm việc thu gom rác thải với mức giá 500.000 đồng, ngoài ra hễ ai có việc gì thuê bà cũng không ngại. Chị gái của Miền cũng tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ việc đính tranh đá phụ giúp gia đình.

Nghị lực của cô học trò đến trường trên tay mẹ - 4

Gia đình em có 5 người thì 3 người đều bị chứng bệnh teo chân tay không thể đi lại

Thương mẹ, nên Miền hiểu rằng bản thân em càng phải cố gắng học tập để thay đổi số phận, động viên cho gia đình.

Thế nhưng, con đường đến trường của em vốn không bình thường như những bạn bè khác. Đến tuổi đến trường nhìn các bạn đi học, Miền thích lắm. Em thuyết phục bố mẹ cho em được đi học. Nhìn thấy niềm đam mê của con, mẹ em lại tất tả xin làm hồ sơ nhập học cho con.

Những buổi học đầu tiên, Miền vừa vượt qua mặc cảm bị bạn bè trêu chọc, vừa cố gắng điều khiển đôi tay để cầm bút như các bạn. Con chữ đầu tiên đau đến tận xương tận tủy của em, mỗi con chữ đều nhòe vì nước mắt của hai mẹ con.

“Biết mình kém các bạn nên về nhà cứ hễ ngồi ở đâu em lại tập viết. Có cái đũa, cành cây trên tay, em bấm thật chặt tay vào đồ vật để nguệch ngoạc từng nét một. Nhiều lúc nhìn đỏ hết tay, mồ hôi nhễ nhại nhưng sợ mình thua các bạn nên em lại cố gắng”, Miền nhớ lại.

Nghị lực của cô học trò đến trường trên tay mẹ - 5

Bố em - từ một người đàn ông trụ cột gia đình bỗng trở nên tật nguyền không thể lao động

Dù khiếm khuyết, lại thường đau ốm nhưng số lần nghỉ học của Miền rất hiếm hoi. Chỉ những đợt phải nghỉ học dài ngày vì ốm nặng, nhưng khi khỏe, em luôn cố gắng mượn sách vở của bạn để học bù, chủ động hỏi cô giáo những bài chưa hiểu để theo kịp các bạn.

Những cố gắng của Miền cũng đã giành được quả ngọt, những nét chữ của Miền dần đẹp và nhanh hơn. Không chỉ viết chữ đẹp mà kết quả học tập của Miền cũng vươn lên đứng đầu trong cả lớp, trở thành tấm gương sáng cho các bạn.

Phần thưởng trong 12 năm học Miền là những tấm giấy khen, những suất học bổng mang lại niềm vui cho bản thân em và là món quà động viên cho gia đình. Đặc biệt, trong 2 năm lớp 11 và lớp 12, Miền đều dành danh hiệu Học sinh Giỏi.

Để bước tiếp chặng đường tương lai, hàng ngày Miền vẫn luôn nỗ lực không ngừng nghỉ. Niềm mong mỏi của Miền là có thể được đi lại trên chính đôi chân của mình để thay đổi số phận.

Nghị lực của cô học trò đến trường trên tay mẹ - 6

Bằng đôi tay tật nguyền, Miền vẫn đang nỗ lực để thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học, trở thành giáo viên tiếng Anh.

Hiện giờ, cùng với hơn 15.300 thí sinh tại Hà Tĩnh, Miền vừa hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước đó, Miền đã nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1 vào trường ĐH Vinh với mong ước sẽ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh.

Để góp phần giúp con thực hiện ước mơ, bà Cao Thị Vân cho biết, đôi tay của bà sẽ luôn đồng hành cùng con để viết ước mơ trên giảng đường đại học.