Nghị lực của cô học trò 9 lần bị cưa chân

“Mặc dù bị mất một chân, chịu đựng cơn đau dằng dai, nhưng 8 năm liền An đều là học sinh xuất sắc. Hiện tại em đang được luyện thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh môn Anh văn…”, cô giáo Hoàng Thị Bình, Hiệu trưởng Trường THCS xã Triệu Hòa (Quảng Trị) cho biết.

Họa vô đơn chí

 

Ngôi nhà nhỏ 20m2 của đôi vợ chồng nghèo Lê Văn Anh, Phạm Thị Tiết nằm bên tỉnh lộ 580 (nối thị trấn Ái Tử với Bắc Cửa Việt, huyện Triệu Phong). Người chồng 40 tuổi bị teo cơ chân trái, cơ thể chưa đầy 30 cân, tóc đã bạc vì vòng quay cơm áo, tiền thuốc cho con một hai năm một lần vào bệnh viện cưa, mổ chân.

 

“6 tháng tuổi, tui bị phỏng nước sôi, phải tiêm thuốc không may bị teo chân. Tuổi thơ nhắc nhói chăn trâu, đến 8 tuổi mới có điều kiện đi học. Năm 1989, tui thi đỗ vào Khoa Hóa, Trường Đại học Tổng hợp Huế. Sau hai tháng theo học, đến lúc khám sức khỏe không trốn được cái chân tật, tui cố năn nỉ bác sĩ, nhưng họ nói sớm muộn nhà trường cũng phát hiện, thế là nuốt nước mắt trở về nhà”, anh Anh kể.

 

Về quê, người thanh niên tật nguyền này chọn nghề sửa xe đạp, đến năm 1993 thì lập gia đình với người con gái mồ côi ở cùng quê. Một năm sau, anh chị sinh con gái đầu lòng là bé An. Lúc An 5 tuổi, trong một lần đi học mẫu giáo, tai nạn giao thông đã cướp mất chân trái của em. Biết tin, mẹ nó bước được mấy bước thì khuỵu xuống, còn tui nhắc nhói đến chỗ tai nạn, kịp van lên được mấy tiếng: "Bà con ơi cứu con tui với", anh Anh đau xót nhớ lại.

 

“Đã nghèo lại gặp eo, người gây tai nạn là một thanh niên cùng làng nghèo kiết xác, lái xe tải chở đất thuê cho chủ xe ở thị xã Quảng Trị. Bây giờ cậu ấy có gia đình rồi, vẫn thường lui tới đây; trông cậu ta rất buồn mỗi khi nhìn con bé nhắc nhói cái chân”.

 

Sau khi bị cưa cụt chân, cứ 1 đến 2 năm một lần, bé An lại phải vào bệnh viện cưa phần xương đâm ra khỏi lớp thịt. Đến nay số lần em bị cưa, mổ đã lên tới 9 lần. 

 

Tình bạn

 

Chị Tiết làm 3 sào ruộng mỗi năm 2 vụ, được chừng 1 tấn thóc. Nếu bé An không bị bệnh, số thóc này cộng với tiền sửa xe đạp của anh Anh đủ nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, cứ 1-2 năm một lần, họ phải chạy vạy đủ số tiền 8 triệu đồng để đưa con vào bệnh viện cưa, mổ chân, đó là chưa kể tiền thuốc, tiền bồi dưỡng sức khỏe và lắp chân giả cho con.

 

Chị Tiết nhìn con nói trong nước mắt: “Cực chi vợ chồng tui cũng chịu được, nhưng hễ nhìn thấy con vật vã đau đớn, nhất là những lúc trở trời, ruột gan tui như đứt ra từng đoạn”.

 

“Con bé có nhóm máu AB, thường hiếm đối với phụ nữ, nên khi bị tai nạn, mấy anh ở bệnh viện tình nguyện cho máu. May có cháu Hường đèo nó đi học mỗi ngày từ đầu lớp 4 cho đến nay. Ông trời còn thương vợ chồng tui, thương con bé, cho cháu có được người bạn tốt như rứa”.

 

Cô Hoàng Thị Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Triệu Hòa cho biết: “Năm lớp 5, An đã đạt giải nhì huyện, giải 3 tỉnh các môn văn và toán. Thành tích học tập của An rất đáng khen ngợi, bên cạnh là sự giúp đỡ, động viên và chia sẻ sâu sắc của người bạn học cùng lớp Phạm Thị Hường”, cô Bình cho biết thêm.

 

Hường con thứ nhì trong gia đình có 5 chị em, ba mẹ làm ruộng thuộc diện hộ nghèo. Hường học bài trên chiếc bàn gỗ ép vừa đủ đặt cuốn vở. Em cho biết ba em đi phụ  hồ, mẹ đi buôn chuối.

 

Tôi hỏi nhà em có làm ruộng không. “Có chứ, nhưng gặt xong rồi, lúa bán để trả nợ cũng gần hết rồi”, Hường cười hiền. Nhìn quanh, ngôi nhà xây cấp bốn chưa tô trát trông rất tuềnh toàng, bên trong ngoại trừ chiếc bàn nhỏ của Hường, có 3 chiếc giường, trong có 1 giường sắt lò xo cũ, 2 chiếc giường tre ọp ẹp. Chăn, gối trên cả ba chiếc giường này đều bằng bao cát, những chiếc bao cát đào được ở những hố rác, bồn đốt của Mỹ hồi trước, vá chằng vá đụp lại với nhau.

 

“Bạn An đau ốm thường xuyên, đi lại khó khăn nên rất cần được giúp đỡ, động viên và chia sẻ” - Hường tâm sự.

 

Theo Phan Thanh Bình

Công An Nhân Dân