Hà Nội:

Nghỉ hè: Phụ huynh đổ xô cho con “nhập ngũ”, “nương cửa chùa”

(Dân trí) - Để yên tâm chăm con trong dịp hè mà không ảnh hưởng đến công việc, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con tham gia học kỳ quân đội hoặc những khóa tu mùa hè.

Vừa nghỉ hè là “nhập ngũ”

Vài năm gần đây, với nhu cầu có chỗ vui chơi, học tập, rèn luyện cho con trẻ dịp nghỉ hè, nhiều trung tâm đã cho ra mắt các khóa học kỳ quân đội. Nhiều phụ huynh cũng chọn các khóa học này để vừa yên tâm có chỗ gửi con lại vừa giúp con rèn luyện bản thân tốt hơn.

Ngay từ trước kỳ nghỉ hè, anh Lê Hồng Ngọc ( Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con trai lớp 7 vừa nghỉ hè đã tìm hiểu thông tin về các khóa học kỳ quân đội ở các khu vực gần Hà Nội với hy vọng giúp câu con trai hiếu động, nghịch ngợm sẽ đi vào nề nếp hơn.

Phụ huynh lựa chọn khóa học quân đội để gửi con dịp hè

Phụ huynh lựa chọn khóa học quân đội để gửi con dịp hè (Ảnh minh họa)

Đúng theo kế hoạch, vừa bắt đầu nghỉ hè là anh cho con trai lên đường “nhập ngũ” tại một khóa học quân đội ở Phúc thọ (Hà Nội). “Cho cháu tham gia khóa học này vừa để giúp cháu có chỗ học tập, rèn luyện trong dịp hè cũng vừa là cách để gia đình yên tâm làm việc. Hơn nữa, việc tham gia khóa học này cũng phần nào giúp cháu tiếp thu tinh thần, tác phong, lối sống của người lính cũng như các kỹ năng sống khác”, anh Ngọc chia sẻ.

Cũng giống như anh Ngọc, chị Hoài Phương (Đống Đa, Hà Nội) sau khi thuyết phục được cậu con trai 12 tuổi của mình đã ngay lập tức cho tham gia một khóa học quân đội ở tận Bắc Giang. Để giúp con trai mình khỏi bỡ ngỡ khi phải đi xa gia đình một thời gian khá dài, chị Phương còn vận động 3 gia đình khác cùng trong lớp học của con trai tham gia học kỳ quân đội cùng.

Chị Phương chia sẻ rằng: “Cho con đi xa như vậy trong dịp hè tôi cũng rất lo lắng vì đây là lần đầu tiên con bị tách khỏi gia đình cả nửa tháng trời, không có bố mẹ ở bên cạnh, phải tự lo những việc cá nhân, phải ăn cơm tập thể, hoạt động đúng giờ giấc điều lệnh…Tuy nhiên, qua tham khảo ý kiến của một số người bạn có kinh nghiệm, tôi vẫn quyết tâm cho con “nhập ngũ” vì nhiều trẻ trước đây lười biếng nhưng sau khi tham gia học kỳ quân đội trở về nhà đã biết giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà và còn nâng cao tinh thần thể dục thể thao, sáng sớm dậy chạy bộ”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để con có thể tham gia các khóa huấn luyện học kỳ quân đội diễn ra trong khoảng 7 – 15 ngày, phụ huynh phải chi trả một khoản tiền khoảng 6 - 8 triệu đồng. Tại học kỳ quân đội, các em sẽ được dạy những kỹ năng sống, những bài học trải nghiệm thao trường và những buổi sinh hoạt tập thể giúp nhận thức được ý nghĩa về giá trị sống.

70% thời gian khóa học các ‘lính nhí” sẽ học kỹ năng sống cơ bản như: thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm, học tập, cảm xúc, quản lý cảm xúc, quản lý thời gian, chăm sóc sức khỏe vị thành niên…. 30% thời gian còn lại các con được học theo kỷ cương quân đội từ giờ giấc ăn, ngủ, nghỉ, học tập rèn luyện phải đúng giờ (rèn tính kỷ luật); cho trẻ được tiếp xúc với các loại vũ khí bộ binh, học điều lệnh, học các tư thế vận động…

Cho con “nương cửa chùa” dịp hè

Bên cạnh xu hướng cho con theo các khóa học kỳ quân đội, nhiều gia đình ở Hà Nội chọn cách gửi con lên chùa, thiền viện để theo học các khóa tu ngắn vào dịp hè với hy vọng giúp con tĩnh tâm, biết nghe lời, tiếp thu điều tốt đẹp.

Tại khu vực Hà Nội, phần lớn các phụ huynh đều chọn Thiền viện Trúc Lâm để chọn mặt gửi vàng. Muốn gửi con ở đây, các bậc phụ huynh phải viết giấy cam kết gửi con vào thiền viện cho tập tu và cai game, cai net, cai tivi, laptop, điện thoại di động. Các con ngủ cùng nhau, ăn cùng nhau và sống tự lập không có bố mẹ kèm cặp....

Chị Minh Tâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự: “Mấy tháng hè, để con ở nhà với cái tivi, máy tính chỉ xem hoạt hình và chơi điện tử thì mình lo lắm. Cho con về ông bà thì con cũng chúi mũi vào tivi, không khéo lại ra quán nét chơi điện tử thì coi như mất con rồi nên cho con đi học khóa tu dịp hè là cách tốt hơn cả”.

Nghỉ hè, nhiều phụ huynh cho con tham gia các khóa tu ngắn hạn

Nghỉ hè, nhiều phụ huynh cho con tham gia các khóa tu ngắn hạn (Ảnh minh họa)

Còn chị Tuyết Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) thì muốn cho con đi lên chùa dịp hè để có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên vì cả năm đi học ở thành phố rất ít cơ hội sống ở những nơi thoáng đãng, thanh tịnh. “Cho cháu lên chùa dịp hè tôi mới yên tâm làm việc vì ở đây các cháu sẽ được sống trong môi trường trong lành và được uốn nắn điều hay lẽ phải”, chị Mai nói.

Tại các khóa tu mùa hè, các con trẻ được gửi gắm vào đây sẽ tập ăn cơm chay, mặc quần áo thâm rộng thùng thình, được các thầy hướng dẫn đầy đủ những công việc mà trẻ em nông thôn thường xuyên làm như tự gấp chăn màn, quét nhà, nhổ cỏ, tập nấu cơm bằng bếp củi, tự giặt quần áo, bữa đến xếp hàng ngay ngắn, áo tu hành chỉnh tề, bưng bát đĩa của mình xuống núi ăn cơm trong nhà ăn tập thể.

Các “cư sĩ nhí” sẽ phải tự xúc khẩu phần ăn cho mình, ra bàn ngồi nghe các thiền sư giảng đạo lý và kinh Phật, rồi lặng lẽ ăn, thưa gửi kính cẩn. Sau khi ăn xong, lại nghe giáo huấn, rồi các con tự đi rửa bát (kể cả thầy trụ trì Thiền viện cũng tự rửa bát cho mình), rồi lại xếp hàng trở về khu vực sinh sống của mình. Hằng ngày, 2 bận đi xuống khu "Giáo đường" nghe giảng kinh Phật, rồi ngồi thiền.

Các chuyên gia giáo dục, tâm lý cho rằng, việc cho con tham gia vào các khóa học quân đội hay khóa tu cũng là một cách tốt tuy nhiên tính cách chỉ được hình thành sau thời gian dài rèn luyện. Với thời lượng 1,2 tuần đứa trẻ sẽ chỉ được làm quen và nhanh chóng quên đi nếu không được rèn luyện thêm. Để biến những kỹ năng ấy thành thói quen, thành lối sống thì rõ ràng vẫn phải dựa trên giáo dục hàng ngày, điều ấy phụ thuộc vào tư duy, cách giáo dục của mỗi gia đình.

Lê Tú