Ngày 8/3 - Đâu phải là hoa và quà?

(Dân trí) - Ở Mỹ, tôi chưa bao giờ thấy bạn bè và những người xung quanh tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ. Ngày 8/3, với hơn 100 năm bề dày về lịch sử, là ngày mà cả thế giới tôn vinh sự hy sinh và dũng cảm của tất cả những người đã đấu tranh vì quyền bình đẳng giới.

Đấu tranh vì bình đẳng giới không đồng nghĩa đòi quyền ưu tiên cho phụ nữ

Ngày 8/3 vốn có tên gọi chính thức là “Ngày Liên Hợp Quốc vì Bình quyền và Hoà bình Quốc tế”. Vào ngày này, tôi không chỉ tôn vinh những người phụ nữ, mà tất cả những ai đã đấu tranh vì một xã hội bình đẳng giới.

Tôi nghĩ may mắn lớn nhất mà cuộc sống mang lại cho tôi chính là được lớn lên quanh những con người có tư tưởng mở. Từ nhỏ, ba và những người xung quanh chưa bao giờ đặt kỳ vọng hay những tiêu chuẩn thấp hơn cho tôi chỉ vì tôi là một đứa con gái.

Những món quà, những lần tâm sự cùng những lời nhận xét từ lúc nào đã theo tôi vào tiềm thức và luôn ở đấy để nhắc tôi rằng: giá trị của tôi là do bản thân tạo ra chứ không vì mình là con trai hay con gái.

Bước ra khỏi vỏ bọc của gia đình, tôi tiến thẳng đến trường phổ thông tại Mỹ. Ở Mỹ, tôi được giáo dục về phong trào bình đẳng giới, về nguồn gốc của sự phân biệt và những hậu quả mà nó mang lại. Từ đó, tôi nhận thức được rằng để đến với một thế giới bình đẳng cần có sự cố gắng từ cả một xã hội, bắt đầu từ những thay đổi trong nhận thức, được thể hiện qua từng hành động và cách cư xử hàng ngày.

Đấu tranh vì bình đẳng giới, chúng ta chấp nhận những nghĩa vụ của phụ nữ trong thời đại mới. Bản thân tôi chưa bao giờ để người khác trả cho mình một bữa ăn chỉ vì người đó là đàn ông.

Những việc làm ấy tuy nhỏ nhưng nó đặt một người phụ nữ ngang bằng với những người đàn ông trong các mối quan hệ. Rằng chúng tôi cũng cùng đóng góp và chịu trách nhiệm cho cuộc sống, vì vậy chúng tôi xứng đáng nhận được sự tin tưởng và ủng hộ ngang bằng của xã hội.

Tôi biết hành động của tôi lâu ngày sẽ chạm tới tiềm thức của những người xung quanh. Tiềm thức, được lưu trữ từ những sự kiện và kinh nghiệm sống của họ, dần dần trở thành hành động và thói quen. Chính từ những thói quen ấy, họ xây dựng ảnh hưởng lan tỏa cho mọi người xung quanh.


Tác giả bài viết Võ Tường An từng tạo nên kỳ tích khi được 12 trường ĐH hàng đầu thế giới mời gọi năm 2016.

Tác giả bài viết Võ Tường An từng tạo nên kỳ tích khi được 12 trường ĐH hàng đầu thế giới mời gọi năm 2016.

Phong trào bình quyền phải chạm đến từng người phụ nữ

Quá trình thay đổi đi kèm với trách nhiệm và khó khăn, nhiều khi cần đứng giữa những lựa chọn và cả thử thách. Đó là một chặng đường dài và đôi khi tôi cũng vấp ngã bởi những áp lực xã hội.

Thay đổi nhận thức đôi khi là việc thay đổi chuẩn mực xã hội về định nghĩa cái đẹp và sự lãng mạn. Con gái cũng có thể mạnh mẽ, thích màu đen, chơi thể thao và học tốt toán. Con trai cũng có thể nhạy cảm, biết quan tâm, yêu văn học và nghệ thuật.

Tại Stanford vào năm 2014, Melinda Gates kể về công việc của mình với những cô gái “đi khách”. Nhiều năm trước, bà đi đến Ấn Độ để tuyên truyền về nguy hiểm của việc mại dâm và HIV/AIDS. Khi nói chuyện với những cô gái ấy, bà mới hiểu hơn về nguồn gốc của mại dâm và những câu chuyện họ phải đối mặt hàng ngày.

Họ bắt đầu đi vào làng mại dâm vì bị chồng và gia đình đánh đập, đối xử lạnh nhạt. Họ bước vào ngã rẽ để trang trải cuộc sống cho bản thân và con cái. Là gái mại dâm, họ bị xem là nỗi nhục của xã hội nên dù họ có bị cướp móc, đánh đập, hay hãm hiếp thì cũng chẳng ai quan tâm.

Từ quỹ từ thiện The Gates Foundation, Melinda và Bill Gates kết nối mạng lưới những cô gái “đi khách” để cùng nhau chia sẻ về an toàn trong tình dục và khuyến khích nhau yêu cầu khách hàng sử dụng bao cao su khi quan hệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy những nỗ lực dũng cảm của họ là lý do tỉ lệ AIDS ở Ấn Độ không bùng nổ trong những năm gần đây.

Một điều bất ngờ và kì diệu xảy ra khi những người phụ nữ này kết nối lại. Họ xây dựng mạng lưới để hỗ trợ nhau trong tất cả mọi việc xảy ra hàng ngày. Họ cùng nhau phòng chống bạo lực, báo cáo hành vi hãm hiếp, trộm cướp, cũng như khuyến khích định hướng tương lai, tiết kiệm tài chính, tìm đến con đường kinh doanh. Dần dần, họ trở nên tự chủ về tài chính và rút xa khỏi ngành mại dâm.

Melinda Gates từng nói: “Để tạo ra được nhiều thay đổi nhất, ta phải đến với những điều tồi tệ nhất”. Những bước đi để tạo nên sự thay đổi chẳng bao giờ là một trang sách màu hồng. Bước đầu tiên của sự thay đổi là thừa nhận rằng những việc mà ta cho là xấu xí, là nỗi nhục vì một lý do nào đó vẫn luôn tồn tại.

Vì nếu bình đẳng giới tính chỉ là ánh đèn hào quang của những người phụ nữ được nhận được nhiều đặc quyền như tôi, lại có quyền lực và năng độc lập về tài chính, thì tôi nghĩ rằng phong trào ấy mất đi tính chất “bình đẳng”. Phong trào bình quyền phải chạm đến cuộc sống của từng người phụ nữ: một người vợ nội gia, cô gái bán hoa ở chợ hay một người phụ nữ làm lãnh đạo trong một công ty. Phong trào ấy phải thay đổi và làm nhẹ bớt đi những gánh nặng của nam giới.

Nam giới cũng cần cố gắng tạo ra những mối quan hệ bình đẳng

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, vị tổng thống Mỹ đầu tiên tích cực công khai ủng hộ phong trào nữ quyền và bình đẳng giới từng phát biểu rằng: “Nam giới cũng có nghĩa vụ trong việc chống lại phân biệt giới tính. Là người chồng, người đồng nghiệp hay là bạn trai, chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa để có thể chú tâm vào việc tạo ra những mối quan hệ bình đẳng”.

Vào năm 2014, Liên hợp quốc cũng phát động chiến dịch HeforShe, nhằm kêu gọi sự quan tâm của nam giới và trẻ em trai với vai trò là những tác nhân của sự thay đổi trong việc hiện thực hóa bình đẳng giới và quyền của phụ nữ. Rõ ràng, trong chiến dịch thay đổi ấy, ta cần nhiều hơn nữa sự đóng góp của nam giới.

Tôi thấy nhiều tờ báo vẫn ca tụng hình tượng người thiếu nữ yếu đuối đứng bên cậu bạn trai mạnh mẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm chăm sóc cho cô ấy . Rồi ngày 8/3 này, cũng sẽ có nhiều người nổi tiếng, khoe trên mạng xã hội việc họ được bạn trai cưng chiều bằng những món hàng xa xỉ như thế nào.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhiều năm Việt Nam chỉ được xếp hạng 76 về bình đẳng giới tính và dường như, chúng ta vẫn chưa có nhiều nhân vật trong cộng đồng tích cực lên tiếng ủng hộ bình quyền.

Tôi mong, giới truyền thông sẽ tích cực phê phán hình ảnh những mối quan hệ phụ thuộc hơn nữa, khích lệ sự bình đẳng và xoá đi khái niệm về vai trò giới. Thêm vào đó, hy vọng rằng những nhân vật nổi tiếng trên khắp đất nước ta sẽ sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để tích cực hơn trong việc tác động mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ hướng đến một xã hội bình đẳng.

Làn sóng bình quyền ở Việt Nam sẽ bắt đầu vào ngày 8/3 này, không chỉ là ngày của những đoá hồng và những câu nói ngọt ngào.

Võ Tường An

(Tân sinh viên Đại học Stanford, Mỹ)