Ngành Tâm lý vẫn còn thiếu nhiều nhân lực

Ngành Tâm lý học đặc biệt có vai trò quan trọng trong xu thế ngày càng phát triển hiện nay. Tuy nhiên, số lượng trường đào tạo và số lượng thí sinh theo học ngành này chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực của xã hội. Đó là nhận định của PGS. TS. Trần Tuấn Lộ, giảng viên ngành Tâm lý học của Đại học Văn Hiến.

Trong những năm gần đây, tỉ lệ những người Việt mắc bệnh về rối loạn tâm lý như trầm cảm, tự kỷ ở người lớn, stress, ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân là do xã hội phát triển quá nhanh, con người không kịp thay đổi để thích nghi với môi trường và hoàn cảnh.

Ở người trưởng thành, căn bệnh tâm lý phổ biến là chứng trầm cảm. Trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dự đoán rằng năm 2020 sẽ có khoảng 121 triệu người mắc bệnh trầm cảm, bệnh này cướp đi mỗi năm trung bình 850.000 mạng người và là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu.Thế nhưng, ngày 10/10/2012, WHO cho biết trên thế giới đã có hơn 350 triệu người đang mắc bệnh trầm cảm và mỗi năm có khoảng 1 triệu người tự tử (trung bình mỗi ngày có 2.900 người tự tử ). Điều này cho thấy số người mắc bệnh trầm cảm trên thế giới đã tăng quá nhanh trong những năm gần đây.

Ngành Tâm lý vẫn còn thiếu nhiều nhân lực - 1

Theo TS Tô Thanh Phương (Bệnh viện Tâm thần Trung ương) thì có khoảng 15% dân số nước ta có vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Phần lớn bệnh nhân trầm cảm nặng thuộc lứa tuổi từ 16-35. Theo Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP), có tới 25,4% người dân có ý định tự tử; 15,6% có kế hoạch tự tử và thực hiện hành vi tự tử là 4,2%. Thật lấy làm ngạc nhiên khi biết có khoảng 3,78 triệu ngườiVN (4,2%) đã thực hiện hành vi tự tử.

Ngoài những bệnh phổ biến như trên, các vấn đề khác về tâm lý như: tâm lý học đường, tâm lý lứa tuổi dậy thì, tâm lí phụ nữ sau khi sinh, rối loạn cảm xúc… đều là những vấn đề tâm lý cần được quan tâm và cần có chuyên gia, bác sĩ tâm lý tham vấn, trị liệu kịp thời.

Triệu chứng của các bệnh tâm lý thường không rõ ràng, do vậy người bệnh thường chủ quan, đến lúc phát hiện bệnh thì đã đến giai đoạn nghiêm trọng. Đồng thời, việc trị liệu tâm lý cần thời gian, cần sự cố gắng của bệnh nhân và hỗ trợ đắc lực từ phía người thân, gia đình, bạn bè. Quá trình điều trị các bệnh tâm lý nặng đòi hòi sự kiên trì, tuân thủ chặt chẽ các liệu trình và ngăn ngừa sự tái phát. Cuộc sống hiện đại đem lại cho con người nhiều sự tự do về vật chất, tinh thần nhưng cũng đẩy không ít người đến những nỗi buồn khó giải thích, để rồi đối mặt với các nguy cơ vô cùng nguy hiểm. Vai trò ngành tâm lý học ngày càng quan trọng, ngoài việc điều trị cho các bệnh nhân, cần phải gia tăng sự nhận thức ngăn ngừa bệnh đối với mọi người và sự đồng cảm, chia sẻ của người thân, cộng đồng đối với những người có vấn đề tâm lý.

Ngành Tâm lý vẫn còn thiếu nhiều nhân lực - 2

Và thực tế cho thấy, số lượng thí sinh chọn ngành chủ yếu quan tâm đến lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, ít thí sinh nhận thấy vai trò của ngành tâm lý, xã hội. Do vậy, một số ngành theo xu thế đã dư thừa nguồn lao động như ngân hàng, giáo viên… trong khi đó có những ngành lại không đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu như ngành tâm lý, xã hội.

PGS – TS Trần Tuấn Lộ, giảng viên ngành Tâm lý học của Đại học Văn Hiến cho biết: “Ngành Tâm lý học đặc biệt có vai trò quan trọng trong xu thế ngày càng phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, số lượng trường đào tạo và số lượng thí sinh theo học ngành này chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực của xã hội.

Riêng tại trường Đại học Văn Hiến, mỗi năm có khoảng 60 sinh viên nhập học ngành Tâm lý học. Những trải nghiệm trong quá trình thực tế giúp các em hiểu và đam mê với môn học và với nghề nhiều hơn, bởi vai trò của ngành Tâm lý học là giúp cho những người có vấn đề tâm lý thoát khỏi sự bế tắc của họ. Mỗi lần cùng tham gia trị liệu cho bệnh nhân tại các trung tâm, bệnh viện là một lần các em cảm nhận được sự đóng góp tích cực, mang lại điều tốt đẹp cho người khác cũng như cho bản thân mình. Những em thích nghiên cứu chuyên sâu thì theo chuyên ngành tâm lý học tham vấn và trị liệu, những em thích làm việc trong doanh nghiệp thì lựa chọn chuyên ngành tâm lý học quản trị nhân sự, còn những em năng động hơn thì lựa chọn chuyên ngành Tâm lý học học đường. Sau hơn 19 năm đào tạo, nhiều cựu sinh viên của trường đảm nhận vị trí quan trọng trong bệnh viện, trung tâm điều trị tâm lý hoặc tự lập các đề án riêng để phát triển ngành nghề.”