Nếu không thi tốt nghiệp THPT, học sinh được cấp bằng thế nào?

(Dân trí) - Trình luật Giáo dục (sửa đổi) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/9, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, học sinh học hết chương trình THPT, nếu đủ điều kiện thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình, nếu được dự thi và đạt yêu cầu thì được Giám đốc Sở GD-ĐT cấp bằng tốt nghiệp…

Tờ trình của Chính phủ về dự án luật Giáo dục (sửa đổi) nhấn mạnh, dự thảo luật đã đưa vào các quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; sách giáo khoa điện tử, học liệu…

Dự luật cũng bổ sung quy định việc thực nghiệm một số nội dung, phương thức giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông (khoản 2,3 và 4 Điều 29), rà soát, bổ sung quy định vai trò, chương trình giáo dục của trường chuyên (Điều 59).

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình luật Giáo dục (sửa đổi) trước UB Thường vụ Quốc hội
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình luật Giáo dục (sửa đổi) trước UB Thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, để tạo điều kiện phân luồng và liên thông trong giáo dục, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và được dự thi nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc Sở GD-ĐT cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (khoản 3 Điều 31).

Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng sửa đổi khoản 3, khoản 4 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp theo hướng bổ sung đối tượng người học đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, bên cạnh người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (khoản 3 Điều 118).

Nêu quan điểm thẩm tra về vấn đề thi tốt nghiệp THPT và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, đa số thường trực UB quan điểm, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, điều chỉnh việc dạy học và kiểm tra đánh giá quá trình giáo dục phổ thông, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục.

Tuy nhiên, ông Bình cũng cho biết, với việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, thường trực UB Văn hoá, Giáo dục đề nghị ban soạn thảo luật làm rõ giá trị pháp lý của giấy chứng nhận này so với bằng tốt nghiệp THPT.

Về việc thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, cơ quan thẩm tra luật cho rằng, do thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế. Một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội.

Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc áp dụng đại trà sẽ có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, trong đó làm rõ các nội dung về quy trình, mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy mô, thời gian thực hiện thí điểm.

Về chính sách đối với người học, ban soạn thảo luật sửa đổi quy định về phổ cập giáo dục, phổ cập giáo dục bắt buộc (Điều 13). Bổ sung chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập (khoản 1 Điều 95).

Về chính sách đối với nhà giáo, dự thảo luật đã sắp xếp lại các nội dung trong chương nhà giáo (Chương IV), tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của nhà giáo; sửa đổi quy định về tiền lương của nhà giáo theo hướng nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ (Điều 74).

Về đầu tư và tài chính cho giáo dục, dự luật quy định cụ thể tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước (Điều 92). Luật cũng sửa đổi quy định học phí theo hướng: mức thu học phí được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo; cách tính chi phí dịch vụ giáo dục và thẩm quyền quy định cơ chế thu và sử dụng học phí, thẩm quyền quy định mức học phí, khung học phí (Điều 95).

P.Thảo