Nên tăng điểm sàn đại học, cao đẳng

(Dân trí) -Không thể bỏ điểm sàn? Nên tăng mức điểm sàn lên 15-16 điểm; xây dựng điểm sàn theo từng tốp trường? Chỉ nên cộng điểm ưu tiên chỉ nên thực hiện ở ngành khó tuyển... Đó là một số ý kiến của độc giả hiến kế về điểm sàn ĐH-CĐ 2013 gửi tới báo <i>Dân trí</i>.

Điểm sàn nên là 15

Độc giả ở địa chỉ email nguyenthanhchuongk30@gmail.com cho rằng: “Hiện nay trên cả nước có quá nhiều trường đại học, cao đẳng vì vậy lượng sinh viên ra trường hàng năm quá nhiều dẫn đến hậu quả là cung vượt xa cầu. Điều quan trọng và đáng quan tâm nhất là chất lượng đào tạo ngày càng kém. Một số lượng lớn sinh viên học chỉ cốt để lấy tấm bằng bằng mọi cách còn khi ra trường thì đã có người quen lo công việc. Vì vậy điều cần thiết bây giờ dù hơi muộn là chúng ta phải chú trọng chất lượng đầu vào. Những năm trước có trường thí sinh thi chỉ vài điểm cũng đậu thì thật đáng buồn và hạ thấp giá trị những người thực giỏi, đừng quá thị trường hóa nền giáo dục như thế. Theo tôi nên căn cứ vào điểm sàn những năm trước để quy định điểm sàn năm nay."

Độc giả này đưa ví dụ: Tạm lấy điểm sàn năm trước là 14 điểm, nếu thấy số lượng thí sinh năm đó đạt trên 14 điểm quá lớn mà lượng thí sinh đạt mức 14 điểm rất ít thì trong năm nay chúng ta phải tăng điểm sàn lên 15 hoặc 16 điểm và các năm sau cũng áp dụng hình thức này thì chất lượng đầu vào chắc chắn sẽ ngày càng tăng. Một điều quan trọng nữa là chúng ta không nên thấy nhiều trường kém chất lượng thiếu sinh viên mà hạ mức điểm sàn vì làm như vậy nếu các trường đó có tuyển đủ sinh viên thì cũng chẳng khác gì hình thức hạ giá để bán được hàng hóa kém chất lượng cả, làm như vậy là bán rẻ cả một nền giáo dục.

Đồng quan điểm, độc giả ở địa chỉ email minhmp3@gmail.com cho rằng Bộ GD-ĐT nên quy định mức điểm sàn cho từng cấp bậc cao đẳng và đại học, ví dụ: 12-15 điểm đạt mức cao đẳng, 16-24 điểm cho trình độ đại học và trên 24 điểm được tuyển thẳng vào trường đăng kí dự thi.

Còn độc giả ở địa chỉ email vietnguyen128@gmail.com viết mục đích điểm sàn mà Bộ Giáo dục đặt ra là để đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường đại học vì thế theo mình mức điểm sàn phải ở mức trung bình tức là 5 điểm cho mỗi môn (hoặc tổng điểm là 15 điểm cho 3 môn). Tuy nhiên khi với mức điểm sàn này thì việc các trường đại học thiếu chỉ tiêu sẽ là rất lớn nhưng vì thế mà hạ điểm sàn thì theo mình là không cần thiết. Độc giả đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này trong ngắn hạn. Cụ thể, cho sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng các tốt nghiệp loại Khá trở lên được thi 1 kỳ thi gồm các môn chuyên ngành mình học vào đúng ngành tại các trường đại học có chuyên ngành đó (tránh tình trạng "liên thông" trái chuyên ngành). Bên cạnh đó, tạo thêm một đối tượng được cộng điểm đó là học sinh các trường chuyên trong cả nước vì hệ thống các trường chuyên trong cả nước đang có một cơ chế tuyển sinh và đào tạo rất tốt. Bởi về cơ bản học sinh tại các trường này có tư chất hơn, có thể xếp vào diện “học tài thi phận”. Việc này nghe có vẻ vô lý nhưng đối tượng áp dụng theo mình cũng có 1 số quy định là: Việc cộng điểm chỉ được xét từ nguyện vọng 2 trở đi, việc cộng điểm chỉ áp dụng đối với các trường dân lập hoặc các ngành thường xuyên thiếu sinh viên của các trường công lập; Học sinh phải có bằng tốt nghiệp THPT từ Khá trở lên.
 
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến xây dựng điểm sàn hợp lý cho tuyển sinh ĐH, CĐ 2013
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến xây dựng điểm sàn hợp lý cho tuyển sinh ĐH, CĐ 2013.

Cần có điểm sàn hợp lý!

Sinh viên một trường CĐ ở miền Nam có địa chỉ email nguyenvanhai1294@gmail.com góp ý: Điểm sàn là mức để các trường có thể lấy được một nguồn đầu vào có chất lượng nhất định, vì vậy việc bỏ điểm sàn là không thể. Nếu bỏ điểm sàn có thể đầu vào chất lượng quá thấp, không đáp ứng đủ cho chất lượng đầu ra. Điểm sàn là không thể bỏ, nhưng thực trạng điểm sàn không đánh giá đúng chất lượng hoàn toàn là sự thật... Sinh viên này lấy ví dụ: Kì thi ĐH năm trước, em cộng cả điểm vùng tổng là 12,5 điểm, điểm sàn năm trước là 13 điểm, và giờ em phải học CĐ vì thiếu nửa điểm. Nhưng có điều, nhiều bạn học lực khá yếu (vì học cùng em nên em biết), môn toán thi tự luận thì làm không được, nhưng thi trắc nghiệm nhờ đánh "lụi" hay nhờ sự giúp đỡ của người cùng phòng lại đủ điểm sàn vào học bậc ĐH, vậy trường hợp này điểm sàn có quyết định chất lượng được không? Mà trường hợp này không phải là ít, nhiều lắm.

Bên cạnh đó, em sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn miền Trung, nơi mà hằng năm có trung bình 7, 8 cơn bão đi qua, những gia đình nơi em hằng năm đều sống chung với lũ lụt, thiệt hại rất nhiều, nhưng tụi em đi thi tính điểm khu vực là cộng 1 điểm, trong khi mấy bạn ở miền Tây, có những người ở thị trấn hẳn hoi, thiên tai không có lại được cộng 1 điểm rưỡi... nửa điểm không đáng kể, nhưng như trường hợp của em nửa điểm cũng đủ phân định là ĐH hay CĐ... Điều bất hợp lí này chả phải do điểm sàn gây ra hay sao? Điểm sàn theo em là không nên quá thấp và cũng không được quá cao, vì nó ảnh hưởng đến một thế hệ sinh viên nước nhà...

Còn độc giả ở địa chỉ email tranthach207@gmail.com viết: Tôi là một người nông dân hiện nay có 2 con đang học ĐH cả hai đứa đều là học sinh tiên tiến và đều tốt nghiệp loại khá nhưng khi thi đại học chỉ đạt điểm sàn của các trường đại học vùng. Do vậy, tôi có một vài ý kiến về điểm sàn vào đại học. Theo tôi chưa nên bỏ điểm sàn vì đó là mức kiến thức tối thiểu để bước vào ngưỡng cửa tri thức. Nếu muốn bỏ điểm sàn thì Bộ GD cũng nên thống kê số lượng học sinh học lực trung bình đạt điểm sàn là bao nhiêu phần trăm. Nếu đánh đồng bỏ điểm sàn để cứu các trường ngoài công lập theo tôi đó là một việc làm có tội vì anh không đủ năng lực vào đại học mà vào đại học thì tốn tiền cuả gia đình và của xã hội. Còn học xong mà không xin được việc thì cái đó lãng phí quá lớn. Hiện giờ nhân lực đại học đang dư thừa thì những trường nào tuyển không đủ 50% sinh viên hai năm liền thì nên đưa xuống đào tạo bậc cao đẳng chứ không nên để lãng phí chất xám.

Độc giả ở địa chỉ email lapducdtc@gmail.com cho hay, điểm sàn nên giữ để phân loại được học sinh. Nhưng nên chia các trường đại học ra thành nhiều tốp và lấy điểm sàn theo từng tốp. Ví dụ: các trường ở tốp trên nên lấy điểm sàn cao và cứ thế giảm dần xuống. Như vậy sẽ chia đều sinh viên cho các trường đại học mà vẫn đảm bảo sinh viên có học lực đủ để học chương trình đại học.

 
Hồng Hạnh (tổng hợp)