Nên chăng thay đổi mô hình đại học quốc gia và đại học vùng?

(Dân trí) - Mô hình hiện tại của các đại học quốc gia và đại học vùng, một sản phẩm có tính “biện pháp tình thế” trong quá trình đổi mới giáo dục đại học (GD ĐH), gặp nhiều vấn đề gay cấn, làm cho các cơ sở đó không phát triển mạnh mẽ như mong muốn. Nên chăng thay đổi mô hình đại học quốc gia và đại học vùng?


ĐH Quốc gia TP.HCM

ĐH Quốc gia TP.HCM

Bộ đại học nhỏ”

Phân tích về quá trình thành lập và hoạt động của các “đại học” quốc gia và “đại học” vùng, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho rằng, thay đổi mô hình các cơ sở GD ĐH là một trong những chủ trương quan trọng của đổi mới GD ĐH. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng các ĐH quốc gia và ĐH vùng theo mô hình đại học đa lĩnh vực diễn không được suôn sẻ, theo nhiều tình huống khác nhau. Cụ thể:

Đối với ĐH QGHN, Nghị định 97/CP ngày 10/12/1993 đã quyết định sáp nhập ĐH Tổng hợp với ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Sau một thời gian nhập mà không hòa, năm 2000 trường ĐH Sư phạm lại được quyết định tách ra khỏi ĐH QGHN.

Đối với ĐH QG TP.HCM, vào đầu thời kỳ đổi mới, khoảng năm 1988, quy mô các trường đại học nước ta đều rất nhỏ bé nên sáp nhật 9 trường đại học trên địa bàn TP.HCM để thành lập ĐH QGTP.HCM đã được đề xuất và Nghị định 16/CP của Chính phủ ngày 27/1/1995 đã quyết định trên tinh thần đó.

Tuy nhiên, việc sáp nhập nhiều trường đại học đơn ngành đã tăng lên rất nhiều, do đó, việc sáp nhập quá nhiều trường đại học đơn ngành sẽ tạo nên một đại học đa lĩnh vực quá lớn. Đó là lý do mà năm 2001 Chính phủ quyết định tổ chức lại và giảm bớt quy mô của ĐH QG TP.HCM bằng cách đưa ra ngoài một số trường thành viên.

Những khó khăn về tổ chức trong quá trình thành lập các ĐH quốc gia và ĐH vùng đã dẫn đến một hệ quả đáng tiếc là các đại học đa lĩnh vực không giữ được mô hình university như đã thiết kế. Một trong những lý do thực chất làm cho các trường thành viên phản đối khi sáp nhập, đó là khả năng mất nhiều “ghế” quản lý và quan niệm “trường” bị hạ cấp thành “khoa”.

Các nhà tổ chức phải thỏa hiệp bằng cách hứa hẹn giữ nguyên các vị trí trường thành viên, không thay đổi các chức vụ quản lý trước đây, do đó các quy chế được xây dựng theo mô hình các đại học hai cấp.

Theo mô hình này, hoạt động trong các trường thành viên hầu như vẫn giữ nguyên như cũ, kết nối các trường thành viên với nhau rất lỏng lẻo, các cấp trên cùng của “đại học” thực hiện một cơ chế quản lý trung gian gián tiếp, giống như “Bộ đại học” nhỏ.

GS Thiệp cho rằng, mô hình đại học hai cấp chỉ là một giải pháp tình thế trong quá trình xây dựng các đại học đa lĩnh vực chứ không phải mô hình của những người thiết kế mong muốn, mô hình này không giữ được thế mạnh của mô hình đại học đa lĩnh vực và làm nảy sinh một số vấn đề về tổ chức.

Hai đại học quốc gia được nâng cấp quản lý trở thành trực thuộc Chính phủ nên các trường thành viên xem như trực thuộc ĐH QG, ngang với cấp bộ, do đó không tạo nên gay cấn lớn về quản lý. Còn các đại học vùng vẫn giữ trực thuộc Bộ GD&ĐT và các trường thành viên đại học vùng, giảm một cấp so với trước khi sáp nhập. Vì cấp đại học vùng được tổ chức như một cấp trung gian đối với các trường thành viên, không quản lý trực tiếp, nên nảy sinh vấn đề hạ cấp các trường thành viên.

Từ khi thành lập đến nay gay cấn về quản lý đại học vùng luôn tồn tại, phần lớn các trường thành viên đều muốn thoát khỏi đại học vùng để trở thành một trường độc lập. Mặt khác, cơ chế gắn kết lỏng lẻo theo hai cấp làm cho các trường thành viên đơn lĩnh vực của đại học vùng không phát huy được ưu thế của mô hình đại học đa lĩnh vực.

Một mô hình “không giống ai”

The World Bank, 2018 (WB) nhận xét về dự thảo Luật GD ĐH Việt Nam, trong đó có mô hình đại học quốc gia và cho rằng đây là mô hình duy nhất độc đáo tại Việt Nam không thấy ở bất kỳ nước nào trên thế giới. Một mô hình “không giống ai” trên thế giới.

Nói về nhược điểm của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH QG TP.HCM, theo các chuyên gia WB là: “Không tận hưởng được hết ưu thế về tài năng, kiến thức và tiềm lực hiện có bị phân tán trong một số lớn cơ sở tách biệt.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng các cơ sở đại học phi tập trung hoạt động kiểu như các trường thành viên độc lập gắn kết yếu gặp thách thức lớn nhằm chuyển đổi và tăng cường hoạt động bởi vì mỗi trường thành viên đều có kế hoạch và ưu tiên của riêng mình, không nhất thiết phải gắn chặt với mục tiêu chung của đại học lớn. Sự thiếu tích hợp làm cho chúng không thể tạo nên một sự đồng nhất cốt lõi và một tình cảm chung về mục đích.

Khi không có một tầm nhìn chung, nhiệm vụ thiết kế và thực hiện một dự án phát triển đổi mới cho toàn bộ trường đại học trở thành bất lực. Các cơ sở đại học phi tập trung có xu hướng trở thành không hiệu quả vì sự trùng lặp của việc cung cấp các khóa học và các cấu trúc hành chính.

Các hoạt động trong giảng dạy và nghiên cứu vẫn được giữ trong nội bộ các trường và khoa riêng biệt. Những nỗ lực đa ngành bị cản trở. Các nguồn lực tài chính và khoa học không được chia sẻ rộng rãi”.

Nên chăng thay đổi mô hình đại học quốc gia và đại học vùng?

Theo GS Lâm Quang Thiệp, các đại học quốc gia và đại học vùng là các cơ sở GD ĐH quan trọng của hệ thống GD ĐH Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình hiện tại của các đại học quốc gia và đại học vùng, một sản phẩm có tính “biện pháp tình thế” trong quá trình đổi mới GD ĐH, gặp nhiều vấn đề gay cấn, làm cho các cơ sở đó không phát triển mạnh mẽ như mong muốn.

Trong tình hình nói trên, có nên đặt vấn đề thay đổi mô hình của các đại học quốc gia và đại học vùng hay không?

GS Thiệp cho rằng: “Đây là vấn đề lớn của Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi những người trong cuộc có theo dõi diễn biến của việc xây dựng các đại học quốc gia và đại học vùng trong quá trình đổi mới GD ĐH và của các chuyên gia GD ĐH của WB đề xuất: Hệ thống GD ĐH nước ta nên xây dựng theo các mô hình university (đại học đa lĩnh vực) thực sự, không nên sử dụng đại học hai cấp. Muốn vậy, tùy theo điều kiện cụ thể nên xử lý một đại học hai cấp nào đó theo một trong hai giải pháp:

Thứ nhất, cho phép các trường thành viên đơn ngành đơn lĩnh vực phát triển thành các university và đại học hai cấp biến thành một tập đoàn các university với sự liên kết rất lỏng lẻo theo kiểu UC hoặc CSU của bang California, Hoa Kỳ.

Thứ hai, đại học hai cấp chuyển thành một university đơn nhất thực sự, thay đổi bộ phận điều phối trung gian thành cấp điều hành trực tiếp, toàn bộ university có một chương trình đào tạo chung, như kiểu ĐH Cần Thơ và một số đại học đa lĩnh vực khác ở nước ta.

Trong văn bản (The World Bank, 2018) các chuyên gia GD ĐH của WB cũng đề xuất các giải pháp thay đổi mô hình của các đại học quốc gia và đại học vùng. Cụ thể: “trong university” nên có các trường (Schools, institutes, faculties) chứ không phải các “university”.

Luật GD ĐH sửa đổi nên tạo một điểm gặp tích hợp các đại học thành viên vào một “university” mạnh mẽ và thống nhất nhằm dẫn đến sự xuất sắc về học thuật và công nhận quốc tế.

Việc tái cấu trúc dần dần sẽ làm hài hòa các thiết chế quản trị, và nếu quản lý tốt, nó có thể mang lại lợi ích quan trọng như các nguồn lực được chia sẻ chung, và các nỗ lực được hợp tác cho phép university thống nhất phát huy ưu thế so sánh của nó và tạo nên nền học vấn theo các cách chưa từng có.

Hay một cách tiếp cận khác, ưu tiên thấp hơn nhưng vẫn tốt hơn hiện trạng là: “Cho phép giám đốc đại học lớn được lựa chọn và bổ nhiệm hiệu trưởng các trường thành viên và có toàn quyền phân phối ngân sách cho các trường thành viên, cũng như có quyền lực các chức vụ học thuật và quản lý cao cấp trong các trường thành viên”.

Cùng với việc sửa đổi Luật GD ĐH và ban hành các chủ trương tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GD ĐH, GS Thiệp cho rằng, hy vọng Nhà nước sẽ có chủ trương điều chỉnh mô hình các đại học quốc gia và đại học vùng nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả của chúng, vì các cơ sở GD ĐH đó có tác động quan trọng và lâu dài đến sự phát triển của hệ thống GD ĐH nước ta.

Hồng Hạnh (ghi)