Nên bỏ hẳn kỳ thi tuyển vào lớp 10

Theo ý kiến nhiều người, Bộ GD-ĐT nên có quyết định bỏ hẳn kỳ thi tuyển vào 10, mà chỉ cần xét tuyển là hợp lý nhất, không để cho các địa phương tùy tiện…

Trong cuộc họp giao ban với các giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh, thành vừa qua, Bộ GD-ĐT đã cho phép các địa phương tự lựa chọn các phương án xét tuyển hoặc thi tuyển vào lớp 10.

 

Việc làm đó tuy có tăng thêm quyền hạn cho các địa phương, nhưng trong thực tế lại nảy sinh nhiều vấn đề khó xử. Theo dư luận của nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh, có mấy điều bất cập sau đây:

 

- Một là, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương bỏ kỳ thi tốt nghiệp bậc THCS (lớp 9) để giảm bớt áp lực trong tình hình hiện nay, vì chương trình quá tải, phương pháp dạy học lạc hậu. Nay bộ lại để cho các địa phương tùy tiện muốn thi tuyển vào lớp 10 thì thi, sẽ xảy ra tình trạng lộn xộn. Địa phương nào tổ chức thi, hóa ra là chỉ chuyển đổi từ kỳ thi này sang kỳ thi khác. Vì có tới gần 100% học sinh lớp 9 đều dự thi vào lớp 10. Áp lực còn nặng hơn thi tốt nghiệp lớp 9, phụ huynh nào cũng muốn con em mình thi đạt điểm cao để được vào học các trường công, trường chuẩn quốc gia, vào các lớp chọn.

 

Đó là chưa kể một kỳ thi cho học sinh có lực học khá, giỏi để tuyển vào trường chuyên. Tình trạng dạy và học thêm tràn lan sẽ gia tăng, và nhiều hiện tượng tiêu cực sẽ kéo theo trong chuyện “chạy trường”.

 

- Hai là, nếu không có sự chỉ đạo thống nhất của bộ, thì địa phương này thi đề dễ, địa phương kia thi đề khó, địa phương khác lại không thi mà chỉ xét tuyển vào 10. Nơi làm nghiêm túc, nơi lại “thả phanh”. Hóa ra chẳng còn “chuẩn mực” gì nữa để đánh giá đầu vào lớp 10 của học sinh cả nước. Bộ GD-ĐT là người “cầm cân nảy mực” cho các địa phương, sao lại có thể “thả lỏng” như thế?

 

Theo ý kiến nhiều người, Bộ GD-ĐT nên có quyết định bỏ hẳn kỳ thi tuyển vào 10, mà chỉ cần xét tuyển là hợp lý nhất, không để cho các địa phương tùy tiện. Nếu có thi vào 10 thì chỉ dành cho các trường THPT chuyên của các tỉnh, thành. Làm được như thế sẽ giảm được áp lực thi cử cho xã hội, đỡ tốn kém tiền bạc cho dân. Và đặc biệt giảm được nạn dạy và học thêm tràn lan, giảm được các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

 

Theo Lê Xuân

Người Lao Động