Nam Định: Sẽ kiểm điểm Hiệu trưởng nôn nóng làm công tác xã hội hóa

(Dân trí)-Theo kết luận của Phòng GD-ĐT huyện Ý Yên (Nam Định), Trường tiểu học thị trấn Lâm chưa bám sát các văn bản quy định của nhà nước về công tác quản lý thu-chi, vì vậy đã lẫn lộn giữa khoản thu theo quy định và khoản huy động thu từ nguồn xã hội hóa giáo dục.

Sau khi Dân trí phản ánh việc Trường tiểu học thị trấn Lâm (huyện Ý Yên, Nam Định) cương quyết làm công tác xã hội hóa khi chưa nhận được hết sự đồng thuận của các phụ huynh, Phòng GD-ĐT huyện Ý Yên đã nhanh chóng vào cuộc xác minh để làm rõ vấn đề.

Mới dự kiến, chưa thu của phụ huynh

Trong công văn gửi báo Dân trí, ông Phạm Mạnh Tuân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ý Yên cho biết: Ngay sau khi nhận được đơn thư phản ánh của phụ huynh học sinh (PHHS)cũng như qua kênh của báo Dân trí, Phòng GD-ĐT đã yêu cầu Trường tiểu học thị trấn Lâm báo cáo giải trình về các khoản thu đầu năm học 2014 - 2015; Bên cạnh đó, Phòng cũng yêu cầu trường rà soát, kiểm tra các khoản thu theo quy định, các khoản thu thỏa thuận, tự nguyện theo tinh thần xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ các hoạt động dạy và học. Quan điểm của Phòng là kiên quyết dừng lại những khoản thu không đúng theo quy định, những khoản thu chưa được sự nhất trí cao của PHHS.

Sau khi nhận được báo cáo của Trường tiểu học thị trấn Lâm về việc giải quyết nội dung đơn phản ánh, Phòng GD-ĐT Ý Yên đã tiến hành kiểm tra việc giải quyết các nội dung đơn phản ánh kiến nghị của nhà trường.

“Phòng GD-ĐT Ý Yên trân trọng cảm ơn Quý Báo và mong đuợc sự ủng hộ, giúp đỡ của Quý Báo để ngành GD-ĐT huyện Ý Yên tiếp tục ổn định, phát triển bên vững, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay” - ông Phạm Mạnh Tuân - - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ý Yên bày tỏ trong công văn gửi báo Dân trí

Kết quả kiểm tra của Phòng GD-ĐT huyện Ý Yên cho thấy, năm học 2014-2015, Trường tiểu học thị trấn Lâm cùng với Thường trực Ban đại diện cha mẹ HS dự kiến các khoản thu để phụ huynh bàn bạc và thống nhất. Các khoản thu nêu ở trong đơn phụ huynh phản ánh đúng với các khoản thu theo dự kiến (riêng khoản tiền tu bổ bàn ghế 50.000đ/HS của lớp 5 là không có trong kế hoạch, các khoản thu quỹ lớp, quỹ thuê người trực nhật là do tự phát của phụ huynh ở một số lớp). Tại thời điểm có đơn phản ánh, nhà trường và Ban đại diện cha mẹ HS vẫn chưa thu một khoản nào.

Cũng theo công văn này, Phòng GD-ĐT huyện Ý Yên cho biết thêm: Thực hiện sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT, UBND thị trấn Lâm, Trường tiểu học thị trấn Lâm đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến phản ánh kiến nghị của PHHS và triển khai giải quyết. Cụ thể, hiệu trưởng nhà trường đã tiếp thu, giải trình những thắc mắc của những phụ huynh chưa đồng tình về dự kiến các khoản thu nộp đầu năm học. Tiếp thu ý kiến phản ánh, kiến nghị của PHHS, nhà trường tổ chức họp Ban đại diện cha mẹ HS; đồng thời cùng với Ban đại diện cha mẹ HS rà soát, xem xét lại các khoản dự kiến thu và mức thu, điều chỉnh lại kế hoạch các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện theo tinh thần xã hội hóa giáo dục.

Trường tiểu học thị trấn Lâm (huyện Ý Yên, Nam Định).
Trường tiểu học thị trấn Lâm (huyện Ý Yên, Nam Định).

Sau khi họp bàn nhà trường và Ban đại diện cha mẹ HS thống nhất điều chỉnh, dừng không thu một số khoản. Cụ thể, nhà trường không tổ chức dạy Tin học cho HS lớp 3 nên không hợp đồng thêm giáo viên dạy Tin học, do đó HS lớp 4, 5 học Tin học không phải nộp tiền hỗ trợ giáo viên dạy hợp đồng. Đồng thời, không phát động hỗ trợ nâng cấp phòng Tin học. Không tổ chức bồi dưỡng nghệ thuật và rèn luyện kỹ năng sống cho HS, do đó HS không phải hỗ trợ tiền bồi dưỡng cho giáo viên.

Ghế ngồi và đồ dùng học tập của HS lớp 1 do phụ huynh tự mua sắm theo mẫu mã quy định của nhà trường. Không thỏa thuận thu tiền coi xe cho HS lớp 4, 5; HS mang xe đến trường phải có khóa cẩn thận.

Nhà trường và Ban đại diện cha mẹ HS thống nhất dừng huy động quỹ hỗ trợ HS nghèo, quỹ phục vụ điện; đồng thời chỉ đạo các lớp không tổ chức xây dựng quỹ lớp, quỹ thuê người trực nhật và quỹ trang trí lớp học.

Nhà trường và Ban đại diện cha mẹ HS thống nhất tập trung huy động các khoản thu, mức thu gồm: Bảo hiểm Y tế: 289.800 đồng/HS/năm; Bảo Việt: 100.000 đồng/HS/năm (tự nguyện tham gia); Hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất: 120.000 đồng/HS/năm; Hỗ trợ bảo vệ, vệ sinh môi trường và chi trả tiền điện: 10.000 đồng/HS/tháng; Hỗ trợ các hoạt động dạy và học: 100.000 đồng/HS/năm; Quỹ hoạt động của Hội Cha mẹ HS: 50.000 đồng/HS/năm.

Đồng phục HS do Thường trực Ban đại diện cha mẹ HS đại diện các phụ huynh tổ chức hợp đồng mua sắm, mẫu mã theo quy định của nhà trường; Nhà trường mua hộ HS sổ liên lạc…theo giá quy định; HS nộp “Kế hoạch nhỏ” bằng sản phẩm giấy loại, không quy đổi thu bằng tiền.

Chiều ngày 30 và ngày 31/10/2014, nhà trường cùng Ban đại diện cha mẹ HS tổ chức họp phụ huynh tất cả các lớp và thông báo điều chỉnh, dừng thu một số khoản thỏa thuận. Kết quả: Tất cả các phụ huynh dự họp, trong đó có cả những phụ huynh trước đây chưa đồng tình đã nhất trí với các khoản thu nêu trên.

Sẽ kiểm điểm Hiệu trưởng

Theo đánh giá của Phòng GD-ĐT huyện Ý Yên thì việc dự kiến các khoản thu như đã nêu trong đơn của Trường tiểu học thị trấn Lâm nhằm tập trung huy động nguồn lực từ việc thực hiện xã hội hóa giáo dục để hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất và hỗ trợ hoạt động dạy học của nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Tuy nhiên, trường tiểu học thị trấn Lâm chưa bám sát các văn bản quy định của nhà nước về công tác quản lý thu chi, chính vì vậy đã lẫn lộn giữa các khoản thu theo quy định và các khoản huy động thu từ nguồn xã hội hóa giáo dục. Việc phối hợp giữa nhà trường với Thường trực Ban đại diện cha mẹ HS tổ chức triển khai thực hiện khuyến khích đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để hỗ trợ cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ hoạt động dạy và học của nhà trường chưa tạo được sự đồng thuận cao của PHHS và chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Nhà trường chưa kịp thời tổ chức họp lại với một số PHHS chưa có quan điểm đồng thuận tại Hội nghị PHHS toàn trường ngày 13/9/2014 để tiếp thu, giải trình những ý kiến thắc mắc về dự kiến các khoản thu đầu năm học.

Từ những đánh giá này, Phòng GD-ĐT Ý Yên đã yêu cầu nhà trường tiểu học thị trấn Lâm tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục những tồn tại hạn chế.

Ban giám hiệu nhà trường, trước hết là Hiệu trưởng phải nghiêm túc kiểm điểm những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đơn vị, nhất là việc xây dựng kế hoạch thu các khoản đóng góp của HS và việc huy động các nguồn lực từ xã hội hóa giáo dục.

Công văn của Phòng GD-ĐT huyện Ý Yên gửi báo
Công văn của Phòng GD-ĐT huyện Ý Yên gửi báo Dân trí.

Bên cạnh đó, nghiên cứu các văn bản về quản lý các khoản thu đối với cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do tỉnh quản lý từ năm học 2011-2012 đến năm học 2014-2015 để tổ chức thực hiện đúng quy định. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của các cấp có thẩm quyền và của nhà trường tới cán bộ, giáo viên và PHHS. Đặc biệt trong tổ chức triển khai thực hiện việc khuyến khích đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ hoạt động dạy học của nhà trường đảm bảo đúng quy định của các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Rà soát và hoàn thiện các quy chế, quy định về quản lý nội bộ của đơn vị làm cơ sở để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo khoa học, không để xảy ra các sai phạm. Tăng cường công tác quản lý các nguồn thu, tổ chức thực hiện tốt việc công khai minh bạch các nguồn thu theo quy định. Tập trung trí tuệ, đoàn kết thống nhất trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và lực lượng PHHS của nhà trường để phát huy sức mạnh tập thể, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học.

Phòng GD-ĐT cũng yêu cầu Trường tiểu học thị trấn Lâm lập dự toán thu đúng, đủ theo kế hoạch đã điều chỉnh được toàn thể PHHS để đảm bảo chi đúng, chi đủ theo từng danh mục công việc, tránh gây lãng phí nguồn thu.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ý Yên cũng giao cho các bộ phận Tổ chức cán bộ, Giáo dục tiểu học, Tài chính... căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là công tác quản lý thu, chi đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời các những sai phạm (nếu có) nhằm giúp nhà trường tiếp tục ổn định, duy trì và phát triển các hoạt động giáo dục.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét và có hình thức kiểm điểm đối với Hiệu trưởng và Ban giám hiệu nhà trường sau khi xin ý kiến của cấp trên” - ông Phạm Mạnh Tuân cho biết.

Nguyễn Hùng