Năm 2021: Thách thức và vận hội cho đại học sáng tạo, đột phá phát triển

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Cuộc cách mạng công nghiệp mới đang mở ra cơ hội cho nhiều đại học có thể phát triển vươn tầm mà không nhất thiết trải qua quy trình phát triển đã có hoặc tuân thủ theo các thông lệ truyền thống.

Năm mới Tân Sửu 2021, năm bản lề cho sự phát triển của nhiều trường đại học thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII với chủ trương và những giải pháp đột phá đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người cho giai đoạn 2021-2030.

Năm 2021: Thách thức và vận hội cho đại học sáng tạo, đột phá phát triển - 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Nâng cao chất lượng giáo dục đại học là trách nhiệm lớn với đất nước"

Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học được đẩy mạnh, tính đến ngày 31/01/2021, có 63% trường đại học được kiểm định, 342 chương trình đào tạo được kiểm định. Hiện nay, Bộ GDĐT đang chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của các nhóm ngành - đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để minh bạch và nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nâng cao chất lượng giáo dục đại học là nhiệm vụ rất quan trọng, nhận nhiệm vụ này đồng nghĩa với nhận trách nhiệm lớn với đất nước. 

Theo Bộ trưởng, có 3 trụ cột chính nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, theo Bộ trưởng, cần được bám sát là: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức. Đối với đào tạo, Bộ trưởng lưu ý đến việc sớm ban hành được các chuẩn chương trình đào tạo của các nhóm ngành, căn cứ vào đó để giám sát, kiểm tra, minh bạch chất lượng đào tạo.

Đối với nghiên cứu khoa học, cốt lõi là hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học, từ đó lan tỏa các hoạt động nghiên cứu và nâng cao chất lượng đào tạo. Chuyển giao tri thức là sự gắn kết hiệu quả giữa đại học với doanh nghiệp.

"Ba trụ cột này sẽ tạo ra hệ sinh thái đại học cộng sinh lẫn nhau, kiến thức thực tiễn được đưa vào trường đại học, tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo gắn liền với cuộc sống. Từ đó, đi tới nguồn nhân lực chất lượng cao", Bộ trưởng nói.

Năm 2021: Thách thức và vận hội cho đại học sáng tạo, đột phá phát triển - 2

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn: "Các đại học có thể nhảy vọt với sự chuyển hóa nhanh chóng về chất"

Thế giới đang phát triển và biến đổi nhanh chóng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp mới, đồng thời cũng đang đứng trước những biến động phức tạp, khó lường. Những biến chuyển này dù tác động trực tiếp hay gián tiếp nhưng đều đang có ảnh hưởng sâu sắc đến hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục đại học.

Bối cảnh ấy vừa đặt ra những thách thức nhưng cũng đem đến nhiều cơ hội đối với các đại học. Tùy vào cách nhìn nhận và ứng phó, các thách thức và cơ hội có thể chuyển hóa cho nhau.

Cuộc cách mạng công nghiệp mới đang mở ra cơ hội cho nhiều đại học có thể phát triển vươn tầm mà không nhất thiết trải qua quy trình phát triển đã có hoặc tuân thủ theo các thông lệ truyền thống.

Thay vì sự tích lũy tuần tự về lượng, các đại học có thể nhảy vọt với sự chuyển hóa nhanh chóng về chất. Với vai trò đầu tàu, dẫn dắt nền giáo dục đại học quốc gia, tính tiên phong, chủ động tích cực ứng phó với các cơ hội và thách thức, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đang đứng trước nhiều vận hội để đột phá và phát triển cho một giai đoạn mới.

Để ĐHQGHN phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2021. Năm qua, ĐHQGHN tiếp tục duy trì được sự ổn định, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trên các lĩnh vực công tác, khẳng định vai trò đại học hàng đầu của cả nước, đồng thời gia tăng chỉ số, thứ hạng trên trường quốc tế.

Theo Bảng xếp hạng đại học thế giới 2021 của Tạp chí THE , ĐHQGHN nằm trong nhóm 801 - 1000 đại học hàng đầu thế giới. Đáng chú ý, một số lĩnh vực của ĐHQGHN đứng hàng đầu Việt Nam, trong đó có lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ nằm trong nhóm 401-500 đại học hàng đầu thế giới.

Trước tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, ĐHQGHN đã chủ động ứng phó, thích nghi kịp thời bằng việc thành lập ban chỉ đạo, ban hành các cơ chế chính sách chỉ đạo, điều hành, các hướng dẫn triển khai để toàn bộ hệ thống có thể vận hành thông suốt hiệu quả trong tình hình mới.

Hoạt động đổi mới giảng dạy có cơ hội thực tiễn để phát huy trong bối cảnh các đơn vị bắt buộc phải triển khai làm việc, giảng dạy, học tập trực tuyến. Chính phủ tiếp tục tin cậy và giao phó cho ĐHQGHN thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn, khó, mang tầm quốc gia như Quốc chí, Trung tâm Tư liệu Việt Nam học, Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm Kinh điển phương Đông,... Hầu hết các nhiệm vụ, đề án KHCN trọng điểm cấp quốc gia đều có sự chủ trì hoặc tham gia trực tiếp, gián tiếp của các nhà khoa học ĐHQGHN. ĐHQGHN tiếp tục là nơi các chính khách cao cấp quốc tế chọn thăm và truyền thông điệp.

Phương châm hành động "Đổi mới sáng tạo - Trách nhiệm quốc gia - Phát triển bền vững" thể hiện quan điểm xuyên suốt của ĐHQGHN trong tiến trình phát triển thời gian tới.

ĐHQGHN sẽ tập trung thực hiện các định hướng lớn như: Tiến hành công cuộc chuyển đổi số toàn diện trong toàn ĐHQGHN; Kiên trì mở rộng phát triển đào tạo tài năng, chất lượng cao, giương cao ngọn cờ đào tạo nhân tài, tiếp tục phát huy đào tạo khoa học cơ bản song hành cùng các ngành đào tạo mới, tăng cường trao đổi sinh viên quốc tế và tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ quốc tế…

Năm 2021 là năm bản lề cho giai đoạn phát triển 05 năm tới với mục tiêu đưa ĐHQGHN trở thành đại học thuộc nhóm 100 đại học hàng đầu Châu Á và 500 đại học hàng đầu thế giới. Đây là mục tiêu rất lớn, khó và thậm chí quá sức nếu ĐHQGHN không thực sự quyết tâm và có những giải pháp quyết liệt, hành động cụ thể để có những đột phá về thể chế, đổi mới sáng tạo, và cơ sở vật chất. ĐHQGHN là một thực thể thống nhất được tạo nên bởi sự đồng thuận, kết nối có cấu trúc hữu cơ giữa các đơn vị bên trong.

Bởi vậy, các mục tiêu lớn của ĐHQGHN chỉ có thể đạt được khi tất cả các đơn vị thành viên, trực thuộc mà ở đó, có các nhà khoa học, các thầy cô giáo, các cán bộ, các bạn học viên, sinh viên, học sinh cùng thấu cảm, tin tưởng, đồng hành, trách nhiệm và quyết tâm cùng thực hiện.

Năm 2021: Thách thức và vận hội cho đại học sáng tạo, đột phá phát triển - 3

Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng

Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng: "Trí tuệ và tinh thần "hoa lửa Bách khoa"

Năm 2020 đã khép lại, với nhiều kỷ niệm và dấu ấn khó quên. Mặc dù phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, nhưng toàn thể cán bộ, viên chức và sinh viên của Trường đã rất chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt bậc, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái và đã đạt được những kết quả tốt đẹp trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Thầy và trò của Trường đã có những đóng góp thiết thực, nhanh chóng và kịp thời đưa các sản phẩm khoa học công nghệ vào cuộc sống, thể hiện bản lĩnh của "người Bách Khoa". Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục phát huy được vai trò nòng cốt và dẫn dắt trong hệ thống giáo dục Việt Nam, khẳng định vị thế ở khu vực và quốc tế.

Bước sang năm mới 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII với chủ trương và những giải pháp đột phá đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người cho giai đoạn 2021-2030.

Năm 2021 cũng đồng thời là năm bản lề để chuyển đổi mô hình tổ chức thành Đại học Bách khoa Hà Nội tự chủ và hiện đại, tăng tốc phát triển thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực về kỹ thuật và công nghệ, đóng góp quan trọng đối với xã hội, đất nước và dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Trong năm con trâu Tân Sửu, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đặt ra 09 nhiệm vụ trọng tâm, rất thách thức. Tôi mong muốn và tin tưởng chắc chắn rằng toàn thể cán bộ, viên chức và sinh viên, với trí tuệ và tinh thần "hoa lửa Bách Khoa", ta sẽ vượt qua khó khăn, nắm chắc thời cơ và vận hội, tiếp tục đổi mới, sáng tạo và phát triển mạnh mẽ, bền vững.

"Một năm mới và thời vận mới đang chờ đón chúng ta ở phía trước, chúng ta cùng tin chắc rằng năm 2021 sẽ là một năm thành công với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Tân Sửu, đổi mới, sáng tạo, thành công và đột phá" - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa nhấn mạnh. 

Năm 2021: Thách thức và vận hội cho đại học sáng tạo, đột phá phát triển - 4

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội:

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội: "Phát triển hệ sinh thái học tập và đào tạo, xây dựng môi trường đại học văn minh"

Năm 2020, một năm đầy biến động đối với cả loài người; trong đó có đất nước Việt Nam, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng không ngoại lệ. 

Qua những biến cố đó, đã chứng tỏ sự đoàn kết, đồng lòng và quyết tâm của mỗi thành viên nhà trường.

Sự ứng phó kịp thời bằng cách chuyển đổi phương thức dạy và học đã đưa đến những kết quả đáng trân trọng và tạo ra tiền đề tốt cho tương lai. Sự kiên trì về chất lượng, sự quyết tâm về đổi mới, sự truyền thông đúng mức đã đem lại một mùa tuyển sinh đáng khích lệ.

Nhà trường cũng đã triển khai các nhiệm vụ liên quan đến đổi mới giáo dục một cách hiệu quả. Hệ quả của nỗ lực đó đã đưa nhà trường vào nhóm các trường có thứ hạng của khu vực và thế giới. Năm 2020 khép lại, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhưng thành tựu nổi bật là rất quan trọng. Đó là tâm huyết, trí tuệ và tình cảm của mỗi thành viên nhà trường.

Năm 2021 là một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các thế hệ thầy và trò của trường: 70 năm ngày thành lập trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tình cảm, sứ mạng, trọng trách của nhà trường đòi hỏi chúng ta càng phải nỗ lực hơn. Vì vậy, cần tập trung một số việc như:  Phát triển hệ sinh thái học tập và đào tạo, xây dựng môi trường đại học văn minh, bổ sung nguồn lực cán bộ có chất lượng; cải tiến hơn nữa về điều kiện dạy, học, kiểm tra đánh giá; Tìm các giải pháp tăng nguồn thu hợp pháp, nâng cao phúc lợi và thu nhập của cán bộ...

 Năm mới, trường ĐH Sư phạm Hà Nội hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào những điều tốt đẹp và ý nghĩa trong năm mới vì trường có sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm và tiên phong.