Năm 2021: Muốn đỗ vào Đại học Ngoại thương phải tính toán như thế nào?

(Dân trí) - ĐH Ngoại thương có nhiều phương thức xét tuyển và bắt đầu mở hệ thống dành cho đăng ký xét tuyển riêng dự kiến vào cuối tháng 5, thí sinh được tham gia xét tuyển cả 5 phương thức của trường, nếu...

Về phương án tuyển sinh năm 2021 của trường ĐH Ngoại thương, trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương cho biết, hiện nay Trường Đại học Ngoại thương chưa phê duyệt Đề án tuyển sinh năm 2021. Tuy nhiên, về chủ trương, nhà trường cơ bản sẽ vẫn giữ 5 phương thức tuyển sinh của năm 2020 bao gồm:

phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố và hệ chuyên của trường THPT chuyên; Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi THPT; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT và Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT và quy định riêng của trường.

Nhà trường sẽ sớm công bố Đề án tuyển sinh năm 2021 trong thời gian tới.

Năm 2021: Muốn đỗ vào Đại học Ngoại thương phải tính toán như thế nào? - 1

PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương.

Phóng viên: Năm nay ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức lại kỳ thi đánh giá năng lực, ĐH Ngoại thương có lấy kết quả này để xét tuyển không thưa bà?

PGS.TS Phạm Thu Hương: Theo tôi, việc một số trường đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực sẽ cung cấp thêm cơ sở để lựa chọn người học phù hợp với mục tiêu đào tạo.

Trường Đại học Ngoại thương đánh giá cao và luôn sẵn sàng phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội trong các kỳ thi đánh giá năng lực dành cho học sinh phổ thông.

Căn cứ trên các tiêu chí lựa chọn thí sinh cho các ngành và chương trình đào tạo của nhà trường cũng như cấu trúc đề thi của kỳ thi, khi có đầy đủ thông tin chúng tôi sẽ nghiên cứu một cách thận trọng về sự phù hợp, thời gian và cách sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực cho xét tuyển để đảm bảo lựa chọn được thí sinh phù hợp cũng như thí sinh có sự chuẩn bị về kiến thức và tâm lý.

Trong trường hợp Trường sử dụng kết quả của kỳ thi này cho xét tuyển chúng tôi sẽ có thông báo sớm cho thí sinh để có thời gian chuẩn bị phù hợp.

Dành 50% chỉ tiêu tuyển theo phương thức riêng 

Phóng viên: Hàng năm, số lượng tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào trường chiếm bao nhiêu % trong tổng chỉ tiêu và có ảnh hưởng nhiều đến điểm chuẩn xét tuyển của phương án khác không?

PGS.TS Phạm Thu Hương: Việc xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển được nhà trường thực hiện theo Quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Ngoại thương dành một tỷ lệ cho các phương thức xét tuyển ngoài phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT như đã trao đổi ở trên đây. Năm 2020, tỷ lệ các phương thức xét tuyển này chiếm khoảng 50% tổng chỉ tiêu.

Việc xây dựng các phương thức xét tuyển này được căn cứ trên tiêu chí lựa chọn người học của các chương trình đào tạo và điều kiện để tham gia xét tuyển là tương đối cao như phải là tham gia thi HSG quốc gia, đạt giải HSG tỉnh/thành phố, HS hệ chuyên có kết quả học tập vượt trội; hoặc thí sinh có chứng chỉ quốc tế ở mức điểm cao, như IELTS từ 6.5 trở lên kết hợp với các tiêu chí năng lực khác.

Về cơ bản, các thí sinh đạt được các điều kiện để có thể tham gia xét tuyển theo các phương thức xét tuyển khác đều có kết quả thi THPT tốt, do đó, chúng tôi đánh giá xét tuyển theo các phương thức khác không ảnh hưởng nhiều tới xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT.

Năm 2020, Trường ĐHNT dành khoảng 50% chỉ tiêu cho xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT và tôi giữ đúng cam kết về chỉ tiêu khi xét tuyển ở tất cả các phương thức.

Năm 2021: Muốn đỗ vào Đại học Ngoại thương phải tính toán như thế nào? - 2

PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương tư vấn cho các thí sinh về phương thức xét tuyển của trường.

Phóng viên: Thí sinh cần phải tính toán như thế nào để có cơ hội đỗ vào ĐH Ngoại thương khi đăng ký xét tuyển thưa bà?

PGS.TS Phạm Thu Hương: Trường Đại học Ngoại thương có nhiều phương thức xét tuyển và bắt đầu mở hệ thống dành cho đăng ký xét tuyển riêng dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Thí sinh có thể tham gia xét tuyển ở cả 5 phương thức nếu đáp ứng điều kiện xét tuyển. Do đó, cơ hội tham gia xét tuyển là tương đối lớn.

Theo kinh nghiệm tư vấn trong năm 2020, nhiều bạn thí sinh xét tuyển theo kết quả thi THPT thường lo lắng vì phương thức xét tuyển này được thực hiện sau cùng. Nhưng như tôi vừa chia sẻ ở trên việc tổ chức phương thức xét tuyển riêng không ảnh hưởng nhiều tới xét tuyển theo kết quả thi THPT và nhà trường luôn thực hiện cam kết về chỉ tiêu xét tuyển đã công bố.

Hiện nay, về cơ bản các trường đại học vẫn duy trì tỷ lệ xét tuyển theo kết quả thi THPT ở mức cao. Do đó, các bạn tham gia phương thức xét tuyển này cũng không cần quá lo lắng về cơ hội của mình, quan trọng vẫn là phải bình tĩnh, tự tin và chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi.

Trong nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho áp dụng cơ chế đăng ký nguyện vọng không giới hạn và việc xét tuyển ở các nguyên vọng không phụ thuộc vào thứ tự sắp xếp của nguyện vọng.

Do đó, việc đăng ký nguyện vọng vào Ngoại thương không làm hạn chế khả năng trúng tuyển vào các trường đại học khác. Nếu thật sự các em học sinh yêu thích và có mong muốn học tập tại Trường Đại học Ngoại thương hãy mạnh dạn đăng ký nguyện vọng vào Trường và xếp thứ tự theo nguyện vọng mong muốn của mình.

Năm 2021: Muốn đỗ vào Đại học Ngoại thương phải tính toán như thế nào? - 3

Lượng thí sinh hàng năm đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Ngoại thương luôn cao

Điểm chuẩn các ngành chỉ dao động từ 0,1-0,5 điểm

Phóng viên: Ngành Kinh tế đối ngoại và Logistics có gì đặc biệt mà điểm chuẩn hàng năm lại cao nhất trường?

PGS.TS Phạm Thu Hương: Trước hết, điểm xét tuyển vào các ngành của nhà trường tương đối đồng đều qua các năm và duy trì ở mức cao, điều này thể hiện qua khoảng chênh lệch điểm xét tuyển giữa các ngành là tương đối thấp, dao động từ 0,1-0,5 điểm.

Bên cạnh đó, thứ tự về điểm xét tuyển của các ngành có thể là khác nhau giữa các phương thức xét tuyển. Do đó, có thể nói là chất lượng đầu vào của các ngành là tương đối tốt đồng đều.

Chuyên ngành Kinh tế đối ngoại là chuyên ngành truyền thống của Trường Đại học Ngoại thương. Từ khi thành lập trường tới nay, chuyên ngành này luôn thu hút sự quan tâm của người học. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của chuyên ngành Kinh tế đối ngoại cũng như các chuyên ngành khác của nhà trường đều duy trì ở mức cao và qua khảo sát người sử dụng lao động cho thấy chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá tốt.

Trong thiết kế chương trình đào tạo của chuyên ngành Kinh tế đối ngoại cũng như các chuyên ngành khác, nhà trường thực hiện theo 3 nguyên tắc: căn bản, mở và linh hoạt để đảm bảo người học có kiến thức và kỹ năng nền tảng, có khả năng thích ứng với những yêu cầu mới của nghề nghiệp và đồng thời cho người học có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp phù hợp hơn với năng lực và niềm đam mê của mình.

Chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế là một chương trình mới được phát triển trên nền tảng truyền thống về kinh doanh quốc tế của nhà trường với cách tiếp cận với thực hành nghề nghiệp quốc tế.

Chúng tôi kết hợp với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế, các tổ chức doanh nghiệp trong quá trình triển khai chương trình. Ngoài ra, trong những năm gần đây có thể thấy rằng nhu cầu nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế trong lĩnh vực logistics là tương đối lớn trong khi nguồn cung còn hạn chế.

Bên cạnh chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương cũng đã triển khai nhiều chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế và thu hút được sự tham gia của nhiều sinh viên giỏi như chương trình Kế toán kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, chương trình Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản, chương trình Quản trị khách sạn…

Năm 2021, chúng tôi cũng tuyển sinh cho chương trình Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp hay chương trình Tiếng Anh thương mại thực hiện trên nền tảng PBL (project-based learning).

Phóng viên: Trân trọng cám ơn PGS.TS Phạm Thu Hương!