“Mùng 3 tết thầy” và quan niệm về người thầy hiện đại

(Dân trí) - Người xưa vẫn quan niệm: “Vua, thầy, cha ấy ba ngôi, kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”. Người học tết thầy cô như tết cha mẹ mình, ngược lại người thầy cũng luôn coi học trò như con mình, cùng buồn vui với sự trưởng thành của những thế hệ học trò.

Thời đại biến chuyển, hình ảnh người thầy có nhiều khác xưa. Nhân ngày “tết thầy cô” trong mùng 3 tết, xin giới thiệu bài viết của thầy Trịnh Quỳnh (giáo viên Văn học Trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định) bàn về những phẩm chất cốt lõi của người thầy hiện đại.

“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”

Ngày xuân, bên cạnh niềm vui náo nức đón chào năm mới, những người trưởng thành thường mang trong mình những "ám ảnh thời gian", tâm hồn lại có dịp trở về với quá khứ và những hoài niệm.

Bên cạnh công dưỡng dục gia đình là nền tảng học vấn thầy cô kiến tạo mà ai cũng bâng khuâng nhớ về mỗi dịp mùng 3 tết thầy. Thời đại biến chuyển, hình ảnh người thầy có nhiều khác xưa. Nhân ngày tết thầy cô, xin bàn thêm về những phẩm chất cốt lõi của người thầy hiện đại.

Nói đến phẩm chất của người thầy người ta không thể tách khỏi vai trò truyền đạt kiến thức, dạy chữ đi đôi với dạy làm người.


Bên cạnh công dưỡng dục gia đình là nền tảng học vấn thầy cô kiến tạo mà ai cũng bâng khuâng nhớ về mỗi dịp mùng 3 tết thầy (Ảnh minh họa)

Bên cạnh công dưỡng dục gia đình là nền tảng học vấn thầy cô kiến tạo mà ai cũng bâng khuâng nhớ về mỗi dịp mùng 3 tết thầy (Ảnh minh họa)

Cha ông ta vẫn truyền nhau: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” hay “tiên học lễ, hậu học văn”. Trong nền giáo dục phong kiến chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, người thầy theo tư tưởng của Khổng Tử phải hội tụ đầy đủ phẩm chất vị thế của bốn đối tượng tốt trong xã hội: người tốt, công dân tốt, quan tốt và vua tốt (Luận ngữ).

Người thầy không chỉ say mê, tận tụy với nghề mà còn có tầm ảnh hưởng trong xã hội, có cống hiến cho dân tộc. Người thầy phải đứng hạng cao nhất về đạo đức và tri thức, thầy phải có hành động, lời nói, và cách hành xử cuộc sống chuẩn mực để trò xem thầy như kiểu mẫu để sống.

Người thầy còn là tấm gương của ý chí tự cường, tinh thần dân tộc. Rõ ràng làm thầy thiên hạ và được thiên hạ tôn làm thầy là chuyện không hề dễ dàng. Bởi thế Khổng Tử cũng khẳng định: muốn làm thầy, phải chính danh thầy trước đã. Ý nghĩa của chữ “thầy” trong phong tục tết thầy là như thế với tất cả sự trân trọng và ngưỡng mộ của người học trò.

Trong xã hội hiện đại, người thầy không còn là nguồn tri thức độc tôn nữa, người học có thể lựa chọn nhiều kênh thông tin để tiếp nhận tri thức. Người thầy không còn là truyền đạt thông tin một chiều mà còn tham gia vào quá trình nhận thức và hình thành nhân cách người học.

Xét về khía cạnh nhận thức, người thầy có thể được thay thế bằng các vai trò người lãnh đạo, người hướng dẫn, người quản lý, người tổ chức, người tư vấn...

Xét về khía cạnh nhân cách, người giáo viên vẫn luôn là người kỹ sư tâm hồn, người gieo hạt giống hay người “chuyển giao ngọn đuốc của nền văn minh”...


Người thầy vẫn mãi là “cây táo yêu thương” - sẵn sàng cho đi bóng mát, cho đi quả ngọt, những tán cây làm nhà... (Ảnh minh họa)

Người thầy vẫn mãi là “cây táo yêu thương” - sẵn sàng cho đi bóng mát, cho đi quả ngọt, những tán cây làm nhà... (Ảnh minh họa)

Người thầy mãi là “cây táo yêu thương”

Để đáp ứng cho chương trình THPT mới, Bộ GD&ĐT cũng đặt ra rất nhiều những tiêu chí chuẩn năng lực của người giáo viên. Học sinh, phụ huynh và cả xã hội cũng đặt ra những quy chuẩn khắt khe đối với người giáo viên.

Với nhiều giáo viên đó là sự ràng buộc, là áp lực vô hình, người giáo viên liệu có thể toàn tài và vĩ đại đến như vậy. Với nhiều giáo viên thì đó lại là cơ hội để thay đổi tích cực từng ngày. Bởi vì trong thời đại công nghệ, nếu ta đứng yên thì đã là một sự tụt hậu.

Khi đòi hỏi quá nhiều ở năng lực người học, thì bản thân người dạy cũng phải tự bồi dưỡng, tự nâng cao và mở rộng năng lực của bản thân. Đó là cách để xã hội trân trọng hơn giá trị người thầy.

Người ta vẫn nói trong xã hội công nghệ thông tin con người có thể nói chuyện với nhau dễ dàng hơn nhưng khoảng cách tình cảm giữa người với người cũng xa dần.

Cho dù có rất nhiều giá trị vật chất và các mối quan hệ chi phối nhiều đến tình cảm thầy trò thì ơn nghĩa thầy trò vẫn thế. Người thầy vẫn mãi là “cây táo yêu thương” - sẵn sàng cho đi bóng mát, cho đi quả ngọt, những tán cây làm nhà...

Người thầy luôn sẵn sàng trao đi mà không mảy may đòi hỏi nhận lại hay oán trách thở than, người thầy không theo ta cả cuộc đời nhưng luôn là hình bóng trong mỗi bước đường đời. Người thầy vẫn ở đó trong ký ức của mỗi chúng ta vẫn mãi gắn bó với trường lớp, phấn trắng bảng đen còn mỗi thế hệ học trò lại có cơ hội sải chân trên mọi miền Tổ quốc.

Ngày tết nghĩ đến thầy cô là nghĩ đến những phẩm chất tốt đẹp của người thầy là trân trọng sự hy sinh và cống hiến như thế. Người xưa vẫn quan niệm: “Vua, thầy, cha ấy ba ngôi, kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”.

Người học tết thầy cô như tết cha mẹ mình, ngược lại người thầy cũng luôn coi học trò như con mình, cùng buồn vui với sự trưởng thành của những thế hệ học trò.

Trịnh Quỳnh