Một tháng sau lũ Mù Cang Chải: “Niềm vui lớn nhất là 100% học sinh đến trường”

(Dân trí) - Sau trận lũ kinh hoàng vào đầu tháng 8 khiến nhiều người mất trắng nhà cửa, mảnh đất Mù Cang Chải đã dần trở lại nhịp sống bình thường. Cùng với đó, các đơn vị trường học đã nỗ lực hết mình để sẵn sàng đón trẻ em tới lớp vào đúng ngày khai giảng năm học mới 5/9.

Học sinh lớp 1 tại Mù Cang Chải dự lễ khai giảng đầu tiên

Ươm mầm non trên mảnh đất ngổn ngang sau lũ quét

Trường THCS - Tiểu học Võ Thị Sáu (huyện Mù Cang Chải, yên Bái) tan hoang, ngổn ngang sau trận lũ. Hình ảnh ngày 4/8/2017.
Trường THCS - Tiểu học Võ Thị Sáu (huyện Mù Cang Chải, yên Bái) tan hoang, ngổn ngang sau trận lũ. Hình ảnh ngày 4/8/2017.

Trận lũ quét khiến mảnh đất Mù Cang Chải (Yên Bái) trở nên tan hoang, xơ xác chỉ sau vài ngày. Hậu quả mà nó để lại không chỉ là con số thương vong kinh hoàng mà còn khiến cho đời sống của người dân địa phương bị đảo lộn hoàn toàn. Phải mất tròn 1 tháng, Mù Cang Chải mới khắc phục được phần nào hậu quả mà trận lũ để lại. Hiện tại, đường xá đã được dọn dẹp, trường học, bàn ghế đã sẵn sàng cho năm học mới.

Ngay trước thềm lễ khai giảng năm học 2017-2018, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết trong những ngày cận kề năm học mới 2017 – 2018, trận lũ quét lịch sử đã cuốn trôi nhà cửa, tài sản của nhân dân và cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đơn vị trường trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.

Trong đó, xã Kim Nọi là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của trận mưa lũ lịch sử. Nhiều gia đình thiệt hại về người và tài sản, cơ sở vật chất của nhà trường bị hư hỏng, một số tuyến đường giao thông bị sạt lở, xói mòn, chia cắt, đến nay vẫn chưa khắc phục xong.

Để chuẩn bị cho lễ khai giảng và bắt đầu năm học mới, các giáo viên ở đây cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, tổ chức đã khẩn trương khắc hậu quả mưa lũ. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vừa phải khắc phục những hậu quả mưa lũ, vừa tu sửa cơ sở vật chất và thành lập các tổ nhóm đi đón các em học sinh tới trường, ổn định nơi ăn chốn ở cho các em, chuẩn bị sẵn sàng chào đón một năm học mới.

Nhờ sự chung tay của chính quyền, nhà trường, gia đình, các em học sinh Mù Cang Chải đã có một lễ khai giảng đáng nhớ. Tại trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Kim Nọi (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), 384 học trò và các thầy cô giáo đón năm học mới trong bầu không khí náo nức. Lễ khai giảng của trường Kim Nọi được tiến hành đúng 7h30 ngày 5/9.

Lễ khai giảng của học trò trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Kim Nọi đầy đủ các nghi thức và diễn ra trong niềm hân hoan của toàn trường.
Lễ khai giảng của học trò trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Kim Nọi đầy đủ các nghi thức và diễn ra trong niềm hân hoan của toàn trường.
Một tháng sau lũ Mù Cang Chải: “Niềm vui lớn nhất là 100% học sinh đến trường” - 3
Một tháng sau lũ Mù Cang Chải: “Niềm vui lớn nhất là 100% học sinh đến trường” - 4
Nụ cười rạng ngời của các em trong ngày khai giảng
Nụ cười rạng ngời của các em trong ngày khai giảng
Trời mưa to cũng không làm vơi đi bầu nhiệt huyết của trẻ em ngày tựu trường
Trời mưa to cũng không làm vơi đi bầu nhiệt huyết của trẻ em ngày tựu trường
Học trò lớp 1 háo hức tham gia lễ khai giảng lần đầu tiên.
Học trò lớp 1 háo hức tham gia lễ khai giảng lần đầu tiên.

Trong lễ khai giảng, cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh - Quyền hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học và THCS Kim Nọi, vui mừng chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất của chúng tôi hôm nay là 100% học sinh đến trường trong năm học mới.

Để có ngày hôm nay trong điều kiện khó khăn của địa phương sau lũ, cả nhà trường và các cấp chính quyền đã cố gắng rất nhiều. Đặc biệt chúng tôi đã tham mưu cho chính quyền để tổ chức các đoàn vận động, hỗ trợ học sinh tới lớp đúng ngày”.

Cô Oanh cho biết, năm học 2017-2018, nhà trường có 12 lớp với tổng số 384 học sinh, trong đó 248 học sinh bán trú, tăng 26 em so với năm học trước. Cấp THCS có 4 lớp, 121 học sinh (tăng 17 học sinh so với năm học trước); cấp Tiểu học có 8 lớp, 263 học sinh (tăng 1 lớp, 12 học sinh so với năm học trước).

Những con số tăng tiến là tín hiệu đáng mừng đối với nhà trường và địa phương. Bởi người dân ngày càng có ý thức cao hơn về tính thiết thực của học vấn đối với con em mình.

Buổi sáng ngày 5/9, mặc dù trời đổ mưa to nhưng lễ khai giảng vẫn tiến hành đúng giờ. Trong khi các con nghiêm túc xếp hàng tiến hành nghi lễ theo trình tự thì các ông bố, bà mẹ kết thành vòng vây quanh trường để chứng kiến niềm vui con trẻ. Nhiều bà mẹ còn địu theo đứa em nhỏ tới để chứng kiến ngày tựu trường của anh/chị.

Mẹ cõng em đi xem anh, chị làm lễ tựu trường
Mẹ cõng em đi xem anh, chị làm lễ tựu trường
Những đôi mắt ngóng trông, kì vọng của phụ huynh học sinh vào một thế hệ có nhiều tri thức và tươi lai sáng lạn hơn
Những đôi mắt ngóng trông, kì vọng của phụ huynh học sinh vào một thế hệ có nhiều tri thức và tươi lai sáng lạn hơn

Các em học sinh trường Kim Nọi đa phần là người dân tộc Mông, được phụ huynh chuẩn bị cho bộ trang phục truyền thống đẹp nhất đi dự lễ khai giảng. Trang phục này không chỉ có nhiều màu sắc bắt mắt mà còn phát ra tiếng leng keng vui nhộn từ những “đồng xu” trang trí. Tiếng leng keng ấy như âm thanh của những chuông gió hòa lẫn vào cơn mưa vùng cao, tạo thành một điệu nhạc tươi vui đón các em tới lớp.

Trong niềm vui tới trường, trẻ em Mù Cang Chải vẫn không chưa quên được hậu quả mà trận lũ để lại. Em Trang Kim Ngân, học sinh lớp 3 tâm sự rằng: “Em ước trở thành một luật sư bảo vệ lẽ phải, giúp đỡ người khó khăn. Và em mong sau này không bao giờ có lũ nữa. Những ngày qua mọi người rất vất vả dọn đường, xây nhà, làm cầu qua suối...”.

Đồng hành cùng học trò Mù Cang Chải tới trường

Rất nhiều hàng hoá, quà tặng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã về với Mù Cang Chải trong 1 tháng vừa qua, giúp cho người dân địa phương vượt qua những khó khăn trước mắt. Tuy vậy, để mảnh đất này “hồi sinh” như xưa, nỗ lực lớn nhất nằm ở chính những người dân địa phương.

Hiện tại, sinh hoạt của người dân Mù Cang Chải đã quay trở lại. Chợ đã nhộn nhịp, cửa hàng cửa hiệu mở bán, công cuộc tái kiến thiết đang được triển khai... Song nỗi đau buồn mà cơn lũ để lại vẫn chưa dứt. Có những đứa trẻ còn chưa tìm ra người thân, cũng có những đứa trẻ phải nhờ thầy cô giáo tìm cho bộ quần áo tử tế để mặc đi khai giảng vì ngôi nhà em đã bị nước lũ cuốn sạch, lẽ tất nhiên, em cũng không có sách vở gì khi năm học mới đã bắt đầu.

Thương các học trò Mù Cang Chải, Đoàn công tác Trung ương Đoàn và chương trình “Cùng em tôi đến trường” đã trao tặng kinh phí 200 triệu đồng xây dựng công trình “Nhà bán trú cho em” cho học sinh trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Kim Nọi; 124 suất học bổng (mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng); tặng quà cho 384 học sinh gồm quần áo, khăn quảng đỏ và sữa; tặng 300 bộ sách giáo khoa; 1 bộ trống Đội tặng cho Liên đội nhà trường.

Anh Nguyễn Phi Long, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng quà cho các em nhỏ trường Kim Nọi
Anh Nguyễn Phi Long, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng quà cho các em nhỏ trường Kim Nọi
Trao 124 suất học bổng trị giá 500 ngàn đồng.
Trao 124 suất học bổng trị giá 500 ngàn đồng.
Niềm vui của các em nhỏ khi có được chiếc khăn quàng đỏ mới tinh.
Niềm vui của các em nhỏ khi có được chiếc khăn quàng đỏ mới tinh.

Đoàn công tác Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã hai lần lên với Mù Cang Chải trong 1 tháng qua. Lần đầu tiên là chuyến đi vội vã trong đêm để cứu trợ đồng bào chịu ảnh hưởng của lũ quét. Chuyến đi gian lao nhưng cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho những người tham gia bởi những gì chứng kiến quá kinh hoàng, đó chính là sức tàn phá của thiên tai mà con người khó có thể chống chọi. Chuyến đi thứ hai nhằm đúng ngày khai giảng của học sinh 5/9 có ý nghĩa động viên thầy và trò Mù Cang Chải trước thềm năm học mới.

Trưởng đoàn công tác, anh Nguyễn Phi Long, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết: “Hàng năm, Đoàn, Hội trên cả nước đều tổ chức các chương trình hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học mới. Chương trình này đã được triển khai trong rất nhiều năm, mỗi năm có một tên gọi khác nhau. Năm nay, chúng tôi lấy tên gọi “Cùng em tôi đến trường” để chia sẻ với các em học sinh, đặc biệt là không để em nào phải bỏ học vì điều kiện khó khăn. Đó chính là ý nghĩa của chương trình này.

Bằng tấm lòng của mình, đến với trường Kim Nọi, chúng tôi giúp đỡ nhà trường tu bổ những thiệt hại trong đợt lũ vừa qua, gia tăng cơ sở vật chất và hỗ trợ cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện thêm để mua trang thiết bị học tập bước vào năm học mới phấn khởi hơn”.

Theo cô giáo Lò Thị Lọi (người dân tộc Thái) chủ nhiệm lớp 1A, trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Kim Nọi cho biết, cô và các đồng nghiệp đến tận nhà học sinh để vận động các em đi học. Gia đình ở xa nhất mà cô đã tới cách trường 10km.

Cô Lọi kể: “Có chuyến đi qua suối mưa to, phụ huynh phải bắc một cái cây khô để dắt cô giáo qua. Đường đi khá nguy hiểm nhưng gia đình học sinh có nhận thức về tầm quan trọng về việc cho trẻ tới trường nên chủ động đồng ý đưa trẻ tới lớp”.

Một khó khăn khác đối với các cô giáo lớp 1 và cấp Tiểu học nói chung là nhiều học trò không biết tiếng Kinh, chưa biết mặt bảng chữ cái nên bắt đầu rất vất vả nhưng bù lại đa phần các em ngoan ngoãn và chăm chỉ học tập.

Mai Châm