Một ngôi trường chưa hề có trong lịch sử

(Dân trí) - Một ngôi trường chẳng thấy phòng lớp, bảng đen, bàn ghế, chẳng thấy chương trình, sách giáo khoa đâu. Một ngôi trường mà thầy trò gọi nhau bằng đồng chí. Học sinh thì toàn là những người nhiều tuổi vai mang ba lô, lưng đeo bao tượng gạo và chân đi dép cao su...

Vào giữa những năm 60 của thế kỷ XX, sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, trên miền Bắc đất nước ta đã hình thành một hệ thống trường bổ túc văn hoá công nông (BTVHCN) cùng với trường phổ thông lao động (PTLĐ). Trường PTLĐ có nhiệm vụ chủ yếu là bồi dưỡng văn hoá cho cán bộ có độ tuổi khá cao để trở về công tác tốt hơn ở các cơ sở. Trường BTVHCN có nhiệm vụ dạy chương trình phổ thông cho đội ngũ cán bộ còn trẻ và thanh niên ưu tú xuất thân từ giai cấp công- nông để tuyển vào các trường đại học.

 

Trong 9 năm tồn tại (1955-1964), trường BTVHCNTƯ đã cung cấp hơn 7.000 học viên và sau khi trường BTVHCNTƯ hoàn thành nhiệm vụ vào năm 1964 thì trường PTLĐTƯ vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình cho đến năm 1977. Phần đông học viên, giáo viên và cán bộ của trường đã trở thành cán bộ cốt cán, cán bộ cao cấp, nhà quản lý, nhà khoa học tài năng, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Nhớ về mái trường, một trong hơn 7.000 học viên cũ của mái trường đặc biệt này - Thủ tướng Phan Văn Khải đã có cảm nhận rất riêng: “Nhà trường đã để lại cho tôi nhiều dấu ấn sâu sắc. Tôi nhớ, trong những năm 50 và đầu những năm 60 đầy khó khăn gian khổ, Ban Giám hiệu nhà trường, các cán bộ, công nhân viên và nhất là các thầy cô giáo đã tận tuỵ, chăm sóc, giảng dạy, nuôi dưỡng chúng tôi, để lại những kỷ niệm đậm đà tình nghĩa mà anh chị em học viên chúng tôi không bao giờ quên".

 

Vào những ngày cuối tháng 10 này, trường BTVHCNTƯ và trường PTLĐTƯ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Đến hôm nay, khi nghĩ về quá khứ, từ trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người, không phân biệt là giáo viên, cán bộ, công nhân viên hay học viên đã từng có thời gian gắn bó với mái trường này đều trào lên niềm xúc động chân thành. Hình như, càng lùi về quá khứ thì vẻ đẹp của ngôi trường cách mạng ấy càng lung linh hơn, huyền diệu hơn với những kỷ niệm vô cùng thiêng liêng. 

 

 

Mai Minh