"Một điểm 10 thưởng 100.000 đồng" có phải cách khuyến khích con học?

Lan Hương

(Dân trí) - Hiện nay, không ít phụ huynh và giáo viên dùng cách thưởng tiền, quà cho học sinh khi các em đạt điểm cao nhằm giúp các em có động lực học tập.

"Một điểm 10 thưởng 100.000 đồng"

Một điểm 10 thưởng 100.000 đồng có phải cách khuyến khích con học? - 1

Nhiều phụ huynh, giáo viên thường thưởng tiền cho trẻ để khuyến khích học tập (Ảnh: Dân trí).

Chị Đ.T.V (Hải Phòng) đã coi việc thưởng tiền mỗi khi con trai đạt điểm cao trong học tập trở thành một "quy tắc" bất thành văn giữa hai mẹ con.

Chị chia sẻ: "Tôi đã áp dụng cách này từ khi con lên lớp 4, đến nay đã được hơn ba năm. Mỗi khi con được điểm 10, tôi sẽ thưởng con 100.000 đồng. Nếu con được điểm 10 trong các kỳ thi quan trọng như thi giữa kỳ, thi cuối kỳ, số tiền thưởng có thể là 200.000, 300.000 đồng".

Theo chị V, việc thưởng tiền cho con "không chỉ là phần thưởng khi con đã có thành tích cao trong học tập, mà còn là cách để giúp con có động lực học tốt hơn". Chị cho biết, từ khi khuyến khích con học bằng cách này, điểm số của con trai chị được cải thiện đáng kể.

"Tôi nghĩ rằng thay vì thưởng những phần quà cụ thể thì thưởng tiền sẽ thực tế hơn nhiều. Bây giờ con tôi đang học lớp 7, cháu cũng có nhiều nhu cầu riêng cần dùng đến tiền. Cháu có thể sử dụng tiền thưởng tùy theo sở thích của mình." chị V nói.

Bên cạnh đó, chị V cũng cho biết, con trai chị luôn tỏ ra rất vui khi được thưởng tiền mỗi khi được điểm cao.

Tuy nhiên, khi được hỏi rằng: "Chị có bao giờ nghĩ rằng việc thưởng tiền cho con sẽ khiến động lực học tập của con bị thay đổi, không phải để tiến bộ mà là để kiếm tiền hay không?" thì chị V lại cho rằng: "Tôi nghĩ điều đó không quan trọng, quan trọng là cháu biết cố gắng trong học tập để đạt được điểm cao".

Thưởng tiền không phải là cách để đi đường dài

Một điểm 10 thưởng 100.000 đồng có phải cách khuyến khích con học? - 2

Tác giả sách Trần Thu Hà nêu ra quan điểm về việc thưởng tiền khi con đạt thành tích cao (Ảnh: Facebook nhân vật).

Thực tế, không chỉ phụ huynh mà ngay cả thầy cô giáo, các cơ quan, doanh nghiệp nơi các bậc phụ huynh công tác cũng thường trao thưởng cho những học sinh có thành tích học tập tốt bằng tiền mặt.

Tác giả sách Trần Thu Hà (còn được gọi là mẹ Xu Sim) chia sẻ: "Nhiều nhà, nhiều ba mẹ cũng thưởng tiền, Ipad, Iphone, giày dép, quần áo… nếu cuối năm con đạt học sinh giỏi, thi điểm cao.

Nhiều cơ quan cũng vậy. Cơ quan mình cũng vừa hỏi, Xu Sim (con chị Hà) có được học sinh giỏi không, nếu được giỏi thì ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 sẽ được thưởng 400.000 đồng, nếu học sinh tiên tiến thì chỉ được thưởng 200.000 đồng".

Chị Hà cho rằng: "Trên đời này, có gì hay hơn, quý hơn tiền và quà không? Nếu chúng ta cứ treo thưởng bằng vật chất, thì có phải cứ làm việc tốt thì sẽ nhận được phần thưởng hay không? Hay nếu việc xấu được trả nhiều tiền hơn thì liệu có thắng cái tốt không? Có được coi là thành công hơn không?

Mà lẽ đời, làm việc xấu lại thường được nhiều tiền hơn làm việc tốt. "Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm" mà".

Bên cạnh đó, chị Hà cũng đánh giá rằng cách làm này về lâu về dài rất có hại vì nó đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản nhất của giáo dục hiện đại. Việc thưởng tiền sẽ tạo ra nhóm thắng và nhóm thua. Trong khi nhóm thắng cảm thấy ưu việt, nhóm thua lại thấy tự ti.

Ngoài ra, việc học là một chặng đường dài, muốn tiến bộ phải tự có động lực học chứ không phải nhờ khen thưởng.

Điều gì quý hơn vật chất?

Tác giả Trần Thu Hà cho rằng, có nhiều cách để tạo ra những phần thưởng ý nghĩa cho trẻ mà không nhất thiết phải cần đến vật chất.

"Mình đã thấy giáo viên Canada thưởng bằng cách cho học sinh nhuộm tóc giáo viên thành màu xanh hay bằng cách phục vụ đồ ăn cho học sinh. Ở Israel, thầy giáo thưởng cho học sinh những bức tranh cắt ra từ họa báo hay cho các em có quyền được thiết kế những trò chơi cho các em nhỏ tuổi hơn", chị Hà chia sẻ.

Với chị, có rất nhiều thứ quan trọng hơn vật chất, ngay cả là một cái ôm. Chị chia sẻ: "Albert Einstein từng nói: "Nhà trường và người thầy phải cảnh giác trước việc áp dụng những biện pháp dễ dãi để tạo ra tham vọng cá nhân nhằm khuyến khích tính chuyên cần của học sinh".

Giá trị của một người là ở những gì người ấy cho đi, chứ không phải những gì người ấy có khả năng nhận được.

Cho nên phần thưởng của con mình rất hiếm khi là tiền, ngày xưa thưởng một cái ôm, thưởng một giờ cho con toàn quyền yêu cầu mẹ, thưởng đọc sách, thưởng đi chơi cùng nhau…

Mình muốn con coi cái gì là quan trọng thì mình sẽ lấy đó làm phần thưởng, ví dụ như thời gian, tình yêu… Mình ít khi thưởng bằng tiền, và cũng không phạt bằng cách làm việc nhà".