“Mong vào ngành y để... giàu, chỉ làm khổ bệnh nhân”

(Dân trí) - “Khi chọn ngành y, các em hãy tự vấn rằng, mình có thể thương yêu, chia sẻ cùng với nỗi khổ của bệnh nhân không? Nếu có, thì mới tiếp tục được con đường…” - Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, Nguyễn Đức Hinh nhắn gửi học trò của mình.

Năm học 2009-2010, Đại học Y Hà Nội chính thức thành lập bộ môn Y xã hội học và Y đức, do Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Quốc Triệu làm chủ nhiệm danh dự và Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội trực tiếp làm chủ nhiệm bộ môn.
 
Dân trí đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng PGS-TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội.
 
“Mong vào ngành y để... giàu, chỉ làm khổ bệnh nhân” - 1

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Hinh, sinh viên ngành y ra trường tay nghề tạm chấp nhận được, nhưng về phần ứng xử với bệnh nhân vẫn còn non

Mục đích của việc ra đời bộ môn Y học xã hội và y đức, phải chăng là những bài giảng giáo dục công dân, đạo đức học ở thời phổ thông vẫn chưa đủ hướng sinh viên y ra trường trở thành một bác sĩ tốt, thưa ông?

Bài học y đức nào cũng không thể tốt hơn bằng bài học đạo đức được rèn luyện từ khi con người vừa được sinh ra cho đến khi trưởng thành. Nhân cách của con người được hình thành từ những hình thức giáo dục trong trường học, gia đình, cũng như trong cuộc sống xã hội. Nhưng, quá trình này cần phải được rèn luyện thường xuyên. Vì vậy việc đưa những môn học về y đức cho sinh viên y khoa là hết sức cần thiết.

Theo tôi, sinh viên y khoa sau tốt nghiệp, về mặt kỹ thuật tay nghề có thể tạm chấp nhận được, nhưng về phần ứng xử, giao tiếp với bệnh nhân hay y đức nói chung vẫn còn khá non. Không thông cảm, chia sẻ với vất vả, đau đớn của bệnh nhân thì không thể chữa cho bệnh nhân sớm lành, hồi phục sức khỏe nhanh được. Câu chân lý “lương y như từ mẫu” bao giờ cũng đúng, nhưng không phải ai cũng thực hiện được.

Chữa bệnh bằng lời có khi nhanh khỏi hơn bằng thuốc

Nhiều người phản ánh, hai địa chỉ dễ thấy sự vô cảm của con người nhất là các cơ quan hành chính công và bệnh viện. Ông nghĩ sao về điều này?

Hãy đặt mình vào vị trí của cán bộ viên chức nhà nước hay bác sĩ, đứng trước hàng trăm người cần được giải quyết thủ tục hành chính, hoặc xếp hàng chữa bệnh, để thông cảm và cùng chia sẻ với áp lực công việc họ phải làm. Một bác sĩ trong một buổi sáng phải khám và chữa bệnh cho 50 bệnh nhân, tính ra mỗi người chỉ có 5 phút hỏi và trả lời thì đòi hỏi sự quan tâm, nhiệt tình sâu sát cũng không phải dễ.

Nhưng không thể vì thế mà bác sĩ trở nên vô cảm?

Đúng là vậy. Chữa bệnh cho bệnh nhân thì biện pháp tâm lý có khi còn quan trọng hơn cả thuốc thang. Một câu nói của bác sĩ: “Chị ơi, chị chịu khó uống thuốc đi cho mau lành bệnh, thuốc hơi đắng nhưng bệnh sẽ mau khỏi” vẫn dễ nghe hơn là “Thuốc đây, uống đi”. Những ứng xử trong giao tiếp của bác sĩ, y tá cũng cần phải chuyên nghiệp như chính chuyên môn của họ.

Phải chăng cũng chỉ vì nghèo, đồng lương không đảm bảo cuộc sống nên y đức cũng giảm?

Điều này cũng không hẳn. Phải khẳng định rằng, đời sống của các bác sĩ những năm gần đây đã khá hơn trước nhiều, nhưng y đức cũng chưa hẳn đã tăng lên. Bác sĩ mà nghèo quá thì là lỗi của xã hội, nhưng bác sĩ mà giàu quá chỉ khổ cho bệnh nhân. Vì tiền vào túi bác sĩ cũng từ túi bệnh nhân mà ra cả.
 
Tôi vẫn khuyên các em sinh viên rằng, đừng có nghĩ trở thành bác sĩ sẽ giàu có. Điều cao quý nhất của nghề y là được cái danh, được cả xã hội tôn trọng. Nó cũng như nghề giáo vậy, thử nhìn lại xem thiên hạ có hàng trăm nghề nhưng có mấy nghề được định danh bằng chữ “thầy”?
 
Yêu thương, chia sẻ được nỗi đau với bệnh nhân, mới nên học y!

Một thực trạng là sinh viên ngành y sau khi tốt nghiệp đều cố gắng bám trụ lại thành phố, ông nghĩ gì về điều này?

Ngành y học ít nhất 6 năm, nếu học nội trú nữa cũng phải mất thêm 3 năm. Chi phí bỏ ra cho việc học cao, đầu tư sâu cho chuyên môn, mấy ai muốn về làm bác sĩ cho tuyến huyện, xã khi trang thiết bị còn quá sơ sài, yếu kém. Thu nhập thì không cao, đi lại vất vả, nên việc bám trụ lại thành phố cũng là chuyện thường tình. Nhà nước đã và đang giải quyết mâu thuẫn này bằng việc đào tạo bác sĩ theo địa chỉ, hoặc đào tạo bằng ngân sách nhà nước.

Ngay như tỉnh Quảng Ninh tôi vừa đi công tác về, lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo hiện Quảng Ninh còn thiếu khoảng 100 bác sĩ. Điều dưỡng còn bị thiếu nhiều hơn nữa. Một nghịch lý khác là phần lớn sinh viên chỉ thích học làm bác sĩ, rất ít ai đăng ký học điều dưỡng, trong khi điều dưỡng ở tất cả các tuyến đều thiếu trầm trọng. Theo thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ bác sĩ và điều dưỡng của Việt Nam hiện nay là 1-1,5, trong khi thế giới là 1-3 hoặc 4.

Theo ông đâu là yếu tố quan trọng nhất của để trở thành một “lương y”?

Cái gì cũng phải có cả tài và đức. Nhưng với nghề y thì chữ đức đặt lên hàng đầu. Làm bác sĩ thì phải “hồng” rồi mới “chuyên”. Muốn trở thành bác sĩ thì người đó phải có lòng thương người. Tình thương là cái cao quý nhất của nghề thầy thuốc so với tất cả các nghề khác.
 
Tôi mong các em sinh viên khi chọn ngành y hãy tự vấn rằng, mình có thể thương yêu, chia sẻ cùng với nỗi khổ của bệnh nhân không. Nếu có, thì mới tiếp tục được con đường…
 
Xin cảm ơn ông!

 

Sông Lam
(Thực hiện)