Mối lương duyên của cô giáo “cắm bản” 9X tận tâm

(Dân trí) - May mắn gặp được người chồng cùng chung lý tưởng “gieo chữ nơi rẻo cao”, cô giáo 9x Phùng Thị Huyền có thêm niềm tin và sự sẻ chia để yên tâm “cắm bản”.

Cô giáo 9x giàu nhiệt huyết và nghị lực

Cô Phùng Thị Huyền sinh năm 1990 là giáo viên “cắm bản” tại trường Mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Cô giáo 9x Phùng Thị Huyền được tuyên dương là một trong 64 giáo viên cắm bản có nhiều thành tích và đóng góp
Cô giáo 9x Phùng Thị Huyền được tuyên dương là một trong 64 giáo viên "cắm bản" có nhiều thành tích và đóng góp

Là một người trẻ thuộc thế hệ 9x nhưng cô giáo Huyền khác với nhiều bạn bè đồng trang lứa.  Từ giây phút cầm tờ quyết định công tác tại trường mầm non của một huyện nghèo ở cực Tây đất nước, cô giáo trẻ Phùng Thị Huyền đã bất chấp mọi trở ngại, khó khăn để gắn bó và cống hiến cho khát vọng “gieo chữ” nơi rẻo cao.

Tháng 5/2011, cô Huyền khăn gói lên Mường Nhé – nơi cách xa quê nhà của cô hàng trăm cây số. Hành trang để cô lên công tác ở vùng cao chẳng có gì nhiều ngoài vài bộ quần áo và kiến thức tích lũy trong những năm tháng còn là sinh viên. Hơn tất cả, cô mang theo bầu nhiệt huyết và niềm tin vững chãi vào sự nghiệp “trồng người”.

Lần đầu đứng trước ngôi trường mình sẽ giảng dạy, cô không khỏi bỡ ngỡ và xen chút thất vọng. Những cách trở về địa lý, khó khăn về giao thông, bất đồng về ngôn ngữ, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt còn hạn chế… đôi khi khiến cô giáo sinh năm 1990 này nản lòng, thoái chí.

Thế rồi ánh mắt trong veo của các em học sinh, những khuôn mặt còn lấm lem bụi đất nhưng rạng rỡ những nụ cười hồn nhiên đã khiến cho tinh yêu nghề, yêu học trò trong cô trỗi dậy. Đó cũng là phút giây cô nhận ra và quyết định gắn bó với mảnh đất Mường Nhé.

Bốn năm công tác tại trường là khoảng thời gian không quá dài, nhưng đủ để cô giáo thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Đó là quãng thời gian cô và các đồng nghiệp cùng trải qua cuộc sống không có điện, cái lạnh đến thấu xương của khí hậu Tây Bắc với những em nhỏ run rẩy, không giầy và cả những giờ học dưới mái lớp xiêu vẹo, thiếu thốn… Nhưng cô luôn tin rằng với sự kiên trì, mọi chuyện rồi cũng chuyển biến tốt hơn.

Nhờ những nỗ lực truyền đạt kiến thức và kiên trì với nghề, cô Huyền đã được nhận giấy khen của UBND huyện Mường Nhé cho những cống hiến với sự nghiệp giáo dục tại địa phương.

Mối lương duyên với người bạn đời cùng nghề

Cô Phùng Thị Huyền tâm sự: “Dẫu biết còn nhiều khó khăn, con đường đến lớp của học sinh còn lắm gập ghềnh và cả bản thân sự nghiệp truyền “con chữ” cũng còn lắm nhọc nhằn nhưng tôi và các đồng nghiệp luôn giữ vững niềm tin, nghị lực cùng các em học sinh đi đến những vùng trời mới.

Tôi luôn tâm niệm: “Có những năm tháng chỉ là thời gian trôi, có những vùng đất chỉ là nơi ta đặt chân đến, có những còn người chỉ gặp gỡ vì phải tiếp xúc và có những nghề chỉ là kế sinh nhai… nhưng tất cả sẽ thay đổi khi con ngưới có tình yêu và nhiệt huyết”.

Cô Huyền trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Cô mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm và giúp đỡ về điều kiện vật chất cho học sinh vùng cao
Cô Huyền trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Cô mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm và giúp đỡ về điều kiện vật chất cho học sinh vùng cao

Lý tưởng của cô Huyền được người bạn đời là thầy giáo Hà Trung Thành (sinh năm 1985) chia sẻ. Anh Thành là điểm tựa vững chắc trong cuộc sống với cô Huyền và gia đình.

Thầy Thành cũng công tác ở huyện Mường Nhé. Tuy nhiên, hai vợ chồng đi làm cách xa nhau khoảng 6km. Đường xá tuy cách trở và công việc vất vả từ sớm tới tối nhưng cô Huyền vẫn cảm thấy may mắn vì hai vợ chồng có điều kiện được sống cùng nhau.

Chồng của cô Huyền là một giáo viên dạy tiểu học. Anh có nhiều năm công tác ở vùng cao và có kinh nghiệm trong nghề nên đã hướng dẫn và cho cô Huyền nhiều lời khuyên bổ ích.

Cùng một quê hương, cùng làm nghề giáo, cô Huyền và thầy Thành sớm tìm thấy sự đồng cảm, quyết tâm cùng nhau xây dựng cuộc sống và theo đuổi lý tưởng.

Ổn định về gia đình và công việc, cô Huyền càng quyết tâm gắn bó với mảnh đất Mường Nhé. Gần đây, chính quyền đã hỗ trợ, khắc phục những khó khăn của trường mầm non nơi cô công tác giúp cô càng thêm tin tưởng vào giấc mơ về một môi trường học tập tốt hơn cho các em học sinh dân tộc thiểu số.

Trên mảnh đất khô cằn của ngôi trường vùng cao, biết bao mầm xanh được ươm, đang nẩy chồi và hứa hẹn những vụ trái ngọt, và ngay cả giáo viên các cô cũng có bao câu chuyện tình được gắn kết, từ đó sức mạnh của những ý chí quyết tâm cắm bản ở lại với các em học sinh thân yêu, lại nhân thêm gấp bội.

Mai Châm

(Email: maibichcham@dantri.com.vn)