Mô hình trường tiểu học mới “đối mặt” với sĩ số lớp đông

(Dân trí) - Những tín hiệu tích cực của mô hình trường tiểu học mới được học sinh, giáo viên và phụ huynh thừa nhận. Tuy nhiên với những lớp học có sĩ số lớp đông thì có ảnh hưởng đến chất lượng của mô hình này?

Để tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc khảo sát ở trường tiểu học Tả Thanh Oanh (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Đây là trường đầu tiên ở Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình trường tiểu học mới (VNEN) vào năm học 2012 - 2013.

Với sĩ số lớp dao động 35-40, thậm chí là hơn 40 học sinh nhưng Trường tiểu học Tả Thanh Oai vẫn thực hiện khá thành công mô hình trường tiểu học mới. Nếu như năm học 2012-2013, trường thì điểm 2 lớp 2 và 2 lớp 3 theo học mô hình VNEN thì năm nay, toàn bộ khối lớp 2, 3 và 4 đều được tham gia.

Để cho công tác triển khai mô hình VNEN được hiệu quả, nhà trường đã lấy học sinh các lớp thí điểm năm trước để làm “hạt nhân” cho các lớp năm nay. Mục đích là để các “hạt nhân” này hướng dẫn các bạn học theo mô hình VNEN. Thời gian đầu các “hạt nhân” này sẽ được giữ các trọng trách trong Hội đồng tự quản, trưởng nhóm… Sau khi lớp đã “nhuần nhuyễn” về VNEN thì việc tiến hành bầu lại sẽ do chính các thành viên biểu quyết.
 

Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tả Thanh Oai chia sẻ: “Năm học 2012 - 2013 trường thực hiện thí điểm đối với 4 lớp với sĩ số từ 35-40 học sinh/lớp. Với sĩ số này thì cô giáo phải rất năng động, sáng tạo và nhiệt tình thì chất lượng lớp sẽ đi lên kể cả về kiến thức lẫn kỹ năng, cũng như rèn luyện phẩm chất cho học sinh”.

Cũng theo cô Nga, nếu như ở trong nội thành sĩ số lớp lên đến 50 học sinh thì cơ sở vật chất không thể đáp ứng được. Điều đầu tiên thực hiện mô hình là lớp phải đủ rộng. Nếu lớp học đông học sinh quá thì cần phải có hai cô giáo mới giám sát hết được các nhóm, đặc biệt là các em học sinh yếu.

“Ở trường chúng tôi nếu học sinh nào mà “non” hơn các bạn sẽ được tổ chức và bồi dưỡng riêng để các em có đủ năng lực cơ bản ban đầu để có thể tự học được với các bạn. Chính vì thế, theo tôi thì lớp học phù hợp khi có sĩ số lớp khoảng 35 học sinh. Đối với các vùng sâu, vùng xa… sĩ số lớp thấp thì chắc chắn mô hình này sẽ rất là tốt” - hiệu trưởng Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.

Là người trực tiếp đứng lớp, cô Nguyễn Thị Thúy - giáo viên Trường tiểu học Tả Thanh Oai cho biết thêm: “Nếu lớp học quá đông thì rất là vất vả đối với giáo viên lẫn học sinh. Lớp học chật thì việc trang trí các góc cũng gặp khó khăn, trong khi đó giáo viên cũng rất khó quan sát được bao quát hết các nhóm nên dẫn đến đôi khi học sinh rất mất trật tự”.
 
Sĩ số lớp quá đông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mô hình VNEN.

Sĩ số lớp quá đông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mô hình VNEN.

Cô Thúy cũng cho hay, đối với lớp đông thì điều quan trọng là phải tập huấn cho nhóm trưởng các nhóm làm việc thật tốt và nắm được quy trình tiết học VNEN, có như vậy các nhóm trưởng sẽ giúp được cô giáo rất nhiều.

Trước thành công của Trường tiểu học Tả Thanh Oai, Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì đã quyết định triển khai mở rộng ra tất cả các trường tiểu học thuộc địa bàn. Thời gian đầu các trường chỉ thực hiện ở một số lớp, sau khi làm quen sẽ nhân rộng ra toàn bộ các khối lớp.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho hay, với thành công ban đầu của Trường tiểu học Tả Thanh Oai thì Sở đã cho phép các trường có điều kiện về cơ sở vật chất, sĩ số lớp không quá đâu tham gia thực hiện thí điểm mô hình. Năm học này Hà Nội có đến 50 trường tiểu học đăng ký tham gia.

Để cho giáo viên làm quen với mô hình thì ngoài công tác tập huấn, Sở GD-ĐT Hà Nội còn tổ chức cho các trường về học hỏi kinh nghiệm của trường tiểu học Tả Thanh Oai. Mới đây, gần 200 giáo viên tham gia dạy thí điểm mô hình VNEN đã háo hứng về Trường tiểu học Tả Thanh Oai để dự một số tiết học VNEN. Sau khi tham dự tiết học, nhiều giáo viên đánh giá cao mô hình trường tiểu học mới này.

Nguyễn Hùng