Mô hình khuyến học vùng cao Hướng Hóa

(Dân trí) - Từ ngày Mái ấm khuyến học – khu nội trú dân nuôi (xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đi vào sử dụng, Hồ Văn Đông, Hồ Thị Phơi, Hồ Văn Pân… cùng 27 học sinh Vân Kiều yên tâm học hành, hàng ngày không còn phải băng đèo, lội suối đến trường…

Xây khu nội trú dân nuôi

Hướng Hóa là huyện miền núi đa dân tộc. Tại những xã vùng sâu, nhiều học sinh (HS) người dân tộc Vân Kiều phải vượt trên 10 km để “đi theo cái chữ”. Đói nghèo, đến trường vất vả… đó là lí do vì sao nhiều HS bỏ học. Thực trạng trên khiến các đồng chí lãnh đạo huyện trăn trở: Làm sao tạo ra một mô hình hiệu quả giúp các HS xa trường có thêm cơ hội học tập? Làm thế nào duy trì số lượng, ổn định chất lượng đào tạo?

Trong bối cảnh đó, ý tưởng xây dựng khu nội trú dân nuôi của Hội Khuyến học Hướng Hóa ra đời và được nhiều tổ chức xã hội tán đồng. Tổ Phật tử Chính Tâm (chùa Quán Sứ,Hà Nội), Mặt trận tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị và Hội Khuyến học Hướng Hóa đồng lòng biến ý tưởng ấy thành hiện thực. Mô hình thí điểm đầu tiên nhanh chóng xuất hiện tại xã Húc với tổng kinh phí 29 triệu đồng. Đây không chỉ là mái ấm tình người, mà còn là mô hình thể hiện ý chí “đi lên từ con chữ”.

Trước kia, quanh trường THCS Húc xuất hiện khá nhiều “ngôi nhà” do các HS dựng lên bám trụ học hành. Ngày ngày, hàng chục HS vẫn cần mẫn vượt hơn 10km đến trường... Từ ngày mái ấm khuyến học được bàn giao cho trường THCS Húc, các HS không còn lo lắng về nơi ăn chốn ở. Khu nội trú đón nhận 30 HS từ các bản làng xa xôi về theo học.

Trước đây không có ai nhắc nhở, các em thích ngủ thì ngủ, thích đi chơi thì đi. Từ ngày sống tập trung, các em có thời gian biểu học tập và sinh hoạt cụ thể. Em Hồ Văn Đông cho biết: “Sau giờ lên lớp, bọn em tự học bài khoảng ba tiếng, tối học khoảng hai tiếng sau đó đi ngủ chứ không đi chơi. Ở đây cũng vui rồi…”Em Hồ Thị Phơi nói xen vào: “Trước, có mấy bạn ham chơi lắm nhưng ở đây thấy ai cũng cầm sách vở học bài nên các bạn ấy cũng lo học…”

Qua hơn một năm, hiệu quả mô hình thể hiện ở chỗ: đa số HS sống ở đây đều đạt danh hiệu HS tiên tiến. Không những thế, các em còn hình thành được sự tự giác, ý thức tập thể… Hồ Văn Lành thỏ thẻ: “Bọn em ở đây hơn một mùa rẫy rồi, lâu lâu có xích mích nhưng không đánh nhau đâu…”

Vẫn còn điểm hạn chế

Mái ấm khuyến học - Khu nội trú dân nuôi xã Húc là mô hình phù hợp với những huyện miền núi như Hướng Hóa. Tuy nhiên, qua thực tế sử dụng, nó vẫn bộc lộ những điểm hạn chế.

Khu nội trú ngăn làm ba gian với diện tích thực sự khiêm tốn lại “gồng gánh” 30 HS. Hơn thế, cơ sở vật chất mới đưa vào sử dụng hơn một năm đã có chiều hướng xuống cấp: Nhà bếp trống lộng, phên nứa lỗ chỗ mối mọt, trần nhà ngày càng có nhiều “lỗ thông hơi”…

Mặc dù sống tại khu nội trú là niềm vui, nhưng các HS ở đây vẫn còn lo lắng về đời sống. Mái nhà chung này có 30 HS trong đó có 6 HS nữ sống tập trung khiến các em nữ khó lòng giải quyết nhiều vấn đề “tế nhị”. Bên cạnh đó, bữa ăn vẫn là nỗi trăn trở. Hồ Văn Cang bảo: “Bọn em đem gạo và đồ ăn từ nhà vào. Không đủ thì ăn sắn hoặc xin mít của thầy cô…”. Hỏi thêm mới biết, các em dù mới lớp 6 nhưng đều phải tự lo cơm nước. Chuyện cơm sống, cơm khê… là bình thường.

Mô hình khuyến học vùng cao Hướng Hóa - 1

Các em phải tự lo cơm nước.

Một điều đáng lưu tâm là công tác quản lí HS xa nhà. Các HS ở đây dù ý thức tự giác khá cao, nhưng tự quản là điều không dễ. Thế nên, mặc dù các tổ chức xã hội, các cá nhân hảo tâm giúp đỡ chăn màn, sách vở…, nhưng các em vẫn chưa biết cách giữ gìn của cải chung sao cho hiệu quả. Số ít HS nam vẫn chưa thực sự chăm học… Có lẽ, đã đến lúc các em cần một người chuyên trách công việc quản lí, chứ không phải là một nhiệm vụ quản lý chung chung mà hiện nay các thầy cô hay tổng phụ trách đang kiêm nhiệm.

Trong cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm, ông Hồ Tấn Nhạc – Bí thư huyện uỷ huyện Hướng Hóa tâm sự: “Anh em chúng tôi đã trăn trở hàng chục năm trời mới tìm được con đường thoát khổ. Không có cái chữ, không có học vấn, người Vân Kiều, PaKô khó lòng bước qua ngọn cỏ, chưa nói gì đến việc làm giàu trên chính quê hương”.

Nếu khắc phục những hạn chế kể trên, mô hình Mái ấm khuyến học - khu nội trú dân nuôi xã Húc có thể sẽ là nhánh quan trọng trên con đường “đi lên từ con chữ” cho những HS Vân Kiều. Đồng thời, mô hình này cũng có thể áp dụng cho nhiều xã miền núi khác.

Trương Quang Hiệp