“Méo mặt” vì con bình phẩm tiền lì xì trước mặt khách

(Dân trí) - Chê tiền lì xì ít, đếm từng xu tiền mừng... không ít tình huống cư xử với tiền lì xì của con trẻ làm chủ nhà lẫn khách hết sức khó xử trong những ngày đầu năm.

Những ngày đầu năm chị Phan Thu Hiền, ở quận 3, TPHCM đã gặp phải vô số “vố” điếng người quanh chuyện nhận lì xì của con. Hai đứa con chị, trái ngược hoàn toàn nhau đối với tiền bạc, kiểu nào cũng làm chị ngại.

Thằng anh học lớp 3 hiếu động, ít để ý, ai đưa bao lì xì là thả tay là ném trả không thương tiếc. Nhiều lần cháu đến nhà người khác chơi, nhận tiền mừng rồi bỏ lại luôn. Còn cậu em kém hai tuổi thì bo bo, chi li từng đồng làm vợ chồng chị không ít phen "chín mặt".

Người lớn gặp không ít tình huống oái oăm khi con trẻ nhận tiền xì lì
Người lớn gặp không ít tình huống oái oăm khi con trẻ nhận tiền xì lì

Cháu lúc nào cũng trong tư thế canh canh để gặp khách của bố mẹ để ngửa tay hỏi... tiền mừng tuổi. Nhận bao lì xì là cháu mở ra xem được bao nhiêu ngay trước mặt người lớn rồi liên tục khoe số tiền thời điểm hiện tại của mình. Chưa hết, gặp đứa trẻ nào cháu cũng dò hỏi các bạn được mừng bao nhiêu, rồi hạ quyết tâm mình phải cố gắng... nhiều hơn bạn.

“Tôi cũng nhắc nhở nhưng có lẽ cháu chưa hiểu chuyện, cũng may biểu hiện của cháu cũng trẻ con nên mọi người chỉ cười thông cảm. Có những bé nhận tiền mừng là... bình phẩm ngay trước mặt làm người lớn rất khó xử”, chị Hiền nói.

Chị kể, có lần chị mừng tuổi con của đồng nghiệp, cháu mở toạc ra trước mặt khách. Thầy tờ 20.000 và 10.000 đồng, mặt cháu xị ra, bảo “Cô H. mừng tuổi bèo quá” làm chị rất khó xử. Cũng may, mẹ cháu bé tinh ý nói rằng, đây là những tờ tiền có lộc, cô H. mừng tuổi là để con có nhiều sức khỏe, học giỏi... giúp chị đỡ ngượng phần nào.

Con trẻ đánh giá mức độ “nặng nhẹ” của tiền lì xì là một thực tế mà nhiều lớn gặp phải trong những ngày Tết làm chủ nhà và cả khách khó xử, ngại ngùng. Chị Lê Ngọc Thương, ngụ ở quận 9, THPHCM nói về tình huống chị gặp trong ngày mùng 2 Tết khi đưa con đến nhà bà chị họ chơi. Chị mừng tuổi các cháu xong xuôi thì ông anh rể cũng chúc lại các cháu.

Ai ngờ, khi ông anh chuẩn bị rút bao lì xì thì cô con gái 10 tuổi của anh chị kéo tay bố lại, hét toáng lên: “Bố bớt tiền đi, cô Thương mừng con có 50 nghìn thôi, bố mừng 100 nghìn thì lỗ chết”. Anh em cùng cười cho bớt ngượng nhưng là chỗ thân tình nên cũng không có vấn đề gì.

Anh Nguyễn Chí Dũng ở quận 1, TPHCM kể anh từng bị đứa trẻ 8 tuổi con của một người bạn đánh giá là... keo chảy nước khi mừng tuổi 50.000 đồng.

Thậm chí, anh và người bạn có phần gượng gạo với nhau khi cháu bé sơ hở: “Bố cháu nói chính xác. Chú Dũng mà mừng quá 50 ngàn thì bố chết tại chỗ”.

Có những tình huống oái oăm con trẻ gây ra từ chuyện lì xì, theo anh Dũng, nhiều khi trẻ bị tác động bởi những lời lời đánh giá, bình phẩm từ cha mẹ, có thể người lớn vô tình hoặc nói cho vui miệng chứ chưa chắc đã có ý gì.

“Bà xã tôi mỗi lần con nhận tiền lì xì cũng hay chê người này mừng ít, khen người kia mừng nhiều. Rồi đi mừng cũng căn ke con nhà này thì ít, con nhà kia thì nhiều. Điều này làm mất đi ý nghĩa tiền lì xì và ảnh hưởng không tốt đến con trẻ”, anh Dũng bày tỏ.

Lì xì ngày Tết mang nhiều ý nghĩa tốt lành chứ không phải nằm ở số tiền mừng ít hay nhiều
Lì xì ngày Tết mang nhiều ý nghĩa tốt lành chứ không phải nằm ở số tiền mừng ít hay nhiều

Lì xì, nhất là dành cho trẻ em là một tục lệ rất phổ biến trong ngày đầu xuân. Tuy nhiên, trẻ nhận tiền mừng nhưng lại ít biết về nguồn gốc, ý nghĩa của việc lì xì. Chưa kể, chính quan niệm sai lệch của bố mẹ, người lớn đối với việc lì xì đặt nặng giá trị vật chất cũng ảnh hưởng đến cách nhìn của trẻ đối với tiền mừng tuổi.

Người lớn hãy giúp trẻ hiểu, phong bao mừng tuổi tượng trưng cho lời cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc mà người tặng gửi tới người nhận. Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, mang lời chúc tốt lành.

Nhận được hay cho đi nhiều phong bao lì xì trong ngày Tết đều được coi là may mắn. Người nhận thì được hưởng lộc mà người trao thì “chia lộc” cho mọi người khác sau một năm an lành, ấm no. Từ việc hiểu ý nghĩa của tục lì xì, bố mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc giúp con biết đón nhận với tiền lì xì đúng cách.

Tiền mừng lì xì mang đúng ý nghĩa không chỉ tốt cho tình cảm, suy nghĩ của trẻ mà cũng bớt đi áp lực cho người lớn khi lì xì trẻ nhỏ mỗi khi Tết đến. Còn đối với những tình huống con trẻ gây ra những “sự cố” không hay khi nhận lì xì, chưa được dạy về ý nghĩ tiền lì xì, về tiền bạc, theo TS Phạm Thị Thúy, những nhận xét đánh giá của các em rất hồn nhiên, ngây thơ hoặc đôi khi là copy từ đánh giá của ai đó, người lớn đừng lo lắng hay nặng nề quá. Chỉ cần người lớn chỉ dạy trẻ nhẹ nhàng về phong tục lì xì cũng như cách ứng xử với tiền bạc thì các em sẽ hiểu, hạn chế được những tình huống không hay khi nhận tiền mừng tuổi.

Hoài Nam