Tư vấn tuyển sinh:

Mất phiếu số 2 thì có nhận được giấy báo dự thi?

(Dân trí) - Khối D trường ĐH KHXH&NV có nhân hệ số? Bằng liên thông có khác với bằng chính quy? Ngành báo chí truyền hình đào tạo gì? Thắc mắc về Học viện Chính sách và phát triển? Những thắc mắc về môn thi trắc nghiệm? Hồ sơ ĐKDT của em có sao không?

Mất phiếu số 2 thì có nhận được giấy báo dự thi?  - 1
Thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Hỏi: Em thi khối D Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, cho em hỏi Khối D trường này có nhân hệ số môn tiếng Anh không? (ana0123@yahoo.com)
 
*Trả lời: 
 
Em cần để ý điều này, không phải ngành nào tuyển sinh khối D đều nhân hệ số môn Ngoại ngữ. Thông thường chỉ có các ngành đào tạo chuyên sâu về ngoại ngữ thì lúc đó mới nhân hệ số.
 
Những thắc mắc về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 thí sinh gửi về email tuyensinh.dantri@gmail.comđể sớm nhận được câu trả lời.
Quay lại câu hỏi của em: Theo Ban tư vấn được biết thì tất cả các ngành của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn không nhân hệ số môn ngoại ngữ đối với khối D.

Em đang đăng ký thi liên thông từ cao đẳng lên đại học ở học viên bưu chính viễn thông, nhà trường thông báo khi tốt nghiệp được cấp bằng chính quy (hệ liên thông) em đang thắc mắc và không hiểu bằng chính quy (hệ liên thông) là như thế nào, bằng sau này có ghi chữ liên thông vào bằng hay không?(vuhuy1191987@gmail.com)

Nếu em học liên thông theo hình thức tập trung liên tục thì sẽ được cấp bằng chính quy. Về giá trị bằng cấp và phôi bằng không khác so với các sinh viên học hệ ĐH chính quy.

Điểm khác biệt của quá trình đào tạo liên thông và chính quy đó là thời gian đào tạo khi theo con đường học liên thông sẽ kéo dài hơn so với học chính quy và sinh viên phải trải qua một kì thi tuyển sinh nữa.

Cho em hỏi ngành Báo chí truyền hình học gì và làm ở đâu? (nhokdean@gmail.com)

Báo truyền hình là một chuyên ngành của Báo chí, chính vì thế mục đích đào tạo của chuyên ngành này vẫn có những nét chung. Ngoài việc công tác ở trong lĩnh vực truyền hình (biên tập viên, phóng viên) thì sinh viên học ngành này vẫn có thể công tác ở nhiều lĩnh vực truyền thông khác (báo in, báo mạng).

Mục đích đào tạo cho sinh viên chuyên ngành báo truyền hình là có bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu nước, trung thành với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thái độ dũng cảm trong cuộc đấu tranh bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, chống lại những âm mưu và hành động phá hoại chế độ, cổ vũ và hướng dẫn quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao, say mê nghề nghiệp, có tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, cầu thị trên cơ sở nhận thức đầy đủ và tự giác về vai trò, vị thế xã hội của báo chí và truyền thông đại chúng.

Sinh viên sẽ được đào tạo cơ bản, hệ thống về báo chí trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có tri thức khoa học, đặc biệt là tri thức chuyên sâu về báo truyền hình, đồng thời am hiểu rộng các khoa học có liên quan, đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ theo mục tiêu trên. Có trình độ ngoại ngữ và tin học theo yêu cầu đào tạo.

Năm nay em dự thi vào trường Học viện chính sách và phát triển, chuyên ngành quy hoạch phát triển (mã ngành là 4011) nhưng trong hồ sơ thi ĐH thì mã ngành chỉ được phép ghi 3 chữ số, em ghi là 401 (mã ngành của khoa kinh tế). Vậy em muốn hỏi điểm chuẩn của trường sẽ lấy như thế nào (lấy điểm theo khoa hay theo ngành) và nếu em đủ điểm vào khoa kinh tế thì em có được học ngành quy hoạch phát triển không? Ngoài ra em muốn hỏi thêm: năm nay có được phép sử dụng định lý đảo trong khi làm bài thi môn toán không? (hatrang1242@yahoo.com)  

- Theo quy định của trường HV Chính sách và Phát triển thì điểm chuẩn sẽ được xây dựng theo điểm trúng tuyển: Theo ngành; chuyên ngành và điểm sàn vào Học viện theo khối thi.

Nếu thí sinh đủ điểm vào ngành; chuyên ngành đã đăng ký ban đầu thì không phải đăng ký xếp ngành; chuyên ngành sau khi nhập học.

Nếu thí sinh đủ điểm sàn nhưng không đủ điểm tuyển vào ngành; chuyên ngành đã đăng ký dự thi sẽ được chuyển vào ngành; chuyên ngành khác có điểm thấp hơn nếu còn chỉ tiêu.

Việc không thể ghi được mã ngành Quy hoạch phát triển thì em cũng không cần phải lo lắng. Em có thể bổ sung việc này trong ngày đến làm thủ tục dự thi.

- Theo Ban tư vấn thì một khi đã gọi là định lý thì đó sẽ là kiến thức được công nhận và thí sinh có thể áp dụng trực tiếp để làm bài thi. Tuy nhiên nếu định lý này năm ngoài chương trình sách giáo thì em cần phải nêu và chứng minh lại trước khi sử dụng.

Em là người dân tộc Kinh, mẹ em là người dân tộc Khơ-me, vậy em có được hưởng ưu tiên không? Nếu có thì cần phải có giấy tờ gì để chứng nhận? (baolong.thuduc@gmail.com)

Theo quy chế thì thí sinh có bố hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số thì sẽ được hưởng chế độ nhóm ưu tiên 1, đối tượng 01.

Ở đây mẹ em là người dân tộc Khơ-me (dân tộc thiểu số) nên hoàn toàn đáp ứng để được hưởng ưu tiên.

Việc được hưởng ưu tiên hay không còn phụ thuộc em phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ để công nhận mẹ em là người dân tộc thiểu số và sau đó nộp cùng hồ sơ ĐKDT. Nếu em chưa kịp nộp (do thời hạn nộp hồ sơ đã hết) thì có thể nộp bổ sung trong ngày đến làm dự thi.

Có những bài thi mà TS bị mắc các lỗi về kỹ thuật như: sai mã đề, số báo danh, thông tin trên phiếu trắc nghiệm không đầy đủ... thì sẽ được xử lý như thế nào? Những bài thi trắc nghiệm máy không chấm được có được rút ra chấm bằng tay hay không? Việc chấm bài thi phúc khảo của TS sẽ như thế nào? Khi nộp đơn xin phúc khảo thì xin phúc khảo cả 3 môn thi hay chỉ 1 môn và mỗi thí sinh chỉ được xin phúc khảo 1 lần thôi phải không? (phuctinh25@yahoo.com.vn)  

- Trong quy trình chấm thi trắc nghiệm, sẽ có quy trình kiểm dò để phát hiện những thông tin sai. Quy trình này được bộ phận chấm thi thực hiện sau khi máy đã quét bài thi. Thực tế kiểm dò cho thấy: có những lỗi lôgic như có số báo danh trùng nhau, mã đề không tồn tại... máy sẽ phát hiện ra. Trong trường hợp này bộ phận chấm thi trong đó có sự giám sát của công an sẽ sửa lại các lỗi lôgic và đưa vào chấm bình thường. Tuy nhiên, có những lỗi kỹ thuật mà máy không phát hiện được. Ví dụ: TS tô sai mã đề thành một mã đề khác cũng có trong tổng số đề thi thì máy sẽ không nhận ra và sẽ chấm theo mã đề TS đã tô. Như vậy bài thi của TS sẽ bị máy đương nhiên chấm nhầm. Trường hợp này chỉ sau khi có kết quả thi, TS phải làm đơn phúc tra thì mới được xem xét và chấm lại.

- Những bài thi máy không chấm được là do TS không thực hiện đầy đủ các yêu cầu nên máy không nhận dạng hết được. Những bài thi như vậy sẽ được xử lý về mặt kỹ thuật để máy nhận dạng được và chấm bình thường. Trong một số ít trường hợp, ví dụ như phiếu trả lời bị gập, ẩm dẫn đến máy không quét được, bài thi sẽ được lập biên bản để nhập vào máy bằng biện pháp thủ công dưới sự giám sát của thanh tra và công an.

Bài thi trắc nghiệm cũng sẽ được chấm phúc khảo như đối với thi tự luận. Riêng về quy trình chấm phúc khảo bài thi trắc nghiệm có hơi khác một chút: bài thi (phiếu trả lời câu hỏi trắc nghiệm) của TS sẽ được rút ra để đối chiếu với bản text đã được máy chấm quét trong lần chấm đầu để xác nhận bài thi và bản quét là một. Sau đó, các cán bộ chấm thi phải so sánh, kiểm tra trực tiếp xem trên bài thi có vấn đề gì ảnh hưởng đến kết quả hay không. Ví dụ như: vì tô câu trả lời mờ khiến máy không đọc được thì phải điều chỉnh ghi nhận câu trả lời đúng cho TS... Kết quả của lần chấm lại căn cứ trên thực tế bài thi sẽ được lấy làm điểm chấm phúc khảo và được công nhận là kết quả thi của TS.

- Việc chấm phúc khảo các bài trắc nghiệm vẫn do máy thực hiện. Việc phúc khảo chỉ là kiểm tra những thông tin trên bài thi của TS có chuẩn xác hay không. Với những bài có những lỗi kỹ thuật thuộc về TS thì phải đối chiếu bài thi với phiếu thu bài thi để xác định đúng các thông tin trên bài thi của TS. Sau đó những lỗi kỹ thuật này sẽ được sửa lại và đưa vào máy chấm. Trường hợp mà TS ghi thông tin trên phiếu thu bài thi cũng không chính xác thì TS phải chịu trách nhiệm.

Việc em phúc khảo bao nhiêu môn thi là quyền của em, không có quy định nào hạn chế số lượng môn thi phúc khảo. Tuy nhiên, đối với kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì không có ràng buộc trong việc phúc khảo nhưng đối với kì thi tốt nghiệp THPT thì thí sinh phải đảm bảo được điều kiện theo quy chế. Việc phúc khảo bài thi chỉ được thực hiện một lần. Không có khái niệm phúc khảo lần 2 hoặc lần 3.

Hiện nay em đang là thí sinh tự do, năm ngoái khi học lớp 12 em đăng kí mua hồ sơ tại trường THPT thì bên ngoài túi hồ sơ có dấu đỏ của Sở GD-DT nhưng năm nay em mua hồ sơ tại hiệu sách và không thấy có dấu này nhưng em đã nộp hồ sơ ( không có dấu của Sở hay Bộ GD) rồi thì có làm sao không? Trong túi phiếu đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm 2010 có tờ phiếu số 1 và số 2. Theo em được biết thì trong hai tờ phiếu này cán bộ thu nhận hồ sơ phải ký và đóng dấu xác nhận nhưng khi em nộp hồ sơ tại phòng GD-ĐT Cầu Giấy thì cán bộ thu nhận hồ sơ chỉ kí và ghi rõ họ tên chứ không đóng dấu thì có làm sao không?(nguyenanhk45h1@gmail.com)  

Em không cần phải lo lắng về điều này. Việc hồ sơ ĐKDT không có dấu của Bộ hoặc Sở là chuyện có thể xảy ra. Tuy nhiên nếu hồ sơ này có đầy đủ các mục và thông tin như hồ sơ có dấu thì vẫn được chấp nhận bình thường.

Ở đây cán bộ tuyển sinh đã nhận hồ sơ ĐKDT của em thì có nghĩa là nó đã hợp lệ. Việc chỉ ký tên mà không đóng dấu trên phiếu số 2 là chuyện bình thường. Trên thực tế thì chẳng có đơn vị nào đóng dấu trên phiếu số 2 cả.

Mất phiếu đăng ký dự thi số 2 thì có được nhận giấy báo dự thi? Cần điều kiện ràng buộc gì không? (motdieuuoc_uocchichonhieu@yahoo.com)  

Theo chuyên viên Vụ giáo dục ĐH thì nếu làm mất tờ phiếu ĐKDT số 2 thì có thể mang những giấy tờ tuỳ thân dán ảnh hợp lệ xuất trình cho cán bộ trả giấy báo dự thi để nhận giấy báo của mình. Giấy tờ hợp lệ có thể là chứng minh thư nhân dân, thẻ học sinh…

Sau khi nhận được giấy báo dự thi và phát hiện ra những sai sót trong hồ sơ ĐKDT, thí sinh phải chỉnh sửa trong ngày làm thủ tục dự thi.

Nếu thí sinh mất phiếu số 2 thì cần mang những giấy tờ cần thiết để xác nhận thông tin mình sửa, ví dụ như muốn sửa ngày tháng năm sinh thì phải mang giấy khai sinh, đối tượng ưu tiên thì phải mang giấy xác nhận của địa phương…

Tuy nhiên, đối với việc điều chỉnh nguyện vọng mã ngành học sẽ hơi phức tạp một chút. Do không còn phiếu số 2 của thí sinh nên bắt buộc các trường phải kiểm tra hồ sơ gốc để đối chứng nên rất mất thời gian.

Sau khi điều chỉnh hồ sơ ĐKDT, nếu thí sinh không có phiếu ĐKDT số 2 thì cán bộ chỉnh sửa hồ sơ bắt buộc phải viết giấy xác nhận thông tin điều chỉnh cho thí sinh sau đó đóng dấu xác nhận. Thí sinh có trách nhiệm giữ giấy này để sau này có thể đối chứng khi cần thiết.

Ban tư vấn tuyển sinh