Mặc lời dị nghị, nữ cán bộ xã cưu mang, giúp học trò dân tộc đến trường

Tiến Thành

(Dân trí) - Không muốn các học sinh dân tộc phải nghỉ giữa chừng vì khó khăn, một nữ cán bộ xã tại Quảng Bình đã đón các em về nhà cưu mang, nuôi dưỡng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em theo đuổi con chữ.

Niềm trăn trở của nữ cán bộ xã

Nữ cán bộ giàu tình yêu thương mà chúng tôi nhắc đến là chị Ngô Thị Hồng (SN 1983), trú thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Chị Hồng hiện là cán bộ văn hóa thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch.

Nhiều năm qua, ngôi nhà nhỏ nằm khuất sau khu dân cư mới ở thôn Phúc Tự Đông của chị Hồng chính là mái ấm nuôi dưỡng 5 "mầm xanh" người Bru - Vân Kiều ở bản Rào Con.

Mặc lời dị nghị, nữ cán bộ xã cưu mang, giúp học trò dân tộc đến trường - 1

Con đường vào bản Rào Con, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch.

Nhắc đến Rào Con, đây là một bản làng nằm giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch. Bản làng này gần như biệt lập với thế giới bên ngoài vì đường đi lại quá khó khăn.

Là một cán bộ lâu năm của thị trấn Phong Nha (trước đây là xã Sơn Trạch), chị Hồng hiểu rất rõ về những vất vả, khó khăn của đồng bào dân tộc Vân Kiều nơi bản nghèo Rào Con. Đặc biệt là hành trình tìm kiếm con chữ của các em học sinh, điều mà bản thân chị Hồng cũng như nhiều thế hệ cán bộ thị trấn Phong Nha luôn trăn trở.

Khoảng chục năm về trước, bản Rào Con còn chưa có điểm trường, nên đều đặn hàng tuần, các thầy, cô cùng chính quyền địa phương lại vào bản vận động con em ra trường sau thời gian nghỉ "quá hạn".

Nhiều lần vào bản, thương những đứa trẻ Vân Kiều có nguy cơ thất học, lặp lại vòng tuần hoàn đói nghèo của bố mẹ, chị Hồng nghĩ mình phải làm cái gì đó. Vậy là chị thuyết phục bố mẹ của 2 em Nguyễn Văn Lửa (SN 2000) và Nguyễn Văn Long (SN 2004), cho đón các em ra chăm nuôi tại nhà ngoại của mình ở trung tâm xã để có cơ hội học hành.

Mặc lời dị nghị, nữ cán bộ xã cưu mang, giúp học trò dân tộc đến trường - 2

Để các em học sinh Vân Kiều ở bản Rào Con được đến trường, chị Hồng đã đón các em về nhà cưu mang, chăm sóc.

Ở thời điểm hiện tại, mặc dù Rào Con đã có điểm trường mầm non, tiểu học và THCS, thế nhưng đa phần các em học sinh ở bản nghèo này sau khi học xong lớp 9 đều nghỉ học. Nhiều em dù khao khát đến trường, được tiếp tục học lên nhưng vì điều kiện nghèo khó, con đường về trung tâm huyện học tiếp cấp 3 quá xa nên cũng đành bỏ dở.

Không muốn niềm mơ ước đến trường của học sinh Vân Kiều phải dang dở, chị Hồng về bàn với chồng, bỏ qua nhiều lời dị nghị, tiếp tục cưu mang những con em bản Rào Con, đưa về ăn ở tại nhà của mình để có điều kiện theo học ở các trường THPT của huyện Bố Trạch.

Mái ấm hy vọng của những học sinh Vân Kiều

Chồng chị Hồng là anh Nguyễn Đức Anh, một kỹ sư xây dựng, sau nhiều năm lăn lộn rồi tự mở một doanh nghiệp "sau lũy tre làng". Ngày chị Hồng đưa thêm mấy "đứa con" về nhà, ban đầu anh Đức Anh hơi ái ngại nhưng dần dần rồi cũng quen, đặc biệt sau khi được vợ dẫn đi thực tế một chuyến ở Rào Con, thấy được khó khăn của bà con, anh Đức Anh càng ủng hộ hơn quyết định của vợ.

Mặc lời dị nghị, nữ cán bộ xã cưu mang, giúp học trò dân tộc đến trường - 3

Ngày đi làm, tối về kèm cặp các con học bài là công việc lặp đi lặp lại nhiều năm nay của chị Hồng.

Cứ vậy, đứa sau tiếp đứa trước, hiện tại, gia đình chị Hồng có thêm 5 "đứa con" Vân Kiều, 4 trai, một gái. Trong đó, cháu Long, cháu Thừa học lớp 12, cháu Hận lớp 11 và Việt, Trường đang theo học lớp 10.

Chia sẻ về những ngày đầu đón các em học sinh Vân Kiều về ở tại nhà mình, chị Hồng cho biết, chuyện ăn, chuyện học cho các con không phải đơn giản, khó khăn nhất là giúp các cháu hòa đồng với nhịp sống miền xuôi. Vợ chồng anh chị phải bắt tay chỉ dạy từ nấu cơm, giặt đồ, gấp chăn màn, thậm chí cả cách dùng nhà vệ sinh... người thân, xóm giềng biết chuyện ai cũng lắc đầu.

"Tổng kết năm đầu tiên, nhà có 5 nồi cơm điện bị cháy, xem như "học phí" để các cháu hoàn thành khóa học nấu cơm bằng nồi điện, đó là chưa kể các đồ dùng khác. Hai đứa con trai ruột của tôi, thời gian đầu nhất quyết không chịu đến lớp vì bị bạn bè trêu chọc. Phải mất một thời gian dài, với nỗ lực của bố mẹ, các cháu mới hiểu chuyện, biết cách sẻ chia", chị Hồng tâm sự.

Ngày đi làm, tối về kèm cặp các con học bài là công việc lặp đi lặp lại nhiều năm nay của chị Hồng. Trong thời gian chăm sóc, kèm cặp học tập, chị Hồng cũng nhận ra dù học lực các cháu không thể bằng các bạn cùng lớp, nhất là các môn lý thuyết cơ bản. Tuy nhiên, với các môn thực hành nghề thì mỗi em lại có sự nhanh nhẹn, sáng tạo riêng. Vợ chồng chị Hồng cũng đã dựa vào đó để định hướng cho các cháu học nghề theo sở thích.

Mặc lời dị nghị, nữ cán bộ xã cưu mang, giúp học trò dân tộc đến trường - 4

Gia đình chị Hồng có thêm 5 "đứa con" Vân Kiều, 4 trai, 1 gái. Trong đó, cháu Long, cháu Thừa học lớp 12, cháu Hận lớp 11 và Việt, Trường đang theo học lớp 10.

Như em Nguyễn Văn Long, dưới sự hướng dẫn của anh Đức Anh, hiện tại gần như có thể sửa chữa được các thiết bị điện trong gia đình. Long tâm sự, khi học hết THPT, em sẽ cố gắng theo học nghề điện lạnh, học thật giỏi để thành nghề, kiếm được tiền nuôi sống gia đình. Còn Nguyễn Thị Thừa là người sáng dạ nhất, cô học trò này mong muốn học tiếp nghề giáo viên để về dạy lại con chữ cho học sinh ở bản Rào Con.

"Nhờ có mẹ Hồng mà cháu được về trung tâm huyện, được tiếp tục đi học. Cháu sẽ cố gắng học tập thật giỏi và ước mơ sẽ trở thành một giáo viên, để có thể về Rào Con, dạy con chữ cho các em nhỏ sau này. Chỉ mong sao bản em sẽ thoát nghèo, cuộc sống mọi người đỡ vất vả hơn", em Nguyễn Thị Thừa chia sẻ.

Còn với vợ chồng chị Hồng, anh Đức Anh, niềm vui lớn nhất chính là những đứa trẻ Vân Kiều được theo đuổi con chữ, theo đuổi đam mê, hoàn thành ước mơ của mình. Những hành động đẹp của cặp vợ chồng giàu lòng nhân ái này đã và đang làm thay đổi cuộc đời của các em học sinh nghèo dân tộc; tạo tiền đề để các em vượt qua cái đói, cái nghèo để vươn lên, tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.