Lùm xùm việc cấp chứng chỉ Aptis: Bộ GD&ĐT yêu cầu chấn chỉnh

Mỹ Hà

(Dân trí) - Liên quan đến hàng trăm người đổ vỡ kế hoạch du học, tốt nghiệp và bị "đem con bỏ chợ" vì bị cấp sai chứng chỉ Aptis, tối 1/3, đại diện Bộ GD&ĐT yêu cầu chấn chỉnh việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ.

Trao đổi với PV Dân trí tối 1/3, ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, ngày 27/2, Cục gửi văn bản yêu cầu các bên liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis chấn chỉnh việc thi và cấp chứng chỉ đúng quy định được Bộ phê duyệt.

Theo đó, Cục Quản lý chất lượng đề nghị các bên liên kết chấn chỉnh việc thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài bảo đảm đúng Quyết định số 3646/QĐ-BGDĐT ngày 11/11/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các quy định của pháp luật hiện hành.

Lùm xùm việc cấp chứng chỉ Aptis: Bộ GDĐT yêu cầu chấn chỉnh - 1

Chứng chỉ Aptis được Hội đồng Anh tổ chức thi từ ngày 11/11 đến 22/12/2022 được Cục Quản lý Chất lượng trả lời chưa đúng quy định (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cục cũng yêu cầu giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis, có biện pháp xử lý bảo đảm quyền lợi của người dự thi.

Theo báo cáo giải trình của Hội đồng Anh gửi Bộ GD&ĐT, chứng chỉ Aptis ESOL là tên gọi mới của chứng chỉ Aptis, đã được tổ chức thi tại Việt Nam từ năm 2013.

Cụm từ ESOL (English for Speakers of Other Languages) được bổ sung để phù hợp với xu hướng phát triển của khảo thí ngôn ngữ và nhu cầu đánh giá trình độ tiếng Anh của những người không sử dụng trên thế giới.

"Chứng chỉ Aptis có các phiên bản: General, Advanced và For Teachers. Chứng chỉ mới Aptis ESOL cũng có các phiên bản bài thi General, Advanced và For Teachers. Do vậy, chứng chỉ Aptis và Aptis ESOL có giá trị pháp lý như nhau", báo cáo giải trình nêu rõ.

Trong quá trình tổ chức thi Aptis/Aptis ESOL từ 11/11 đến 22/12/2022, đơn vị này vẫn cấp mẫu chứng chỉ Aptis cũ do phôi chứng chỉ mới chưa kịp về Việt Nam. Hội đồng Anh thừa nhận đây là sơ suất về mặt hành chính và chưa kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT.

Đơn vị này cũng đề xuất biện pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi của người dự thi là đăng tải công khai thông báo xác nhận mẫu chứng chỉ Aptis cũ và mẫu chứng chỉ Aptis ESOL International Certificate có giá trị như nhau.

Đồng thời, Hội đồng Anh hứa sẽ cấp lại chứng chỉ theo mẫu mới cho các thí sinh đã vượt qua bài thi và được công nhận (nếu có yêu cầu), trong vòng 2 năm kể từ ngày thi.

Lùm xùm việc cấp chứng chỉ Aptis: Bộ GDĐT yêu cầu chấn chỉnh - 2

Sinh viên vất vả đi lại giữa Hội đồng Anh và Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhưng chưa giải quyết được vấn đề (Ảnh: Huyền My).

Được biết sự việc trên bắt nguồn từ việc nhiều sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng thi và được Hội đồng Anh cấp chứng chỉ Aptis General từ 11 đến 22/12/202, trong khi theo phê duyệt của Bộ GD&ĐT, chứng chỉ mà Hội đồng Anh được cấp từ ngày 11/11 là "Aptis ESOL International Certificate".

Những người có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế Aptis do Hội đồng Anh tổ chức từ 11/11 đến 22/12/2022 nhưng không được Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM) chấp thuận với lý do không đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Bất bình vì điều này, nhiều người liên tục tìm đến Hội đồng Anh và nhà trường mong được giải quyết thỏa đáng vụ việc nhưng đến nay chưa có hồi kết.

Chiều 28/2, 3 người đại diện cho nhóm sinh viên được vào nói chuyện với phía Hội đồng Anh.

Theo họ, Hội đồng Anh cho biết, đơn vị này đã xác nhận với Trường Đại học Tôn Đức Thắng về tính pháp lý của chứng chỉ Aptis và Aptis ESOL đã cấp hoàn toàn theo quyết định của Bộ GD&ĐT. Hai bằng có giá trị tương đồng và giá trị pháp lý như nhau.

"Hội đồng Anh nói trường vin vào công văn ngày 9/1/2023 của Cục Quản lý Chất lượng của Bộ GD&ĐT thì cần phải xem lại vì đây là quyền lợi của sinh viên. Họ khuyên chúng tôi nên quay trở về làm việc với trường và đưa ra văn bản mà Hội đồng Anh đã cung cấp", một nam sinh cho biết.

Cũng theo nam sinh này, việc nhà trường không chấp nhận chứng chỉ Aptis do Hội đồng Anh cấp trong khoảng thời gian thi từ 11/11 đến 22/12/2022 đã ảnh hưởng tới kế hoạch học tập cũng như công việc mà các em đã định hướng sẵn.

Nếu phải ôn thi chứng chỉ tiếng Anh khác sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức của tụi em. Chưa kể, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ tốt nghiệp bởi để thi chứng chỉ khác không phải dễ dàng do mỗi loại có những chuẩn khác nhau.

Các sinh viên mong muốn Bộ GD&ĐT, Hội đồng Anh và Trường Đại học Tôn Đức Thắng xử lý dứt điểm nội dung trên để đảm bảo quyền lợi cho họ.