Luật sư: Cần truy tố phụ huynh tội đưa hối lộ tác động sửa, nâng điểm cho thí sinh

(Dân trí) - Theo Luật sư Lê Văn Luân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), các phụ huynh/ người thân trong vụ án gian lận thi cử ở một số tỉnh thành trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 có thể bị xem xét truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi hoặc tội đưa hối lộ để tác động sửa nâng điểm cho thí sinh - là con cái hoặc người nhà của mình.

 

Luật sư: Cần truy tố phụ huynh tội đưa hối lộ tác động sửa, nâng điểm cho thí sinh - 1

Ít nhất 12/44 thí sinh được nâng điểm là con em của những người làm giáo dục của tỉnh Sơn La.

 

 

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Lê Văn Luân cho rằng, cần làm rõ các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật tất cả các đối tượng có liên quan.

"Phụ huynh, người thân của các thí sinh được sửa nâng điểm thi THPT Quốc gia 2018 có thể bị xem xét truy cứu xử lý theo pháp luật. Cụ thể, nếu các phụ huynh là người có chức vụ hoặc quan hệ với người đã nâng điểm mà tác động tới người này thì có thể phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.

Nếu đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác để những người này nâng điểm thì phạm tội đưa hối lộ", luật sư Luân cho hay.

Theo đó, đưa hối lộ được hiểu là hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (của hối lộ) dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Việc đưa của hối lộ có thể là do người phạm tội chủ động đưa cho người có chức vụ, quyền hạn nhưng cũng có thể đưa của hối lộ theo gợi ý, đòi hỏi của người có chức vụ, quyền hạn.

Việc đưa hối lộ có thể thực hiện một cách trực tiếp, nhưng cũng có thể thực hiện một cách gián tiếp (qua người môi giới).

Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ thời điểm một bên chấp nhận đề nghị hoặc yêu cầu của bên kia. Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự 2015.

Luật sư Luân cho rằng, cần phải công khai danh tính phụ huynh có học sinh đã được nâng điểm vì đó là những người đã thực hiện hành vi phạm tội trong lĩnh vực giáo dục, cho nên cần phải nêu danh tính trước toàn xã hội để cảnh báo cho những trường hợp khác trong tương lai.

Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 2 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 7 đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm.

Lệ Thu (ghi)