Lọt "cửa" biên chế mới có tương lai?

Tôi từng hỏi rất nhiều sinh viên về nghề nghiệp và tương lai của họ. Không ít trong số đó luôn nghĩ về sự ổn định của 2 từ “biên chế”.

Bằng giả, bằng thật và những cánh cửa

Câu chuyện về hậu duệ, đồng tiền và trí tuệ dường như chưa bao giờ có hồi kết ở xứ mình.

Mới đây thôi, dư luận lại có dịp xôn xao khi báo Thanh Niên đăng bài về triệt phá đường dây làm bằng giả với quy mô lớn tại tại vùng đất được mệnh danh “địa linh nhân kiệt” – TP. Vinh, Nghệ An. Hàng loạt bằng cấp giả, từ phổ thông đến đại học bị tịch thu, mà nghe đâu những thứ giả dối ấy chỉ được rao bán với giá 1-2 triệu đồng.

Bằng giả tất phải mua bằng tiền. Nhưng có bằng thật cũng không có gì đảm bảo xin việc không mất tiền, khi mà không ít “cánh cửa” chỉ mở ra nếu có thủ tục “đầu tiên” trong hồ sơ ứng tuyển.

Trong kết quả khảo sát về chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PIPA) ở Việt Nam công bố vào tháng 4 vừa rồi, có đến 50% trong số 13.500 người dân được chọn hỏi ngẫu nhiên trên toàn quốc, cho biết họ phải “chạy tiền" mới có được việc làm trong khu vực nhà nước.

Còn mới đây, một giáo sư danh tiếng cũng phải nhận định: “cử nhân tốt nghiệp muốn xin được việc làm tốt mà không mất tiền là chuyện lạ”.

Không thể phủ nhận xã hội hiện tại đang tồn tại những khuyết tật, khi đồng tiền và sự giả dối dường như mang sức mạnh chi phối lớn. Đồng tiền có thể “vẽ” ra một phông nền học thức cao vời vợi chỉ bằng một giao dịch rẻ bèo. Đồng tiền có thể quyết định nghề nghiệp tương lai và chi phối số phận bao người. Trong vòng xoáy ấy, người may thì có việc dù chưa biết tương lai ra sao, người rủi thì mất tiền mà cũng chẳng có việc.

Hệ lụy của tình trạng này, hẳn ai cũng có thể hình dung. Trong đó, nguy hiểm hơn cả là nó sẽ để lại “vết hằn” trong suy nghĩ, tầm nhìn của giới trẻ - thế hệ sẽ nắm trong tay vận mệnh đất nước.

Xếp hàng nộp hồ sơ thi công chức Thuế ở Hà Nội.

Xếp hàng nộp hồ sơ thi công chức Thuế ở Hà Nội.

Vậy người trẻ nghĩ gì?

Cách đây vài ngày, tôi đọc được những lời chia sẻ của một số bạn đọc báo Tuổi trẻ trong những bài viết mang tiêu đề đầy cảm thán: “Cay đắng mới ra trường tìm việc: mấy trăm triệu cho vừa?”, “Miệt mài đến đâu cũng không có biên chế cháu ạ”, “Khi quê hương không có chỗ cho người trẻ”. Tác giả đều là thanh niên tuổi đôi mươi, vừa bước chân khỏi cổng trường đại học.

Đọc những dòng ấy, tôi mừng khi các bạn trẻ ấy vẫn không ngừng tâm tư, trăn trở về chính tương lai họ và của đất nước. Họ dám nói những điều họ nghĩ từ những gì họ thấy, bằng một cách thức văn minh.

Nhưng mặt khác, tôi cũng không khỏi lo lắng cho cách nhìn nhuốm màu tiêu cực của họ.

Một bạn trẻ đã viết: “Hỏi thử cần bao nhiêu tiền để xin được một công việc có lương bằng 2,34x1,15 triệu, thì số tiền cũng biến thiên khá rộng, một trăm triệu có, bốn năm trăm triệu cũng có”; “Trong thâm tâm tôi lúc nào cũng mong muốn chứng minh cho những người “lắm tiền” kia rằng, tôi không cần tốn trăm triệu vẫn được làm một công chức, viên chức nhà nước, vẫn tìm được một công việc như ý. Nhưng không biết cái ước mơ ấy tới chừng nào mới thực hiện được”.

Viết ra những dòng này, có lẽ họ đã không còn niềm tin mình có thể thay đổi số phận và thay đổi xã hội.

Tôi từng hỏi rất nhiều sinh viên về nghề nghiệp và tương lai của họ. Một phần không nhỏ luôn nghĩ về sự ổn định của 2 từ “biên chế” cùng với số tiền ba mẹ họ đã chuẩn bị cho những bước đầu đời. Dường như họ nghĩ rằng đó là con đường duy nhất có thể đi để đạt được sự “ổn định”.

Không hiếm những sinh viên có suy nghĩ học cho lắm cũng chỉ có tấm bằng và bằng loại nào mà chẳng giống nhau, vì đều phải cần tiền mới có được việc. Từ đó, các em coi thường sự học, xem giảng đường là chốn tạm bợ chỉ để có được tấm bằng.

Dường như khi phải chạm mặt với những tiêu cực, rối ren của xã hội, một số người trẻ chọn cách “thuận dòng”, chấp nhận việc đồng tiền đang chi phối trong rất nhiều thứ. Đồng nghĩa họ tự triệt tiêu trí tuệ ra khỏi hệ giá trị của cuộc sống.

Khi đánh mất niềm tin, người ta sẽ trở nên ích kỷ hơn, dễ thỏa hiệp và chấp nhận số phận. Họ chấp nhận tiền lệ đang tồn tại, chạy đua theo nó và bỏ quên bản lĩnh, lý tưởng của chính mình.

Rõ ràng đang tồn tại một vòng tròn luẩn quẩn - tiêu cực xã hội hình thành tư duy tiêu cực của con người, trở thành khởi nguồn của những hành động tiêu cực, và chúng tác động ngược trở lại xã hội.

Để hóa giải vòng tròn đó, chắc chắn cần những giải pháp mang tính tổng hòa của nhiều công cụ, từ luật pháp, cơ chế chính sách, hiệu quả thực thi công lực đến nền giáo dục nói chung.

Nhưng chính giới trẻ, trong khả năng của mình, cũng cần chủ động định hình lại tư duy của bản thân. Tại sao lại mãi bám đuổi theo con đường “ổn định từ biên chế” cũ kỹ lỗi thời? Tại sao phải bất chấp để bám lấy những mảnh đất công chật hẹp và còn thiếu minh bạch.

Tại sao không nhìn xa ra để thấy mảnh đất rộng lớn của khu vực dân doanh vẫn đang khát khao nguồn nhân lực bằng thật, học thật và chất lượng thật. Thực tế, đã và đang có hàng triệu người đứng rất vững vàng bằng năng lực của mình.

Dù ảnh hưởng bên ngoài là không thể phủ nhận, nhưng trước tiên, người trẻ nắm trong tay quyền lựa chọn cho số phận cuộc đời mình. Không có một con đường duy nhất cho tương lai, sự ổn định và thành công. Và chẳng phải họ chính là những người sẽ định hình bộ mặt của tương lai đất nước sao?

Theo Lưu Minh Sang/Vietnamnet