TS Vũ Minh Khương:

Lớp trẻ phải ý thức được sứ mệnh quan trọng của mình…

(Dân trí) - TS Vũ Minh Khương hiện là giảng viên tài chính và phân tích kinh tế tại Đại Học Suffolk, Boston, đồng thời còn làm cộng tác viên nghiên cứu ở ĐH Harvard (Mỹ). Tác giả Jane Bui đã có cuộc chuyện trò khá dài với TS Vũ Minh Khương xoay quanh nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, tất cả đều toát lên nỗi trăn trở và lòng tâm huyết của TS Khương là làm sao để nước Việt ta được “ngẩng cao đầu” trên đầu trường quốc tế. Chúng tôi xin lược trích một phần nhỏ cuộc nói chuyện với nội dung dưới đây:

 

Anh có nhiều trăn trở về sự cấp bách phải có “đổi mới tư duy” ở nước ta. Vậy theo anh, đâu là những nhân tố và bước đi then chốt thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy này?

 

Đổi mới tư duy đòi hỏi những nỗ lực phi thường

 

Như tôi đã từng trình bày trong một diễn đàn trước đây, đổi mới tư duy, về bản chất, là sự thoát khỏi nếp nghĩ hiện thời thịnh hành để trở lại cách tư duy chân chính, dựa trên nền tảng của chân lý khoa học và lòng nhân ái. Đổi mới tư duy là một quá trình rất khó khăn, đòi hỏi những nỗ lực phi thường, nhất là khi tình thế còn dường như thuận lợi.

 

Sự khởi động, thúc đẩy của nhóm người tiên phong

 

Quá trình đổi mới tư duy cần được khởi động và thúc đẩy bởi những nhóm người tiên phong, bao gồm đội ngũ trí thức, các nhà chính trị, và lớp trẻ.

 

Đội ngũ trí thức là lực lượng có năng lực và sự bức xúc cao nhất cho nỗ lực khai sáng bản thân và khai sáng toàn xã hội. Họ phải làm việc cật lực để có được những tác phẩm, bài viết, và hành động, sắc bén về trí tuệ, quả cảm về dũng khí, chứa chan tinh thần dân tộc để góp phần thức tỉnh xã hội.

 

Về những nỗ lực này, tôi thấy trí thức chúng ta cần đặc biệt học tập hai tấm gương lớn: nhà chí sĩ Phan Chu Trinh của nước ta vào đầu thế kỷ trước và Học giả Yukichi Fukuzawa của Nhật bản trong thời kỳ cải cách Minh Trị. Hai ông đều không màng chức quyền và dốc hết tâm lực và trí tuệ cho sự ngiệp khai sáng dân trí và hun đúc ý thức dân tộc.

 

Học từ lịch sử

 

Các nhà chính trị phải có được tầm nhìn sâu rộng về thời đại và sự day dứt “ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa” của Trần Hưng Đạo về vị thế quốc gia và vận mệnh dân tộc. Từ đó, mới đủ dũng khí thoát khỏi tư duy giáo điều và vụ lợi cá nhân, để đưa ra đựợc những cương lĩnh và quyết sách nền tảng cho sự đổi thay xã hội.

 

Chúng ta cần học các lãnh tụ cải cách thời Minh Trị ở Nhật Bản trong việc đưa ra những nguyên lý cốt lõi cho công cuộc đổi thay, được đúc kết trong năm lời thề của vua Minh Trị khi khởi đầu công cuộc cải cách vào năm 1868, bao gồm: “Mọi người dân đều được tự do thực hiện khát vọng của mình để tâm thức của họ luôn luôn bùng sáng” (lời thề thứ ba), “Các hủ tục của quá khứ sẽ bị bãi bỏ và mọi việc sẽ được cân nhắc dựa trên qui luật công bằng của trời đất” (lời thề thứ tư) và “Tri thức sẽ được tìm kiếm khắp thế giới để xây dựng nền tảng phát triển quốc gia” (lời thề thứ năm). 

 

Học từ bạn bè năm châu

 

Chúng ta cũng nên tham khảo kinh nghiệm của lãnh đạo Trung Quốc trong áp dụng lý thuyết của nhà kinh tế Thomas Schelling, người vừa được giải thưởng Nobel năm 2005. Lý thuyết này gợi ý rằng, một dân tộc có thể làm mình mạnh mẽ hơn bằng cách tự tước bỏ những lựa chọn tầm thường mà mình đang có.

 

Theo ý tưởng này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ráo riết chỉ đạo quá trình ra nhập WTO, không chỉ đơn thuần vì vấn đề thị trường, mà quan trọng hơn, họ muốn tự tước bỏ những lựa chọn tầm thường, như bao cấp, bảo hộ để dân tộc mạnh hơn hẳn khi buộc phải chấp nhận những luật chơi khắc nghiệt nhất của hội nhập quốc tế.

 

Và lớp trẻ …

 

Lớp trẻ, với sức sống và khả năng hội nhập quốc tế cao, có điều kiện thuận lợi nhất trong tiếp nhận tư duy mới và làm nó lan toả mạnh mẽ ra toàn xã hội. Điều quan trọng là lớp trẻ phải ý thức được sâu sắc sứ mệnh quan trọng của mình trong công cuộc đổi mới tư duy này.

 

Những phẩm chất chính yếu nhất mà thế hệ trẻ nước ta cần rèn luyện và hun đúc để góp phần nhiều hơn trong nỗ lực đổi mới tư duy của nước nhà là gì vậy, thưa anh?

 

Theo tôi, đó là khai sáng về tư duy, chân chính trong lẽ sống, khát khao và thấu đáo trong học hỏi, và luôn khắc khoải về một ngày dân tộc mình được ngẩng cao đầu.

 

Vậy, còn những vấn đề then chốt trong thu hút người tài thì sao?

 

Trước hết, chúng ta phải thấm nhuần chân lý mà người xưa đã dạy: “Thu phục được người tài, phồn vinh/Để người tài bỏ đi, tàn lụi”.

 

Điều thứ hai, chỉ có ý chí và khát vọng lớn mới có thể thu hút được người hiền tài. Khổng Minh hỏi Lưu Bị: “Chí của ngài đến đâu?” và chỉ quyết định đi theo khi thấy Lưu Bị là người có chí bình thiên hạ.

 

Điều thứ ba, việc dùng người tài phải thật chuyên và tâm phúc. Lời khuyên của Quản Trọng với Tề Hoàn Công rất đáng cho chúng ta tham khảo, đại ý là một quốc gia không thể làm nên được nghiệp lớn, nếu phạm phải một trong ba điều sau: Không dùng người tài; Dùng người tài mà không chuyên; Dùng người tài lẫn lộn với kẻ dốt nát xu nịnh.

 

Hiện tại có rất nhiều sinh viên VN qua Mỹ du học, anh có điều gì khuyên các bạn trẻ cần phải làm, để thời gian học ở Mỹ trở thành hữu ích nhất cho mỗi cá nhân và cho đất nước?

 

Có ba điều các bạn trẻ cần lưu ý. Thứ nhất, thông qua học tập, tìm hiểu, họ phải thực sự  chú tâm rèn cho mình chuyên sâu và tinh thông về một lĩnh vực nào đó. Điểm học không phải là yếu tố quan trọng nhất. Đọc thêm, tham khảo, thảo luận, mở rộng các mối quan hệ liên kết trong lĩnh vực mình say mê là đặc biệt quan trọng.

 

Thứ hai, cố gắng tìm các cơ hội thực hành trong công việc. Đó là cơ môi trường đặc biệt giúp SV ta học và trưởng thành nhanh chóng.

 

Thứ ba, luôn theo sát mọi chuyển biến của đất nước và tự đặt cho mình trách nhiệm đóng góp vào quá trình đổi thay ở nước nhà. Đây thực sự là một nguồn năng lượng vô cùng tiềm tàng giúp SV ta vượt qua những khó khăn cực nhọc của quá trình vươn lên ở một môi trường cực kỳ thách đố, khó khăn. 

 

 

Jane Bui (thực hiện)

Báo Trí Tri - Chuyên san của báo Khuyến học và Dân trí