Quảng Nam:

Lối ra nào cho nhân viên ngành giáo dục không được tái ký hợp đồng?

Công Bính

(Dân trí) - Nhiều nhân viên trong ngành giáo dục ở Quảng Nam đứng ngồi không yên vì khả năng sẽ mất việc làm, khi tỉnh áp dụng thi tuyển công khai mà không áp dụng hình thức xét tuyển cho những người thâm niên.

Nguy cơ mất việc của những nhân viên ngành giáo dục

Hàng chục nhân viên hiện đang công tác tại các trường mầm non công lập, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ, Quảng Nam có đơn phản ảnh về việc họ "có nguy cơ cao" bị mất việc; sau khi tỉnh Quảng Nam có kế hoạch tuyển dụng viên chức làm việc trong ngành giáo dục, tuy nhiên đối với vị trí nhân viên thì áp dụng thi tuyển công khai.

Lối ra nào cho nhân viên ngành giáo dục không được tái ký hợp đồng? - 1

Đại diện các nhân viên ngành giáo dục huyện Núi Thành đứng trước nguy cơ mất việc do phải thi tuyển.

Ông Nguyễn Vĩnh Dương, đại diện cho 29 nhân viên tại huyện Núi Thành làm đơn phản ánh như trên, trình bày: Chúng tôi được UBND huyện Núi Thành ký hợp đồng để làm nhân viên kế toán tại các trường học công lập trên địa bàn huyện từ năm 2010 đến nay.

Người ít thì thâm niên cũng làm việc được hơn 7 năm, nhiều thì đến hơn 10 năm. Trong suốt quá trình làm việc, các nhân viên luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, đóng bảo hiểm bắt buộc đầy đủ theo quy định.

Theo ông Dương, nỗi lo rất lớn của các nhân viên này là hiện tỉnh Quảng Nam đang có kế hoạch tuyển dụng viên chức làm việc trong ngành giáo dục, tuy nhiên đối với vị trí nhân viên thì áp dụng thi tuyển công khai.

"Chúng tôi đa phần đã ra trường, công tác lâu năm, đã có gia đình, sinh con, có trường hợp là mẹ đơn thân, hoàn cảnh nhiều khó khăn. Do đó, nếu phải thi tuyển cạnh tranh với các thí sinh trẻ, tự do mới ra trường thì thật sự rất thiệt thòi đối với chúng tôi bởi công việc, mưu sinh hằng ngày nên chúng tôi không có điều kiện để ôn luyện", ông Nguyễn Vĩnh Dương, đại diện các nhân viên nói.

Lối ra nào cho nhân viên ngành giáo dục không được tái ký hợp đồng? - 2

Những nhân viên ngành giáo dục TP Tam Kỳ trình bày với báo chí nguyện vọng của mình.

Theo các nhân viên này, nỗi lo lắng nguy cơ mất việc làm, gia đình rơi vào bất ổn trong thời gian đến là thường trực. Nhiều người hoang mang không biết nếu thất nghiệp mình phải làm gì để tiếp tục cuộc sống, chăm lo con cái học hành…

Trước nguy cơ mất việc làm, các nhân viên này đã có đơn cứu xét, kiến nghị gửi UBND tỉnh Quảng Nam và các cấp, ngành để được xem xét áp dụng hình thức xét tuyển viên chức nhân viên đối với họ, để họ có điều kiện được tiếp tục làm việc, cống hiến cho ngành giáo dục tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Vĩnh Dương nói: "Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ quy định hiện nay và nhận thấy mình hoàn toàn đủ điều kiện để được xét tuyển theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 13, Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

Cụ thể, theo ông Dương, căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng được xem xét tiếp nhận vào làm viên chức đối với các trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên, phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Hoặc người đang ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo quy định của pháp luật.

Không những nhân viên trong ngành giáo dục ở huyện Núi Thành, hàng chục nhân viên ở TP Tam Kỳ, huyện Tiên Phước cũng gởi đơn lên các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam với mong muốn được tiếp tục làm việc không phải qua thi tuyển.

Lối ra nào cho nhân viên ngành giáo dục nguy cơ không được ký hợp đồng tiếp?

Ngày 11/8, trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch huyện Núi Thành - cho biết, huyện cũng đã nhận được đơn thư của những nhân viên này và đã có công văn gởi UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT để xin chủ trương xét tuyển viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện.

Theo đó, UBND huyện Núi Thành xác nhận đã ký hợp đồng lao động trước ngày 31/12/2015 đối với một số nhân viên trường học và một số đơn vị sự nghiệp thuộc huyện, nằm trong chỉ tiêu biên chế tỉnh giao và có vị trí việc làm theo đề án được tỉnh phê duyệt.

Do đó, UBND huyện Núi Thành kiến nghị ngành chức năng quan tâm, xem xét, tạo điều kiện cho số hợp đồng lao động của huyện được xét tuyển theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Sau khi huyện Núi Thành có văn bản, Sở Nội vụ Quảng Nam đã phản hồi về việc xin chủ trương xét tuyển viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện.

Theo Sở Nội vụ Quảng Nam, hiện nay, việc tuyển dụng viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ với hình thức tuyển dụng là thi tuyển hoặc xét tuyển.

Do đó, nếu có nhu cầu tuyển dụng đề nghị UBND huyện Núi Thành căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, Thông tư số 6/2020/TTBNV ngày 2/12/2020 của Bộ Nội vụ và Quyết định số 3/2021/QĐ-UBND ngày 5/3/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam để triển khai tổ chức tuyển dụng theo quy định.

"Về việc tiếp nhận vào làm viên chức theo quy định tại điều 13, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ đối với các trường hợp hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ chỉ áp dụng ở đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư", văn bản Sở Nội vụ Quảng Nam nêu rõ.

Chủ tịch huyện Núi Thành cho hay, ông có người cháu dâu cũng ở trong tình trạng như các nhân viên có đơn kiến nghị, ông mong cho họ được tiếp tục làm việc nhưng luật quy định không được thì đành chịu. "Tôi nói với đứa cháu dâu lo học để thi chứ không đòi hỏi, mất thời gian mà lại không tập trung thi sẽ rớt", ông Sinh chia sẻ.