Lê Thị Thanh Nhàn - nữ PGS toán học trẻ nhất VN

(Dân trí) - Nếu Tiến sĩ vật lý Nguyễn Hữu Đức được phong hàm Giáo sư trẻ nhất VN ở tuổi 46 hay Tiến sĩ toán học Ngô Bảo Châu hiện là giảng viên ĐH Paris Sud, Pháp 33 tuổi vừa được đề nghị đặc cách lên Giáo sư, thì nữ tiến sĩ toán học Lê Thị Thanh Nhàn năm nay mới 35 tuổi cũng đã được phong hàm PGS.

Chị cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đạt danh hiệu này. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn.

 

Tại sao chị lại chọn môn Toán?

 

Tôi thích toán, thích những con số bởi đó là sự chính xác và đầy những bất ngờ.

 

Chị đến với Toán học như thế nào?

 

Chuyện làm Toán của tôi cũng giống như mọi chuyện khác vậy, có cả những niềm vui lẫn cả nỗi buồn, những khó khăn và thuận lợi. Bố tôi là bộ đội, đi chiến trường B, C rồi bị bệnh và mất sớm. Mẹ, một giáo viên cấp I, phải lo toan cuộc sống hàng ngày cho cả gia đình.

 

Hồi đó, gia đình tôi sống rất vất vả, thường xuyên phải nhịn ăn. Từ nhỏ, khi còn học ở trường Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên tôi chỉ mong muốn làm sao có thể thoát khỏi cảnh nghèo, và thêm mơ ước nhỏ là được trở thành cô giáo dạy Toán.

 

Rồi tôi cũng thực hiện được niềm đam mê, mơ ước cháy bỏng của mình. Sau khi đỗ vào khoa Toán - Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, tôi được giữ lại làm giáo viên. Lúc đó, tôi lại có mơ ước cao hơn, muốn đi nghiên cứu sinh để thoả mãn lòng say mê học Toán của mình. Với Toán, tôi như con “nghiện” vậy. Hiểu được điều đó, chồng tôi (từng là thầy giáo dạy tiếng Anh của mình) ủng hộ rất nhiệt thành.

 

Khi tôi đến xin làm nghiên cứu sinh với GS-TSKH Nguyễn Tự Cường -Viện Toán học Hà Nội, thầy ngại vì sợ sinh viên miền núi như tôi không thể nào làm được. Chồng tôi đã nói với thầy: “Nhàn yêu Toán và em yêu Nhàn, mong thầy nhận Nhàn là học trò”.

 

Rồi tôi đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với 6/7 phiếu suất sắc, được thầy khen là học trò giỏi nhất khiến cho tôi cảm thấy rất tự hào.

 

Trong 5 năm vừa qua, chị Nhàn có gần chục công trình đăng trên các tạp chí Toán của Hội Toán học Mỹ và Châu Âu. Và đầu tháng 3 này, trong Seminar “Đại số Giáo hoán” của Trường Đại học Utah - Mỹ, chị được mời làm phản biện cho các tạp chí như Tạp chí KH&CN-Đại học Thái Nguyên, Tạp chí KH&CN-Bộ GD-ĐT, Vietnam Journal of Math., và Communication in Algebra - một tạp chí chuyên ngành Đại số của Hội Toán học Mỹ. Với những thành tích đó, năm 2005 chị được phong hàm PGS ở tuổi 35. 

Đằng sau mọi sự thành đạt đều có cái giá của nó, chị nghĩ như thế nào?

 

Có được thành công ngày hôm nay, ngoài lòng say mê học Toán, tôi là người vô cùng may mắn vì có chồng và con trai luôn ủng hộ và hết lòng thương yêu tôi. Và cũng bởi vì tôi gặp được người thầy hướng dẫn giỏi, tâm huyết với nghề.

 

Gia đình và chuyên môn là hai thứ quan trọng nhất của tôi. Hiện tại, tôi quá bận rộn với những việc như quản lí, họp hành, giảng dạy... Tôi chỉ muốn có nhiều thời gian để làm toán, dạy con học và … để ngủ cho thoải mái! Từ năm 2000 đến nay, năm nào tôi cũng cố gắng bố trí đi nghiên cứu, báo cáo kết quả, tham dự hội nghị 3-4 tháng ở nước ngoài như Pháp, Italia, Đài Loan, Trung Quốc để cập nhật và tích luỹ kiến thức. Sau mỗi chuyến đi như thế tôi luôn nỗ lực để vừa học hỏi và thu được 1-2 công trình. Tháng 6 tới, tôi sẽ đi nghiên cứu 4 tháng tại Italia và Thuỵ sĩ. Vợ chồng tôi cũng thêm dự định, đầu năm tới sẽ có thêm một em bé.

 

Tôi muốn gắn bó với trường ĐH Thái Nguyên, nơi đã đào tạo mình trưởng thành. Giá như điều kiện làm việc ở đây tốt hơn để tôi có thể yên tâm cống hiến mà không phải nghĩ đến chuyện cơm áo hàng ngày.

 

Đôi nét về PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn

PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn sinh năm 1970 tại Khánh Hoà – Thái Nguyên. Tốt nghiệp xuất sắc trường ĐH Sư phạm Việt Bắc và được giữ lại làm giảng viên khi mới 20 tuổi. Trở thành Thạc sỹ, tiến sĩ khi chưa quá tuổi 30.

 

Năm 35 tuổi, chị được phong hàm PGS.TS toán học. Có hơn 20 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp trí thế giới Vietnam Journal of Math và Communication in Algebra - một tạp chí chuyên ngành Đại số của Hội Toán học Mỹ. Viện Toán học Pháp, Viện Vật lý lý thuyết của Italia và Thuỵ Sĩ mời sang nghiên cứu.

Hiện chị là trưởng khoa Khoa Tự nhiên của trường ĐH Thái Nguyên.

 

 

 

Hồng Hạnh