Lập kế hoạch để học tốt nơi xứ người

Là học sinh xuất sắc của Trường ĐH New South Wales, dẫn đầu về thành tích học tập năm 2011, Phan Huỳnh Du luôn đặt ra cho mình những yêu cầu cao trong việc học. Để đạt được thành tích ấy, bí quyết của Du là phải có kế hoạch cụ thể cho việc học nơi xứ người.

Sang Úc từ những năm học THPT, tôi có lợi thế hơn các bạn học trong nước là được chọn các môn học theo sở thích và ý nguyện phát triển tương lai sau này. Ở Úc, chương trình đào tạo cấp 1 và cấp 2 khá tương đồng với Việt Nam nhưng khác ở chỗ là bắt đầu năm học lớp 11, trường sẽ tổ chức các buổi phỏng vấn để biết được nguyện vọng của học sinh, từ đó tư vấn cho học sinh các môn học phù hợp.

 

Trường Đại học New South Wales, nơi Du theo học
Trường Đại học New South Wales, nơi Du theo học



Ví dụ, ở trường hợp của tôi, trường biết tôi có ý định học ngành y khi vào đại học nên hướng cho tôi chọn các môn khoa học tự nhiên, khuyến khích nghiên cứu... Học các môn khoa học tự nhiên không thuần là học kiến thức, 50% là lý thuyết và 50% còn lại là phương pháp ứng dụng.

 

Song song đó là trang bị kiến thức về xã hội. Bài thi ở nước ngoài bao giờ giáo viên cũng đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức và diễn đạt tốt, hiểu biết về xã hội. Tập hợp được các yếu tố này, bài thi mới có thể đạt điểm cao.

 

Với tiêu chuẩn như thế, cách học thụ động phổ biến ở Việt Nam sẽ làm học sinh khó theo kịp. Do vậy, tôi phải lập kế hoạch cụ thể cho việc học. Để có 50% điểm lý thuyết, tôi xem trước tài liệu trước khi lên lớp, bởi giáo viên giảng bài dựa trên giáo trình.

 

Sau giờ học, tôi dành thời gian chú thích lại các điểm cần chú ý và các điểm để gợi nhớ những lý thuyết vừa học. Mỗi tuần chỉ cần dành chút thời gian ôn tập, hệ thống lại kiến thức là xem như đã nắm vững những gì đã học. Cách học này giúp tôi cơ bản giải quyết được vấn đề lý thuyết của môn học.

 

Về kiến thức xã hội và chuyên sâu, tôi dành từ 3 - 4 giờ mỗi ngày để tự học, tìm hiểu thêm kiến thức từ bên ngoài. Nguồn kiến thức tự học là vô tận nên khi gặp vấn đề nào thắc mắc tôi thường trao đổi với giáo viên. Thầy cô ở đây khá cởi mở nên việc tranh luận với giáo viên cũng hết sức thú vị.

 

Kết hợp cả hai nguồn kiến thức, tôi có thể tự tin trong các kỳ thi. Trước kỳ thi khoảng một tháng, tôi thường dành thời gian tham khảo đề thi của các năm trước để học cách trả lời các câu hỏi, đối chiếu đáp án được điểm cao với đáp án của mình như một cách thi thử.

 

Học nhiều nhưng không phải toàn bộ thời gian trong ngày của tôi đều dành cho việc học, bởi đã có lịch học cụ thể nên tôi cũng còn nhiều thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa. Tuy chỉ có các học viên có thành tích cao trong các hoạt động văn hóa, thể thao... mới được cộng điểm, nhưng dành thời gian để luyện tập thể thao cũng là cách duy trì “phong độ” của sức khỏe, giúp việc học thuận lợi hơn.

 

 

Theo Phan Huỳnh Du

DNSG