Ninh Thuận:

Lãnh đạo làm sai, giáo viên lãnh đủ

(Dân trí) - Sau khi dư luận lên tiếng, lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp-Hướng nghiệp Phan Rang (Ninh Thuận) mới tìm cách chữa cháy bằng cách khấu trừ tiền vượt giờ của giáo viên đã nhận trong hai năm 2013-2014 thành tiền lương 3 tháng bị thiếu. Tuy nhiên điều này khiến giáo viên phản ứng dữ dội.

Lãnh đạo làm sai, giáo viên lãnh đủ
Cán bộ, giáo viên của Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp Phan Rang bức xúc trước cách giải quyết việc nợ lương của lãnh đạo Trung tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Đông - Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Phan Rang (Ninh Thuận), đến ngày 31/12/2014, tất cả cán bộ, giáo viên đều đã được nhận lương.

Tuy nhiên, trong cách giải quyết tiền lương cho CB-GV của Trung tâm cũng có nhiều bất cập khiến cho giáo viên phản ứng dữ dội vì họ cho rằng giải quyết như thế là chưa thấu lý đạt tình. Mới đây, tập thể giáo viên của Trung tâm đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi. 

Theo như trong đơn cầu cứu gửi tới báo Dân trí, nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều tháng liền CB-GV Trung tâm chưa được nhận lương là do lãnh đạo Trung tâm vi phạm nguyên tắc tài chính, lấy tiên từ quỹ lương để chi trả tiền vượt giờ cho giáo viên. Và đến khi CB-GV của Trung tâm phản ứng, dư luận lên tiếng thì lãnh đạo Trung tâm mới tìm cách chữa cháy bằng cách khấu trừ tiền vượt giờ của giáo viên đã nhận trong hai năm 2013-2014 thành tiền lương 3 tháng bị thiếu.

Ông Nguyễn Văn Đông - Phó giám đốc Trung tâm giải thích rằng: “Nếu GV nào đã nhận tiên vượt giờ mà dư  Trung tâm sẽ chi trả thêm cho đủ lương. Còn GV nào bị âm thì sẽ khoanh nợ để đó”. Chính cách giải quyết này khiến cho giáo viên bức xúc làm đơn cầu cứu gửi đi khắp nơi. Ông Đông cho biết thêm: “Đó là hình thức thu hồi tiền vượt giờ mà Trung tâm đã chi sai để ưu tiên chi trả lương!”.

Vậy vì sao việc lãnh đạo Trung tâm làm sai nguyên tắc tài chính, bây giờ bắt giáo viên phải chịu? Ông Nguyễn Văn Đông trả lời, việc lấy tiền lương để chi trả tiền vượt giờ là quyết định của giám đốc Trung tâm.

Theo như trong đơn cầu cứu, để đối phó với dư luận, chiều ngày 27/12/2014, Sở GD-ĐT Ninh Thuận đã tổ chức họp toàn thể CB-GV của Trung tâm, và tại đây, lãnh đạo Trung tâm đã buộc GV phải lý vào bảng lương trong khi họ chưa hề được nhận lương. Việc làm này đã không được sự đồng tình của đông đảo GV và thế là không GV nào chịu ký vào bảng lương mà họ chưa hề thực nhận cả.

Chính việc lãnh đạo Trung tâm thu hồi tiền vượt giờ của giáo viên trong hai năm 2013-2014 để khấu trừ vào lương khiến cho GV vô cùng bức xúc, vì họ cho rằng, chi trả tiền vượt giờ cho giáo viên là việc đương nhiên mà Trung tâm phải làm. Giáo viên cho rằng, dạy vượt giờ là công sức lao động của giáo viên và nhà nước có trách nhiệm phải chi trả theo quy định. Hơn nữa, GV đã nhận tiền vượt giờ trong một thời gian dài, đã chi dùng vào việc cơm áo gạo tiền cho gia đình hết cả rồi, bây giờ đòi khấu trừ vào lương thì thử hỏi họ lấy gì để chăm lo cho gia đình, trả nợ nần mà họ đã phải vay mượn từ nhiều nguồn để nuôi sống gia đình suốt trong những tháng mà họ chưa nhận được lương.

Việc lãnh đạo Trung tâm vi phạm nguyên tắc tài chính dùng quỹ lương để chi trả tiền vượt giờ thì phải xử lý lãnh đạo chứ tại sao lại bắt họ phải gánh chịu. Trong đơn cầu cứu của tập thể giáo viên Trung tâm, chỉ riêng số tiền lương phải trả cho 11 người không có trong chỉ tiêu đã là 460 triệu đồng rồi và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho quỹ lương của Trung tâm đã thiếu lại càng thiếu.

Được biết, chiều ngày 5/1/2015, lãnh đạo Sở GD-ĐT Ninh Thuận đã có một buổi họp để giải quyết lá đơn cầu cứu của tập thể giáo viên Trung tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin đến bạn đọc.

Minh Lê - Lê Phương