Làng hiếu học Nhơn Mỹ

Nhơn Mỹ là một xã nằm ven sông Hậu, thuộc cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Nhơn Mỹ được nhiều người biết đến bởi nơi đây có truyền thống hiếu học. Hiện nay xã có 4 tiến sĩ, 47 thạc sĩ và hơn 400 học sinh đỗ đại học, cao đẳng được vinh danh trên bảng vàng.

Làng hiếu học Nhơn Mỹ - 1

Buổi tuyên dương, vinh danh các tân sinh viên, thạc sĩ tại xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Phát triển các chi hội khuyến học

Từ năm 2012 đến nay, gần tới ngày khai giảng năm học mới, Hội Khuyến học xã Nhơn Mỹ đều tổ chức lễ tuyên dương, vinh danh thạc sĩ, tiến sĩ và học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng. Lễ vinh danh là tâm huyết của ông Cao Phước Đông, nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học trong xã và hiện nay ông là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nhơn Mỹ.

Ông Cao Phước Đông cho biết: “Hội Khuyến học xã Nhơn Mỹ được thành lập năm 2002. Để Hội hoạt động hiệu quả, chúng tôi đã tham mưu cho Đảng ủy - UBND xã thành lập 11 chi hội khuyến học tại 11 ấp, do đồng chí bí thư chi bộ ấp làm chi hội trưởng. Mỗi chi hội có nhiệm vụ vận động các nhà hảo tâm, nhà tài trợ đóng góp gây quỹ từ 2 đến 3 triệu đồng/năm. Từ 11 chi hội ban đầu, đến nay đã có 97 chi hội khuyến học với gần 3.000 hội viên. Tính trong năm 2018, Hội đã tổ chức tuyên dương cho 50 em tân sinh viên và vinh danh 18 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1”.

Là một trong 50 người được tuyên dương năm 2018, em Nguyễn Thị Lẹ, sinh viên ngành sư phạm hóa, Trường Đại học An Giang bùi ngùi kể: “Ba em bị bệnh, mẹ hàng ngày phải đẩy xe rau cải rong ruổi đi bán khắp nơi kiếm tiền nuôi 2 chị em đi học. Cũng nhờ hội khuyến học xã hỗ trợ, giúp đỡ mà em có thể vững bước đến ngày hôm nay. Em chọn ngành sư pham hóa vì em thích học môn hóa, với lại học sư phạm em không phải đóng học phí”.

Trong 18 thạc sĩ được mời về dự lễ vinh danh tại quê nhà, em Phan Thị Mộng Thắm, vừa bảo vệ xong luận văn Thạc sĩ Vật lý chia sẻ: “Nhận được sự quan tâm của địa phương em rất vinh dự, đặc biệt hội khuyến học xã đã tạo điều kiện cho em cũng như các bạn có thể tiếp tục đến trường, theo đuổi ước mơ của mình. Đó là động lực để chúng em có thêm quyết tâm học tốt”.

Ông Nguyễn Công Minh, Chi hội trưởng Dòng họ Lương Văn Cù - Chi hội Khuyến học Dòng họ đầu tiên của xã Nhơn Mỹ cho biết: “Toàn xã hiện có 23 chi hội khuyến học dòng họ. Chi hội trưởng là trưởng tộc, hoặc người có uy tín trong dòng họ. Ý tưởng thành lập chi hội khuyến học dòng họ là nhằm động viên con cháu không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập; đồng thời tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ từ lúc sơ khai. Từ khi thành lập đến nay, chi hội không ngừng gây quỹ khuyến học để giúp đỡ về vật chất, trao thưởng, tuyên dương, động viên con em có thành tích học tập tốt, cũng như con em có hoàn cảnh khó khăn”.

Có đi học, thành tài mới thoát nghèo

Đến ấp Mỹ Thuận, xã Nhơn Mỹ chúng tôi nghe nhiều người kể về tấm gương người mẹ đơn thân nuôi con ăn học – đó là bà Phan Thị Kim Liên, năm nay 52 tuổi. Năm 2010, chồng bà chẳng may bị điện giật mất đúng ngày 2 đứa con gái nhận giấy báo trúng tuyển đại học. Từ đó đến nay, bà Liên vừa làm cha, vừa làm mẹ để nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn và đi học. Bà Liên chia sẻ: “Cú sốc quá lớn khiến tôi và các con suy sụp. Với sự giúp đỡ của hội khuyến học xã và sự cố gắng của gia đình, mẹ con tôi dần vượt qua khó khăn. Người con gái lớn là Nguyễn Thị Hồng Nhung, hiện là Thạc sĩ Vật lý, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền ở TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang). Người con gái kế Nguyễn Thị Hồng Nhung, vừa tốt nghiệp Thạc sĩ Ngành Bảo vệ Thực vật, hiện công tác tại Sở Nông nghiệp (tỉnh An Giang). Hai người con út đang là sinh viên năm cuối tại Trường Đại học Cần Thơ”.

Ở ấp Nhơn Lợi, có gia đình ông Trần Văn Sĩ, nguyên là giáo viên Trường THCS Phan Thành Long, là tấm gương hiếu học ở địa phương. Hiện nay gia đình ông có 3 con đều là thạc sĩ. Con lớn Trần Nguyễn Khái Hưng, tốt nghiệp Thạc sĩ Toán Trường Đại học Cần Thơ, hiện là Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thành Trinh; anh Trần Nguyễn Hòa Hưng, Bác sĩ CKI Bệnh viện Tim mạch tỉnh An Giang; em gái Trần Nguyễn Thu Thảo, tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế Trường Đại học Cần Thơ năm 2017. Ngoài ra, cả 3 con dâu, rể của ông Sĩ cũng đều là thạc sĩ.

Ông Trần Văn Sĩ chia sẻ: “Vợ chồng đều là giáo viên, chúng tôi vượt qua biết bao khó khăn để nuôi con ăn học. Thời bao cấp, tôi chỉ có duy nhất một bộ đồ mặc đi dạy, chiều về giặt, hôm sau mặc tiếp. Một buổi dạy, một buổi mò cua, bắt ốc, vợ bán xôi cải thiện cuộc sống. Khó khăn là vậy, nhưng nhờ các con có ý chí ham học, vươn lên nên mới có được kết quả như hôm nay”.

Ông Đinh Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang cho biết: “Với nhiều hoạt động hay, có ý nghĩa trong khuyến học, khuyến tài, xã Nhơn Mỹ trở thành một mô hình điểm về xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, khuyến học của tỉnh An Giang. Phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng phát huy hiệu quả, ý chí vươn lên học tập của con em ngày một cao đã tạo được sự lan tỏa, thúc đẩy tinh thần hiếu học trong cộng đồng và xã hội”.

Theo Lưu Quang Đức
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam